Sứ Hải Dương có 100 gram uraniom?
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Tân, 68 tuổi, cư trú tại số 98 phố Tuệ Tĩnh TP.Hải Dương (nguyên thủ kho Nhà máy Sứ Hải Dương từ năm 1968 đến năm 2004) cho biết: "Việc ban giám đốc hiện tại của Công ty cổ phần Sứ Hải Dương bán thanh lý mất bộ cốc bạch kim vốn là vật gia bảo của nhà máy chưa phải là số vật tư quý và có giá trị nhất mà là 100 gram uraniom mới là vật tư có giá trị và vô cùng nguy hiểm".
Theo ông Tân, nguồn gốc của 100 gram uraniom này là, vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20, Sứ Hải Dương là nhà máy sứ lớn nhất Đông Nam Á nên quan điểm sản xuất là sứ Việt Nam phải dán hoa Việt Nam. Lúc đó, ông kỹ sư, kiêm hoạ sĩ Nguyễn Thọ Chất đề xuất: Muốn làm được điều này, phải có uraniom để làm thí nghiệm. Sau đó, thông qua một số kênh quan hệ, 100 gram uraniom đã được mua, giao cho Nhà máy Sứ Hải Dương sử dụng.
Thực tế số uraniom được dùng vào việc gì thì không ai biết, vì ông Nguyễn Thọ Chất sau đó được điều lên Bộ Công nghiệp nhẹ. Các thế hệ kỹ sư sau này cũng không ai biết số 100 gram uraniom vật tư này dùng vào việc gì? Và từ năm 1968 khi ông Tân làm thủ kho đã có hộp uraniom để trong kho.
Ông Tân kể lại, lúc đầu ông nhận kho còn thấy hộp này có 2 lớp bên ngoài là gỗ, bên trong hộp bằng chì, sau đó lớp gỗ hỏng. Nhưng hàng năm, Bộ Công nghiệp nhẹ và Ty Công an Hải Hưng (lúc đó là tỉnh Hải Hưng) đều cử chuyên gia đến kiểm kê và kiểm tra mỗi năm 1 lần rất nghiêm ngặt. Tới năm 2004, ông Tân về hưu bàn giao kho cho ông Nguyễn Đức Dũng thì lớp gỗ ở bên ngoài hộp đựng uraniom đã mục hết chỉ còn lại phần hộp chì.
Hiện tại, ông Nguyễn Đức Dũng đã nghỉ hưu và bàn giao lại kho cho người khác. Ông Dũng ở số nhà 179, Tuệ Tĩnh, Hải Dương xác nhận, trong sổ lưu danh mục vật tư hoá chất của kho Nhà máy Sứ Hải Dương có lưu 100 gram uraniom. Số phóng xạ này được đựng trong một hộp chì, dày khoảng 4cm dài 15cm và rộng 13cm.
Truy tìm 100 gram uraniom này của Công ty Sứ Hải Dương, chúng tôi đã tìm thấy phiếu xuất kho ngày 31.12.2004, trong mục Lý do xuất kho, ghi: "Xuất vật tư huỷ theo BB (biên bản) ngày 31.12.2004. Số thứ tự thứ 07 có ghi u-ra-ni-om đơn vị tính kg (0,100)” có nghĩa là 100 gram uraniom. Điều đó đã cho thấy tới ngày 31.12.2004 thì Sứ Hải Dương vẫn quản lý 100 gram uraniom này. Và hiện tại số phận của 100 gram uraniom này ra sao thì không ai xác định được chính xác.
Công văn về chất lạ
Theo Công văn số 404, ngày 11.10.2012 của Công ty Sứ Hải Dương, gửi Công an tỉnh Hải Dương, Tỉnh đội Hải Dương và Sở Khoa học - Công nghệ Hải Dương có nội dung: Ngày 10.10.2012, Công ty cổ phần Sứ Hải Dương có nhận được thông tin là trong công ty có chất lạ tại khu vực kho đồ cũ phía bắc công ty. Sau khi có thông tin, công ty đã tổ chức niêm phong các kho đồ cũ, thẻ kho và tổ chức bảo vệ 24/24 giờ kể từ ngày 10.10.2012. Hiện tại trong sổ sách quản lý của công ty cũng như bàn giao tài sản vật tư tại thời điểm tái cơ cấu (tháng 5.2009) là không có chất lạ nào.
Sáng 11.10.2012, công ty đã cho các bộ phận kiểm tra thì Phòng Tài chính kế toán xác nhận có chất lạ trong sổ sách, từ khi người đầu tiên của phòng về làm việc vào năm 1979 đến ngày 31.12.2004, công ty tiến hành xuất vật tư huỷ. Kể từ cuối năm 2004, số lượng 100 gram uraniom "biến" khỏi sổ sách của Công ty Sứ Hải Dương; không phòng ban nào được giao quản lý hay báo cáo kết quả huỷ ra sao và có rất ít người biết thông tin về số vật tư phóng xạ cực kỳ nguy hiểm này .
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Văn Bình - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hải Dương cho biết: Trước khi nhận được Công văn 404 của Công ty Sứ Hải Dương, Sở Khoa học - Công nghệ không quản lý và cũng không có thông tin về việc đơn vị này có nguồn phóng xạ để phục vụ sản xuất.
Ngày 10.10, PV Báo NTNN liên lạc với lãnh đạo Công ty cổ phần Sứ Hải Dương, để tìm hiểu thông tin về 100gram uraniom này nhưng Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Hà và Phó Tổng Giám đốc Vũ Lê Hoa đều không nghe điện thoại, PV Báo NTNN đã phải nhắn tin thông báo nội dung: Sứ Hải Dương có 100gram uraniom.
Tuy nhiên, chiều 11.10, Sở Khoa học - Công nghệ đã thành lập đoàn công tác gồm Phòng Công nghệ và Phòng Bức xạ. Đoàn công tác dùng thiết bị đo Spectơ để đo phóng xạ ở môi trường khu vực nhà kho, nghi có chất lạ, thì kết quả vẫn ở mức cho phép. Nhưng để xác định chất lạ ở bên trong có phải là uraniom hay không thì Sở Khoa học - Công nghệ chưa làm được vì chưa có thiết bị đo nơtơron để xác định. Nhưng để phòng ngừa, Sở đã dán biển cảnh báo phóng xạ ở khu vực nhà kho của Công ty Sứ Hải Dương.
Hiện tại, Sở Khoa học - Công nghệ đã gửi công văn lên Cục An toàn bức xạ hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu cử cán bộ, đưa thiết bị tới giám sát xem chất lạ ở Công ty Sứ Hải Dương là chất gì và hướng dẫn Công ty Sứ Hải Dương biện pháp bảo vệ và khai báo nguồn.
Ngày 18.10, trao đổi với chúng tôi, ông Trương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: "Hiện nay, Cục đã tiếp nhận thông tin này và đã giao cho Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố, kiểm tra đánh giá xem đây là chất gì để khuyến cáo đơn vị sử dụng và người dân ở đây. Nếu cần thiết phải thu hồi thì sẽ làm các thủ tục để thu hồi”.
Nguyễn Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.