Covid-19 Gia Lai: Hàng trăm nông dân lo trắng tay vụ mùa vì bị "ngăn sông cấm chợ" từ tỉnh Kon Tum!

Lê Kiến Thứ tư, ngày 17/11/2021 17:27 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19, lúa đã vào mùa thu hoạch, nhưng nhiều tháng nay hàng trăm hộ nông dân dân ở 2 xã Ia Khai và Ia Krái (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) không thể đến rẫy gặt lúa, chăm vườn…do chính sách kiểm soát dịch thái quá ở tỉnh Kon Tum.
Bình luận 0

Lúa chín rộ đồng, nông dân ngồi nhà rầu rĩ

Đang vào giai đoạn nước rút chăm sóc cây trồng và thu hoạch nông sản nhưng nhiều tháng nay hàng trăm hộ dân ở xã 2 Ia Khái và Ia Krái (huyện Ia Grai) bỗng rảnh rỗi đến lạ thường. Lúa chín vàng đồng nhưng không đi gặt, cỏ tốt um tùm nhưng không thể đến chăm nom…

Theo người dân ở đây cho biết, nguyên do là xã giáp ranh Ia Tơi (thuộc huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) thực hiện kiểm soát dịch Covid-19, ngăn cấm công dân từ tỉnh Gia Lai sang địa phận xã Ia Tơi canh tác bằng đường sông. 

Theo thống kê của huyện Ia Grai, diện tích người dân trên địa bàn huyện đang canh tác trên đất của huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum gần 600ha (trong đó có 432 ha điều, 70 ha mì, hơn 79 ha lúa…).

Gia Lai: Hằng trăm hộ dân lo vụ mùa trắng tay do bị "ngăn sông cấm chợ" - Ảnh 1.

Già làng Siu Thuê, làng Yom, xã Ia Khai cho biết từ nhiều tháng nay bà con không thể sang xã Ia Tơi canh tác, lúa chín đầy đồng nhưng không thể thu hoạch được. Ảnh: Lê Kiến.

Gặp già làng Siu Thuê (làng Yom, xã Ia Khai), ông cho biết: "Bà con hiện đang rất lo lắng, nếu không thu hoạch lúa kịp thì con chim, con chuột nó ăn mất... để lâu hư hỏng. Cả năm mới làm được một vụ lúa, nếu mất trắng thì lấy gì mà ăn. Bà con nhiều lần ý kiến nhờ chính quyền can thiệp, đề xuất với xã Ia Tơi cho dân đi làm bình thường nhưng chưa được".

Theo già làng Siu Thuê, từ xưa đến nay người dân ở đây đều đi qua sông Sê San canh tác (nay là địa phận xã Ia Tơi). Chỉ cần đi đò qua sông tầm 1km là đến đất rẫy. 

Thế nhưng, thời gần đây xã Ia Tơi (huyện Ia H'Drai) siết chặt quản lý phòng chống dịch, không cho công dân ngoại tỉnh đi canh tác bằng đường sông nữa. Vì vậy, người dân không thể lên rẫy chăm sóc cây trồng và thu hoạch nông sản. Riêng làng Yom đã có 180 hộ có đất canh tác ở địa phận xã Ia Tơi.

Gia Lai: Hằng trăm hộ dân lo vụ mùa trắng tay do bị "ngăn sông cấm chợ" - Ảnh 2.

Hàng loạt phà của người dân đều nằm yên, không hoạt động vì việc đi lại bằng đường sông giữa 2 xã Ia Khai và xã Ia Tơi (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) bị ngăn cấm. Ảnh: Lê Kiến.

Chung tình cảnh, ông Ksor Hlêu (làng Yom, xã Ia Khai) cũng đứng ngồi không yên, 1 ha lúa của ông đã chín rộ. Ông Hlêu bức xúc: "Rẫy lúa của tôi đã chín lắm rồi nhưng hàng ngày vẫn ở nhà, chờ. 

Bình thường đi làm bằng đường sông chỉ cách 1km là đến rẫy. Nay xã Ia Tơi cấm không cho đường sông, họ yêu cầu phải đi bằng đường bộ qua chốt quốc lộ 14C. Nếu đi theo đường bộ thì phải đi vòng rất xa, khoảng 150km, còn phải thực hiện cách ly nữa… đi làm rẫy mà đi xa như vậy thì ai mà đi được".

Dân vùng xanh bị "canh chừng" như dân vùng đỏ

Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Mai Lương – Chủ tịch UBND xã Ia Khai cho hay: Từ tháng 9/2021 đến nay xã đã có 3-4 văn bản gửi chính quyền xã Ia Tơi và huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) đề nghị xem xét, tạo điều kiện và nới lỏng khâu kiểm soát để cho người dân của xã Ia Khai đi đường sông qua xã Ia Tơi canh tác. Nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Trong khi hàng năm 2 địa phương luôn có quy chế phối hợp với nhau.

"Chúng tôi rất lo ngại vấn đề này để lâu sẽ phát sinh những hệ lụy xấu, gây bức xúc trong nhân dân, gây mất an ninh trật tự ở nông thôn. Lúa chín mà không cho sang gặt, sợ dân lén lút chèo đò qua sông ở những nơi vắng sẽ nguy hiểm, nhất là thời điểm có mưa lũ. Nếu sự việc kéo dài, ảnh hưởng thu hoạch sẽ dẫn đến nguy cơ dân thiếu đói", bà Lương nói.

Gia Lai: Hằng trăm hộ dân lo vụ mùa trắng tay do bị "ngăn sông cấm chợ" - Ảnh 3.

Chiếc đò của anh Thiu, làng Yom, xã Ia Khai đã lâu không hoạt động chở người và nông sản do xã Ia Tơi ngắn cấm đi lại đường sông. Ảnh: Lê Kiến.

Theo bà Lương, xã Ia Khai là xã vùng xanh, không có ca nào dương tính Covid-19. Công dân của xã Ia Khai muốn đi qua sông canh tác đều được xã xác nhận đầy đủ thông tin và đảm bảo các quy định về phòng dịch. 

Thế nhưng chính quyền xã Ia Tơi (huyện Ia H'Drai) kiểm soát hết sức khắt khe. Từ tháng 10/2021, xã Ia Tơi còn yêu cầu người dân Ia Khai muốn sang canh tác phải đi qua chốt kiểm soát quốc lộ 14C và cách ly 14 ngày theo quy định mới được.

Bà Lương cho rằng, việc kiểm soát như vậy là không hợp lý, gây khó cho nông dân. Nếu đi bằng đường bộ qua chốt quốc lộ 14C, tính từ xã đến chốt đã mất 60km và từ đó đi vào rẫy, bà con phải đi thêm khoảng 60km nữa… và phải thực hiện cách ly. Yêu cầu như vậy thì người dân khó mà chấp hành được.

Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, huyện đã nhận được văn bản kiến nghị của xã Ia Khai đề nghị huyện có giải pháp giúp nông dân đi lại canh tác, thu hoạch nông sản trên địa bàn xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum. 

Ngày 16/11, UBND huyện cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum đề nghị tạo điều kiện cho người dân thông thương, lao động sản xuất theo lối truyền thống qua sông.

"Hiện nay đã đến vụ thu hoạch các loại cây trồng mà người dân không đi lại được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Mặt khác việc ngăn cấm sẽ nảy sinh các vấn đề như mất an ninh trật tự nông thôn, mâu thuẫn xảy ra giữa các chốt và nhân dân. Một số bà con không được qua đường sông để thu hoạch nông sản sẽ tìm cách đi các lối nhỏ dễ gây tai nạn đuối nước và không thể kiểm soát", ông Đông nói.  

Theo ông Đông, Chính phủ đã có Nghị quyết số 128/NQ-CP về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và xã Ia Khai, huyện Ia Grai không nằm trong danh sách vùng dịch. Vì vậy, phía chính quyền xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai (Kon Tum) lập chốt không cho người dân xã Ia Khai sang thu hoạch nông sản bằng đường sông, mà yêu cầu đi theo Quốc lộ 14C là rất khó khăn, không khả thi đối với bà con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem