"Covid-19 thức tỉnh con người: Thay đổi hay là chết!”

Thứ hai, ngày 20/09/2021 15:35 PM (GMT+7)
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ: "Covid-19 tác động quá sâu sắc đến nhân loại. Những ngày giãn cách, tôi thấm thía là con người phải thích nghi với hoàn cảnh mới trước khi "bình thường mới".
Bình luận 0

"Covid-19 thức tỉnh con người: Thay đổi hay là chết!” - Ảnh 1.

Nhà văn Trầm Hương cùng dịch giả Nguyễn Bá Chung; Tiến sĩ, nhà thơ Kevin Bowen khi thực hiện một bộ phim tài liệu ở Boston, Mỹ vào ngày 14/8/2018. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Nhà văn Trầm Hương là một người đa tài: Viết văn, làm thơ, viết kịch bản, viết báo, là hội viên của 5 Hội: Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà văn TPHCM, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà Báo Việt Nam. Chị tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, cử nhân điện ảnh, thạc sĩ báo chí, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Một cuộc trò chuyện cởi mở với chị về văn chương.

 Chị là người thành công ở nhiều mảng: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch bản… Nhưng ở lĩnh vực nào chị cảm giác được thỏa sức vẫy vùng nhất?

- So với các thể loại, tiểu thuyết là "toà nhà lớn" huy động mọi tinh hoa để dựng xây từ móng, sắt, thép, gạch... Rồi thiết kế, trang trí nội thất... Tôi có một người bạn khi xây nhà đã dụng công gởi sang Pháp đặt từng viên ngói, từng viên gạch, chiếc đèn trang trí... cho đúng với thiết kế, để được đồng bộ. Toà nhà có rất nhiều chi tiết, từ ban công, cửa ra vào, phòng khách, phòng ngủ, bếp, sân vườn, hệ thống chiếu sáng, thông gió...

Những chi tiết trong ngôi nhà ngỡ như độc lập nhưng liên kết, nâng đỡ nhau. Viết tiểu thuyết cũng vậy. Từng nhân vật, chi tiết, tình tiết, tiết tấu... đều có mối liên hệ mắt xích với nhau. Nhà văn là "kiến trúc sư" xây dựng ngôi nhà cho mình, đổ bao tâm huyết, trí tuệ, vốn sống, trăn trở... "Toà nhà" tiểu thuyết huy động truyện ngắn, thơ, kịch, lịch sử, triết học, mỹ học... Tóm lại, viết tiểu thuyết phải có sức khoẻ, dũng khí, lòng kiên nhẫn, vốn liếng, rất dụng công!

Một trong những kịch bản phim truyện của chị được nhiều khán giả yêu mến là "Người đẹp Tây Đô" 16 tập về nguyên mẫu nữ tình báo Lâm Thị Phấn (Bạch Cúc). So với nguyên mẫu, chị có phải hư cấu thêm nhiều? Và khi phim phát sóng, chị có hài lòng không?

- Khi viết "Người đẹp Tây Đô" tôi còn rất trẻ... Tôi nhớ lúc đó nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Nguyên Hùng rất ái ngại cho tôi, khuyên tôi đừng húc đầu vào một đề tài khó. Nhân vật nguyên mẫu quá cá tính, có cuộc đời khá phức tạp, với những mối quan hệ chồng chéo từ nhiều phía, có những điều bí mật về cuộc đời riêng. Và lịch sử kháng chiến Khu Tây Nam bộ với một cô gái trẻ quá lạ lẫm, quá bi tráng. Nhưng tôi không thể dừng vì đã đọc "Cuốn theo chiều gió", "Sông Đông êm đềm", "Những người khốn khổ"... Tôi lúc ấy ngây thơ, quá rung cảm với lịch sử bi tráng được làm nên bởi những con người lạ lùng, kỳ diệu. Tôi bị thôi thúc phải viết về những điều lạ lùng, kỳ diệu ấy. Tôi được sống với "gia đình địa chủ" từ chính cuộc đời mẹ tôi. Tôi gặp rất nhiều phụ nữ dấn thân vào cuộc kháng chiến. Câu chuyện bà Lâm Thị Phấn truyền cảm hứng cho tôi. Bạch Cúc chứa nhiều thân phận phụ nữ trong cuộc kháng chiến, trong trớ trêu số phận, khát vọng hạnh phúc, những vết thương sâu...

Tôi học điện ảnh nên hiểu kịch bản chỉ là một phần của công đoạn sản xuất phim nên không nặng lòng lắm với những điều không như ý muốn. Trong điều kiện có nhiều ràng buộc và giới hạn; đạo diễn và êkíp làm phim đã rất nỗ lực…

Chị nổi tiếng với mảng chủ đề chiến tranh cách mạng với nhiều tác phẩm sâu sắc, bút lực dồi dào, vì sao chị lại đắm đuối với chủ đề này? Và chị hướng tới đối tượng độc giả nào là chủ yếu?

- Á Nam Trần Tuấn Khải có một "tuyên ngôn" về ngòi bút của mình: "Đời không duyên nợ thà không sống/ Văn chứa non sông mới có hồn". Mỗi khi đến thăm "Lưu niệm đường" (số 58/4, đường 27, KP 5, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức - TP.Hồ Chí Minh)… - ngôi nhà thờ ông, tôi dừng lại rất lâu trước chân dung vuông khắc hai câu thơ ấy. Nếu mỗi nghề đều có Tổ nghề thì tôi xin được xem ông là ông Tổ, người Thầy của mình.

Nếu như các bạn gặp những người phụ nữ từ trang sách "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái" bước ra cuộc đời, trò chuyện với các bạn về những năm tháng trụ tại tuyến đường, gần 10 năm ròng rã, nơi sắt thép cũng tan chảy nhưng con người trụ lại, gánh một góc cuộc chiến tranh trên đôi vai mảnh mai, đối mặt với đạn bom, cái chết, những cơn đói, khát, chất độc da cam...; ngày qua ngày, vượt hàng chục, hàng trăm cây số, tải vũ khí về chiến trường thì đá cũng mềm lòng. Nếu các bạn biết có quá nhiều những người con gái xinh đẹp, bị cắt ra từng mảnh, bị bom vùi, bị tống vào những nhà tù khét tiếng, bị tra tấn đến không còn hình hài... thì ngòi bút có  làm sao không chảy máu. Tôi không chỉ đắm đuối mà viết vì đồng cảm và trách nhiệm người còn được sống, sống thay cho những người đã nằm xuống. Thật hạnh phúc khi có những người trẻ đọc sách tôi mà không ngán, thấy yêu đất nước, đồng bào hơn!

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một đề tài lớn trong chủ đề chiến tranh cách mạng của chị với tiểu thuyết "Đêm Sài Gòn không ngủ" (Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm/lần, Giải thưởng tiểu thuyết Hội nhà văn Việt Nam) và bút ký "Chuyện năm 1968", (Giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT báo chí chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) vì sao chị lại dành nhiều tâm sức cho nó và chị đã viết hết những gì muốn nói?

- Nếu cắt đứt quá khứ, ta chỉ còn là cái cây bật gốc, với một tương lai héo rũ, yếu ớt. Cũng sẽ có người phản biện: "Quá khứ trì nặng, nếu không dũng cảm cắt bỏ, tương lai không thể thăng hoa". Có một quá khứ mà nếu cắt bỏ, ta trở thành kẻ vô ơn. Đó là món nợ lòng dân. Bản thân Sài Gòn là một di tích lịch sử khổng lồ. Từng góc phố, con đường tôi qua đều in dấu những câu chuyện thần kỳ, sâu thẳm.

Hơn 30 năm là người Sài Gòn, tôi có hàng trăm quyển sổ tay ghi chép những câu chuyện bi hùng của quá khứ, cả uẩn khúc, nỗi đau. Quá khứ, bi bùng, những cuộc đời vĩ đại, phi thường vẫn còn nằm bất động, bị bỏ quên trong những quyển sổ ghi chép của tôi. Tôi thấy mình thật có lỗi vì viết về Sài Gòn quá ít so với những gì tôi biết, với những cuộc gặp gỡ, những ký thác, trao gởi của những chứng nhân lịch sử. Những quyển sổ tay ngỡ vô tri mà chứa đựng những số phận con người trĩu nặng. Món nợ đó nhắc tôi phải quyết liệt hành động. Tôi phải viết nhiều hơn nữa, tôi phải làm một điều gì đó để góp một tiếng nói chống lại sự lãng quên. Mà đâu chỉ một quyển sổ tay, hàng trăm quyển, nhiều và rất nhiều nhân vật được ghi chép, nhiều người đã không còn. Những quyển sổ tay cũ kỹ, mốc meo kia dường như có linh hồn, làm lòng tôi xao động. Tôi mở từng trang, chạm vào đâu cũng thấy mình đang mắc nợ...

Dịch bệnh Covid-19 tác động đến chị như thế nào trong đời sống và văn chương?

- Những ngày phong thành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chống dịch Covid-19, kỳ lạ thay, chưa lúc nào tôi thấy yêu thương, gần gũi với con người như thế. Cảm giác đó, có lẽ chỉ ở Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh, nơi tôi lập nghiệp, nơi cưu mang tôi, nơi tôi đang sống. Tôi gọi điện cho bạn bè nhiều hơn, hỏi thăm nhiều chuyện, kết nối giúp đỡ, động viên những nhà văn gặp khó khăn.

Tôi tìm sự an trú trong hiện tại, thức dậy sớm lúc 5 giờ tham gia Câu lạc bộ đọc sách qua Zoom; biên tập quyển sách "Ký ức và dấu ấn 40 năm Hội Nhà văn TPHCM", đọc nhiều quyển sách hay chưa có thời gian đọc, gấp rút hoàn thành quyển sách "Khoảng lặng nước mắt" về những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khắp mọi miền đất nước; viết quyển sách về những cụm bến tàu không số; tập Yoga và nấu những món ăn thực dưỡng...

Tôi sống chậm lại mà vẫn thấy ngày trôi qua nhanh quá. Chưa bao giờ hai chữ "bình thường" quý báu như lúc này. Covid-19 tác động quá sâu sắc đến nhân loại. Những ngày giãn cách tôi thấm thía là con người phải thích nghi với hoàn cảnh mới trước khi "bình thường mới". Nếu năm 1945, hàng triệu cánh tay ở Sài Gòn giơ lên trong cuộc biểu tình lịch sử hô vang: "Độc lập hay là chết" thì hôm nay, COVID thức tỉnh con người: "Thay đổi hay là chết". Con người phải thay đổi nhiều lắm...

- Xin trân trọng cảm ơn chị và chờ đón ở chị những tác phẩm mới!

Nhà văn Trầm Hương sinh năm 1963, quê gốc Bến Tre, hiện sống tại TP. HCM, đã đoạt rất nhiều giải thưởng, tiêu biểu như Giải thưởng thơ hay của Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM, Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng truyện dài của NXB Kim Đồng, Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng tiểu thuyết về đề tài công nhân do LĐLĐ TP. HCM tổ chức, Giải thưởng tiểu thuyết do NXB Công an nhân dân và Bộ Công an tổ chức, Giải thưởng 30 năm văn học TP.Hồ Chí Minh...


Theo Việt Văn (thực hiện) (Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem