Indonesia: Khủng hoảng oxy, hàng trăm F0 tử vong khi tự cách ly
CTV Dân Việt từ Jakarta: Đại dịch ở Indonesia đã ở vào tình huống khẩn cấp như chiến sự
Hương Trà (viết cho Dân Việt từ Jakarta - Indonesia)
Thứ hai, ngày 19/07/2021 14:16 PM (GMT+7)
Trong nhiều ngày qua, Indonesia liên tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên 50.000 trường hợp mỗi ngày. Với số ca mắc không ngừng tăng, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ trở thành tâm dịch Covid-19 mới ở Châu Á. Các chuyên gia nhận định, tình hình đại dịch ở Indonesia đã ở vào tình huống khẩn cấp như chiến sự.
Theo số liệu trên trang báo cáo Covid-19 của Indonesia, dân số của Indonesia chỉ bằng 1/5 Ấn Độ nhưng tỷ lệ mắc Covid-19 lại cao hơn gấp đôi. Ngày 15/7, Indonesia báo cáo hơn 56.000 trường hợp mới, trong khi Ấn Độ báo cáo hơn 39.000 trường hợp mới. Tính đến ngày 17/7, Indonesia đã có tổng cộng hơn 2,8 triệu ca mắc Covid-19. Thêm vào đó, tỷ lệ các mắc Covid-19 trong số những người được xét nghiệm tại Indonesia là 30%, còn ở Ấn Độ là 2%. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 72.000 người dân quốc gia vạn đảo. Những con số này mới chỉ là con số chính thức được đưa ra, trong khi thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.
Indonesia không chỉ là tâm chấn của Châu Á. Nhà dịch tễ học Đại học Griffith, ông Dicky Budiman cho rằng Indonesia còn đang là tâm chấn của thế giới. Ông dẫn chứng, hiện tại tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên một triệu dân ở Indonesia là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nhà dịch tễ học này lưu ý, "điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến". Vào cuối tháng 7, đỉnh điểm của làn sóng Covid-19, có thể có tới 100.000-200.000 ca mắc Covid-19 và thậm chí lên tới 400.000 ca mỗi ngày nếu các biện pháp giới hạn của chính phủ không có hiệu quả. Điều này sẽ mang lại nhiều thương vong hơn nữa, gây tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực.
Thiếu từ oxy đến quan tài
Sự bùng phát Covid-19 ở Indonesia cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân Covid-19 ở 12 tỉnh đã vượt quá 70%. Một nửa trong số đó ở Java và phần còn lại ở các đảo lớn khác của Indonesia. Ở thủ đô Jakarta, tỷ lệ lấp đầy là gần 90%, mặc dù một số cơ sở gần đây đã được chuyển đổi thành bệnh viện cho bệnh nhân Covid-19.
Cơ sở y tế quá tải, nhiều bệnh viện phải đóng cửa do không còn khả năng tiếp nhận và chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19. Nhiều người dân phải đi tìm nguồn oxy để tự cách ly tại nhà. Cuộc khủng hoảng oxy đã khiến hàng trăm người tử vong khi tự cách ly. Trang báo cáo độc lập Lapor Covid-19 của Indonesia cho biết, có 451 bệnh nhân tự cách ly đã tử vong cho đến 15/7.
Nghĩa trang trên toàn Indonesia những ngày qua cũng đã quá tải. Nhiều người phải chấp nhận chôn cất nạn nhân Covid-19 chồng lên các ngôi mộ của người thân trong gia đình. Cuộc khủng hoảng quan tài cũng xảy ra ở các thành phố lớn như Jakarta và Yogyakarta. Anh Agus, một tình nguyện viên của phong trào quyên góp quan tài thành phố Yogyakarta cho biết, trong những ngày đầu thành lập phong trào (5/7), nhóm này chỉ có thể làm được từ 5-6 chiếc quan tài một ngày. Hiện nay, Agus và các thành viên trong nhóm có thể làm từ 20 đến 30 chiếc quan tài mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng quan tài được sản xuất không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Trưởng Bộ môn Dịch tễ, Khoa Y tế Công cộng, Đại học Indonesia, Tri Yunis Miko Wahyono nhận định, sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 không lắng xuống cho thấy Indonesia đang thực sự rơi vào tình trạng chiến tranh với Covid-19, do đó việc triển khai các giới hạn khẩn cấp phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình chiến sự. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia kiêm Điều phối viên Giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp, ông Luhut Binsar Pandjaitan đã gửi lời xin lỗi người dân vì việc triển khai giới hạn khẩn cấp trên đảo Java-Bali đã không đạt hiệu quả tối đa. Chính phủ nước này đang tiến hành đánh giá để quyết định sẽ kéo dài các giới hạn các khẩn cấp hay không. Theo kế hoạch ban đầu, giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp trên đảo Java và Bali sẽ kéo dài đến ngày 20/7.
Người nước ngoài rời Indonesia do đại dịch
Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO nhận định, sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 tại Indonesia là do sự hiện diện của các biến thể virus SARS-CoV-2 khác nhau dẫn đến tỷ lệ tử vong ngày một cao. Ông Mike cho rằng, những con số này chưa kể đến sự yếu kém của Indonesia trong việc kiểm tra và truy tìm nguồn gốc virus. Đại dịch Covid-19 tấn công Indonesia khiến hệ thống y tế quá tải và trên đà sụp đổ, thể hiện ở số ca tử vong ngày một cao. Lo ngại trước sự an toàn của người dân, một số quốc gia đã sơ tán công dân khỏi Indonesia.
Ngày 14/7, Nhật Bản đã tổ chức chuyến bay hồi hương công dân. Người đứng đầu văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Katsunobu Sato cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp đưa công dân về nước "càng nhanh càng tốt".
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, Teuku Faizasyah, việc sơ tán do chính phủ Nhật Bản thực hiện là một hình thức bảo vệ công dân của nước này. Việc sơ tán được thực hiện độc lập và cũng do khu vực tư nhân Nhật Bản tổ chức. Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, có 14 công dân Nhật Bản đã tử vong ở Indonesia do Covid-19 bùng phát.
Ngoài Nhật Bản, Ả Rập Xê Út cũng lập tức sơ tán các công dân về nước, trong đó có cả những người mắc Covid-19 tại Indonesia. Trước đó, sau khi có 72 người Đài Loan ở Indonesia mắc Covid-19 và 8 người đã tử vong, Đài Loan cũng tổ chức các chuyến bay sơ tán công dân.
Kể từ đầu dịch tới nay Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã tổ chức 5 chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt tại Indonesia về nước. Đại sứ quán vẫn tiếp tục thống kê số lượng công dân có nhu cầu để tổ chức các chuyến bay tiếp theo.
Cộng đồng người Việt Nam ở Indonesia không lớn, chỉ có khoảng 300 người sinh sống ở các thành phố lớn như Jakarta, Bandung, Bali, Yogyakarta. Từ trước đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia luôn quan tâm đến cộng đồng, hường dẫn họ ổn định cuộc sống, chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường các biện pháp 5K trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời Đại sứ quán cũng định kỳ tổ chức các chuyến bay đưa công dân có nhu cầu về nước. Kể từ đầu dịch đến nay đã có 5 chuyến bay như vậy. Hiện tại Đại sứ quán vẫn đang thống kê số lượng công dân có nhu cầu để tổ chức các chuyến bay tiếp theo đưa công dân bị mắc kẹt do đại dịch tại Indonesia về nước khi đủ điều kiện và phù hợp với năng lực cách ly trong nước.
Không chỉ hồi hương và sơ tán, một số quốc gia khác còn khuyến cáo công dân không đến Indonesia và đình chỉ các chuyến bay từ nước này. 11 quốc gia và khu vực đã đóng cửa đối với Indonesia bao gồm Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Vương Quốc Anh, Bahrain, Đài Loan, Hồng Kông, Philippines, Ả Rập Xê Út, Oman, Nhật Bản. Ngoài ra có 26 quốc gia châu Âu sử dụng thị thực Schegen cũng đưa ra lệnh cấm nhập cảnh với du khách Indonesia và những người có lịch sử đi qua Indonesia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.