Gần đây cái tên Doãn Thanh Vân trở thành một hiện tượng nổi bật tại Trung Quốc. Cô gái sinh năm 1990 này có bằng cử nhân kinh tế và bằng tiến sĩ Khoa học - Chính trị tại Đại học Hong Kong. Cô cũng giành học bổng và theo học tiến sĩ Luật ở đại học lừng danh Harvard. Hiện Thanh Vân đang là luật sư có tiếng ở Mỹ.
Năm 2014 và 2018, Thanh Vân từng đạt danh hiệu "Người tranh luận hay nhất" trong Giải đấu hùng biện quốc tế diễn ra tại Trung Quốc và là nhà vô địch của chương trình "Tiếng nói Trung Quốc tuyệt vời" năm 2015. Tháng 11/2019, cô tham gia chương trình "Người đặc biệt" dành cho những nhân vật có khả năng hùng biện giỏi nhất nước này và đang là ứng viên vô địch.
Doãn Thanh Vân trong cuộc thi "Người đặc biệt" năm 2019. Ảnh: zhihu
"Cô ấy đúng là bá chủ của thế giới hùng biện với kiến thức thâm sâu và giọng nói đầy cảm xúc, ai nghe cũng bị mê hoặc. Đó là phù thủy của ngôn ngữ", nhà văn nổi tiếng Phó Thủ Nhĩ của Trung Quốc từng nhận xét.
Nhìn vào thành tích của cô gái đến từ Quý Châu, không ai ngờ Thanh Vân từng có những năm tháng đi học tệ hại. Hơn 20 năm trước cô từng được coi là đứa trẻ "lạc lối ở vạch xuất phát".
Thanh Vân được sinh ra trong một gia đình có mẹ là giáo viên tiếng Anh và bố là cán bộ tại một nhà máy hóa chất. Năm 4 tuổi, cô bé được bạn bè xung quanh gọi là "thần đồng" bởi có thể kể vanh vách "Tứ đại danh tác" - bốn tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng nhất của Trung Quốc (Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng) cho bạn bè nghe.
Thế nhưng bước chân vào tiểu học, Thanh Vân lại trở thành học sinh cá biệt bởi thành tích học tập tệ hại và luôn bị giáo viên phê bình nhiều nhất lớp.
Một giáo viên tiểu học từng mắng cô bé là "con lợn ngu ngốc" ngay trước lớp học. Giáo viên khác thì bảo: "Thanh Vân à, đầu óc em bã đậu quá đi thôi". Thậm chí mẹ của cô bé đã nhiều lần bị giáo viên triệu hồi với lời khuyên: "Sức học của con chị quá yếu, không thi nổi vào cấp 3 đâu. Hãy tìm một trường dạy nghề, thích hợp với cháu hơn".
Trước những lời chỉ trích của giáo viên, cha mẹ Thanh Vân chưa bao giờ quát mắng con, họ luôn động viên và khích lệ con gái:
"Điểm số chỉ là tạm thời. Mẹ tin con gái sẽ học giỏi hơn khi lên lớp 4", mẹ Thanh Vân nói khi cô đứng cuối lớp về thành tích học tập năm lớp 3.
Thế nhưng đến năm lớp 4, điểm số của Thanh Vân không được cải thiện, cô đứng đội sổ. Mẹ vẫn nói với Thanh Vân rằng, bà tin thời điểm cô là học sinh xuất sắc sắp đến, chỉ là cô chưa nhìn thấy mà thôi.
"Ngay cả khi thế giới đều không lạc quan về Thanh Vân, tôi vẫn luôn sát cánh cùng cháu. Làm mẹ thì sẽ không bao giờ quay lưng lại với con mình", mẹ cô chia sẻ.
Thanh Vân và mẹ chụp khi cô đang học lớp 3. Ảnh: zhihu.
Dù học kém nhưng Thanh Vân vô cùng thích đọc sách, cô có thể quên ăn quên ngủ với những cuốn sách mới mẹ mua về. Nghỉ hè, mẹ của Thanh Vân cho phép con đọc bất kỳ cuốn sách nào cô thích, kể cả sách kiếm hiệp. Còn với bố, sau mỗi chuyến công tác xa nhà, lúc về quà cho cô con gái duy nhất cũng chỉ là những cuốn sách dày cộm, lên tới hàng nghìn trang.
"Bố mẹ chưa bao giờ đòi hỏi tôi là một người nổi bật và giỏi hơn người. Điều họ mong muốn duy nhất ở tôi là phải sống thật hạnh phúc", Thanh Vân nói về bố mẹ mình.
Năm Thanh Vân học lớp 3, nhìn thấy con gái lấy bùn để chế tạo đường ray tàu hỏa, bố đã dành cả tháng lương mua bộ đồ chơi tàu hỏa cho con. Do nhà chật, không có chỗ cho tàu hỏa chạy, ông bàn với vợ bán tất cả đồ đạc trong phòng khách. Từ đó, phòng khách trở thành phòng chơi của Thanh Vân, là nơi cô có thể cùng bạn bè đua xe đồ chơi, vẽ tranh lên tường, thậm chí chơi cả trượt ván và bóng chuyền.
Năm lớp 6, một lần Thanh Vân vi phạm nội quy khi mang bánh quy vào trường và bị giáo viên mời bố mẹ đến. Sợ con gái bị tổn thương, ngay trưa hôm đó, bố đã đến trường đón Thanh Vân và rủ cô đi ăn lẩu. "Vừa nãy gặp thầy bố giả vờ nghiêm nghị đó, chứ sự việc không nghiêm trọng đâu. Cố lên con gái", ông nói với con.
"Được ăn lẩu với bố ngày hôm đó, tôi cảm thấy dù cuộc sống này có khắc nghiệt đến đâu thì trong họa luôn có phúc", Thanh Vân chia sẻ.
Với sự tin tưởng, yêu thương và khích lệ của cha mẹ, lên cấp 3, cô gái luôn đứng cuối lớp ấy dần trở thành một học sinh xuất sắc, đúng như những gì mẹ cô dự đoán. "Con thấy đó, chỉ có mình con mới quyết định được mình sẽ như thế nào trong tương lai", mẹ nói khi Thanh Vân đạt được học bổng toàn phần tại Đại học Hong Kong.
Tốt nghiệp, Thanh Vân tiếp tục giành được học bổng và theo học tiến sĩ Luật ở Đại học Harvard. Bởi chi phí tại Mỹ đắt đỏ, bố mẹ cô đã đi vay một triệu tệ (3,2 tỷ đồng), để con gái có thể hoàn thành được bằng tiến sĩ tại đây.
Với bố Thanh Vân, được nhìn thấy con gái hạnh phúc là niềm vui lớn nhất. Ảnh: zhihu.
Những năm tháng theo học ở nước ngoài, mỗi khi nhớ nhà, Thanh Vân lại mở ứng dụng để cùng ăn tối qua màn hình máy tính với bố mẹ. Có năm cô không muốn về Trung Quốc đón Tết cùng gia đình bởi sợ họ hàng căn vặn chuyện lấy chồng khi đã ngấp nghé tuổi 30, bố Thanh Vân bày cách: "Con cứ bảo là con đã có người yêu và sẽ mang đối tượng đó về vào lần tới. Nếu lần tới chưa có thì con bảo cả hai đã chia tay, thế là xong".
Trong chương trình "Người đặc biệt" mới nhất, Thanh Vân chia sẻ, từ nhỏ cô đã cảm nhận được tình yêu thương vô tận của bố mẹ và chưa bao giờ mất đi cảm giác an toàn, kể cả khi học tập và lập nghiệp ở xa. "Với tôi, bố mẹ như những người bạn thực sự, có thể chia sẻ bất kể buồn vui trong cuộc sống. Họ chưa bao giờ áp đặt tư tưởng cũ lên tôi, bởi vậy tôi luôn nhận được cảm giác yêu thương ngập tràn".
Hải Hiền (zhihu) (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.