Cú húc “để đời”: Tàu ngầm Nga xẻ rách bụng tàu ngầm hạt nhân Mỹ

Vương Nam – tổng hợp Thứ tư, ngày 20/10/2021 11:55 AM (GMT+7)
Vụ va chạm là sự cố ngoại giao nghiêm trọng đầu tiên giữa Mỹ và Liên Bang Nga mới thành lập sau khi Liên Xô tan rã. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là James Baker phải trực tiếp đến gặp Tổng thống Nga Yeltsin để điều đình.
Bình luận 0

img

Tàu ngầm USS Baton Rouge trong một buổi chiều đầy nắng (ảnh: NI)

Mặc dù được trang bị hệ thống sóng sonar tiên tiến giúp phát hiện các vật thể đang di chuyển từ khoảng cách rất xa, nhưng không có gì đảm bảo rằng dưới đáy biển, tàu ngầm hạt nhân của các nước đối thủ không đâm sầm vào nhau.

Ngày 2.2.1992, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Baton Rouge bất ngờ bị tàu ngầm Nga đâm trúng. Vụ va chạm cực mạnh khiến USS Baton Rouge bị xẻ rách bụng, còn tàu ngầm hạt nhân Kostroma của Nga méo tháp chỉ huy.

Theo National Interest, tàu ngầm USS Baton Rouge của Mỹ gặp nạn khi đang ẩn mình ở độ sâu 20m dưới biển ngoài khơi đảo Kildin – nơi chỉ cách cảng quân sự Murmansk (Nga) 22km.

Nhiệm vụ cụ thể của USS Baton Rouge là tuyệt mật, song theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự, Mỹ muốn sử dụng tàu ngầm để do thám động tĩnh của Nga, sau khi Liên Xô vừa tan rã. Hoạt động này nằm trong "Chiến dịch Holy Stone" khi Mỹ dùng nhiều tàu ngầm để thu thập thông tin hoặc đặt thiết bị nghe lén dưới đáy biển.

img

Tàu Kostroma bị méo tháp chỉ huy sau cú va chạm (ảnh: NI)

Vào lúc 8 giờ 16 phút giờ địa phương, các thủ thủy trên tàu USS Baton Rouge bất ngờ cảm nhận rung lắc dữ dội. Ai nấy đều “giật thót” vì cho rằng tàu ngầm Mỹ vừa bị đối thủ tấn công mà không hề hay biết.

Nguyên nhân cú va chạm nguy hiểm này là do tàu ngầm Kostroma của Nga trồi lên mặt nước từ vị trí ngay dưới bụng tàu ngầm Mỹ. Tốc độ nổi quá nhanh khiến tháp chỉ huy tàu Kostroma (làm bằng hợp kim titan) húc thủng bụng tàu Baton Rouge. Rất may, sự cố này không gây thiệt hại về người.

Theo Grunge, nguyên nhân của vụ va chạm là do cả tàu ngầm Kostroma và Baton Rouge đang hoạt động dưới vùng nước nông gần đảo Kildin. Ở vùng nước nông, sóng biển cùng những tạp âm khác khiến radar tàu ngầm bị nhiễu loạn gấp 10 lần bình thường. Thủy thủ đoàn cũng rất khó phân biệt được tạp âm với tiếng chân vịt của tàu ngầm khác.

Ở vùng nước nông ồn ào như ngoài khơi đảo Kildin, tàu ngầm Kostroma chỉ có thể phát hiện vật thể khác trong phạm vi 100 – 200 mét, thậm chí là ngắn hơn trong ngày mưa gió hoặc biển động. Thêm vào đó, tàu ngầm Baton Rouge với nhiệm vụ do thám gây ra rất ít tiếng ồn. Hậu quả là 2 tàu ngầm với chiều dài hơn sân bóng đá chỉ có thể nhận ra đối phương sau cú húc cực mạnh.

Cả tàu ngầm của Nga – Mỹ khi đó đều được trang bị động cơ chạy bằng lò phản ứng hạt nhân. Nếu lò phản ứng hạt nhân hoặc vũ khí trên tàu bị hư hại hoặc phát nổ, hậu quả xảy ra sẽ vô cùng khủng khiếp. Theo chỉ huy tàu ngầm USS Baton Rouge và Kostroma, họ không hề hay biết về sự tồn tại của đối phương dù đứng “sát sườn”.

Nga sau đó lên tiếng chỉ trích và cáo buộc tàu ngầm Mỹ đã xâm phạm lãnh hải. Tuy nhiên, Mỹ không công nhận điều này và cho rằng Baton Rouge hoạt động trên vùng biển quốc tế, theo History.

img

USS Baton Rouge bị loại biên sau tai nạn vì chi phí sửa chữa quá tốn kém (ảnh: NI)

Tình hình diễn biến căng thẳng mãi cho đến khi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là James Baker phải tới gặp Tổng thống Nga Boris Yelsin để điều đình. Mỹ sau đó cam kết sẽ giảm bớt các hoạt động do thám, tình báo trong vùng biển gần Nga.

Sau vụ va chạm “để đời”, tàu ngầm Kostroma được hải quân Nga sơn một ngôi sao lên tháp chỉ huy – biểu tượng của việc hạ gục một tàu ngầm đối thủ. Với những người lính hải quân Nga, Kostroma đã chiến thắng mà không tốn một viên đạn.

img

Tàu Kostroma vinh dự được vẽ một ngôi sao trên tháp chỉ huy với chiến công kỳ lạ (ảnh: NI)

Tàu Baton Rouge mới được Mỹ đưa vào sử dụng 17 năm, nhưng bị loại bỏ ngay sau đó tại xưởng đóng tàu Hải quân Puget Sound ở Bremerton, Washington, do chi phí sửa chữa quá tốn kém. Tuy nhiên, Mỹ không tiết lộ chi phí sửa chữa tàu ngầm Baton Rouge.

Năm 1997, tàu Kostroma quay lại biên chế hải quân Nga sau thời gian sửa chữa. Năm 2014, tàu ngầm này được Nga đưa vào dự án hiện đại hóa.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem