Cử nhân hóa tâm thần vì... xin việc ở Thủ đô

Thứ sáu, ngày 04/05/2012 15:19 PM (GMT+7)
Hùng - một cử nhân "lận đận" xin việc ở Thủ đô kể, đã có không dưới một lần anh định tìm đến cái chết để kết thúc cuộc sống vô nghĩa nhưng không thành. Đến khi gia đình biết chuyện mới đưa Hùng vào bệnh viện tâm thần để điều trị.
Bình luận 0

Cầm trên tay tấm bằng đại học, thậm chí là tấm bằng loại ưu, nhiều bạn trẻ vẫn không thể xin được việc... sau một thời gian ngậm ngùi làm xe ôm, bồi bàn, trông xe... rất nhiều người trong số đó đã phải nhập viện tâm thần vì stress quá nặng.

Ngày làm xe ôm, tối làm bồi bàn

Ngày tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng khá trên tay, giống như bao nhiêu những sinh viên khác, Hùng cũng hớn hở mang hồ sơ đi rải khắp các công ty, doanh nghiệp rồi mơ đến cảnh tượng được bước chân vào một công ty lớn để làm việc và cống hiến.

img
 

Nhưng một tháng, 2 tháng, rồi 1 năm trôi qua, chưa kịp đem tâm huyết và những kiến thức đã học được trong nhà trường để áp dụng vào công việc thì Hùng đã phải vào viện tâm thần trong trạng thái khủng hoảng tinh thần, trầm cảm nặng...

Tại bệnh viện tâm thần, hồi tưởng lại quãng thời gian đã qua, Hùng chua chát: “Hồi đó, cũng có mấy chỗ gọi em đến phỏng vấn, nhưng rồi họ lại từ chối thẳng thừng vì ở đâu cũng yêu cầu phải có kinh nghiệm làm việc. Mà, 4 năm học đại học, suốt ngày chỉ biết mài đũng quần hết giảng đường lại đến thư viện để kiếm được tấm bằng loại ưu thì lấy đâu ra thứ xa xỉ ấy".

63% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm

Theo điều tra của Bộ GD-ĐT công bố năm 2011, cả nước có tới 63% sinh viên tốt nghiệp ĐH-CĐ ra trường không có việc làm, 37% có việc làm nhưng nhiều SV phải làm trái nghề hoặc phải qua đào tạo lại.

Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Cục việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), sáu tháng đầu năm 2011 tình trạng lao động mất việc làm tăng cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2010.

Không kiếm được việc theo đúng chuyên nghành đào tạo, trong khi viện trợ từ phía gia đình đã bị cắt từ lâu. Em đành ngậm ngùi mang chiếc xe máy mới mua ra đầu ngõ làm xe ôm, kiếm chút tiền chi tiêu. Rồi, có đứa bạn giới thiệu, em xin được chân bồi bàn trong một quán rượu trên phố Tràng Tiền, với mức lương 1 triệu 8".

“Cứ tưởng, đã làm đến cái nghề chả phải dính líu gì đến bằng cấp, kinh nghiệm đó rồi thì sẽ được yên phận để tiếp tục duy trì cuộc sống và chờ đợi cơ hội việc làm theo đúng chuyên ngành của mình. Không ngờ, cũng chẳng được yên thân.

Đi làm xe ôm thì không ít lần bị khách quỵt tiền, rồi còn bị mấy ông “đồng nghiệp” trong khu dọa “đánh cho què chân” vì xâm phạm vào đất làm ăn của họ. Đến mức sợ quá, em không còn dám đi làm xe ôm nữa.

Còn, công việc trong quán rượu, lúc đầu, cứ tưởng đơn giản nhưng cũng không hề đơn giản chút nào, nhiều khi không cẩn thận chỉ cần lỡ tay làm rơi một ly rượu, là tiền lương cả tháng cũng chả đủ để bù”.

Vào viện tâm thần vì stress quá nặng

Hơn một năm bươn trải với rất nhiều các công việc tạm bợ khác nhau. Nhưng thu nhập cũng chẳng đủ để Hùng duy trì cuộc sống đắt đỏ nơi Thủ đô. Trong khi đó, lại thêm áp lực về việc kiếm tiền để nuôi đứa em vừa vào đại học càng khiến Hùng bị treess nặng nề.

img
Nhiều bạn trẻ bị trầm cảm vì không tìm được công việc phù hợp.

Từ một người hay nói, dễ gần, dần dần Hùng trở nên ít giao tiếp và xa lánh với mọi người xung quanh. Theo lời giải thích của Hùng thì lý do là vì: “Lúc nào em cũng nghĩ mình không bằng bạn bằng bè, trong khi mọi người ra trường, kiếm việc làm ổn định, thậm chí có người còn có thu nhập cao, còn mình suốt 1 năm trời cứ vất va vất vưởng”.

Hùng kể, đã có không dưới một lần, Hùng định tìm đến cái chết để kết thúc cuộc sống vô nghĩa của mình nhưng không thành. Đến khi gia đình biết chuyện, thì mới đưa Hùng vào bệnh viện tâm thần để khám và điều trị.

Sau gần 4 tháng điều trị tại bệnh viện tâm thần, được học thiền, được nói chuyện chia sẻ, được nghe nhạc trị liệu… những nụ cười trên gương mặt của Hùng mới xuất hiện trở lại. Hùng bảo, ra viện lần này, em sẽ lại về quê để xin việc, chứ không khổ sở bám lấy đất Thủ đô này nữa.

Giới trẻ bị tâm thần là do thiếu kỹ năng

Theo phân tích của chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, Trung tâm ứng dụng tâm lý Hoa Mặt Trời, các bạn trẻ là sinh viên mới ra trường là những người có năng lượng và nhu cầu thể hiện bản thân rất lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng tìm được môi trường thích hợp để thể hiện và phát huy khả năng của mình. Do vậy, trong thời gian chờ đợi công việc, họ rất dễ có tâm lý chán nản và thất vọng ...

Bên cạnh đó, việc thiếu những kỹ năng xã hội như kỹ năng giải quyết vấn đề, sự kiên định hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ cũng khiến cho các bạn trẻ không có nhiều tư thế chủ động trong việc tìm kiếm công việc, kiên trì theo đuổi sự nghiệp.

Đấy là nguyên nhân vì sao nhiều sinh viên sau khi ra trường không kiếm được việc làm, và mắc các chứng bệnh lo âu hoặc căng thẳng.

 Theo VietNamNet

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem