"Cù nhầy" làm sổ đỏ cho người mua nhà: Chủ đầu tư phải trả tiền lãi cho dân
"Cù nhầy" làm sổ đỏ cho người mua nhà, Đại biểu Quốc hội đề nghị: Chủ đầu tư phải trả tiền lãi cho dân
An Linh
Thứ ba, ngày 31/10/2023 12:12 PM (GMT+7)
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đang lấy ý kiến, nhiều đại biểu tranh luận đến dự Luật quy định người mua nhà khi hoàn thanh thanh toán 95% giá trị nhà theo tiến độ, phải nộp 5% vào tài khoản chủ đầu tư để làm số đỏ.
Chủ đầu tư chậm bàn giao sổ đỏ phải trả tiền lãi cho người mua nhà!
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết hiện nay tình trạng dự án bất động sản hình thành trong tương lai phổ biến, nhưng hiện tượng người dân bị chậm, kéo dài thậm chí chủ đầu tư "cù nhầy" không rõ lý do không làm sổ hay "chây ỳ" chậm làm sổ chứng nhận quyền sử dụng nhà ở cho người dân diễn ra phổ biến, gây phẫn nộ trong dư luận, khiếu kiện đông người.
Theo đại biểu, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản hiện quy định chủ đầu tư được bán nhà hình thành trong tương lai, một mặt tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án vào kinh doanh, nhưng cũng đẩy nguy cơ về phía người mua khi chưa có sổ đỏ.
Vì vậy, theo đại biểu Sơn, để bảo vệ người mua nhà đề nghị nên quy định chặt chẽ trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của chủ đầu tư ngay trong hợp đồng mua bán với khách hàng. Hoặc có thể quy định số tiền nghĩa vụ tài chính về đất đai khách hàng giữ lại để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Cũng về nội dung này, Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng cần làm rõ cơ chế tài chính đối với các hợp đồng mua nhà hình thành tương lai khi khách hàng đã đóng phần lớn tiền cho chủ đầu tư mà không nhận được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo đúng hợp đồng hoặc cam kết giữa hai bên. Khi đó, phải có cơ chế xử lý như toà án nhằm hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài.
Tuy nhiên, có đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đồng tình phương án 2 của dự thảo về việc người mua thanh toán tối đa 95% giá trị sản phẩm, 5% còn lại gửi vào tài khoản ngân hàng của chủ đầu tư để chờ làm sổ đỏ. Đại biểu thì đề nghị khoản tiền 5% này vẫn gửi vào tài khoản của chủ đầu tư để hoàn thiện dự án, nhưng nếu dự án chậm bàn giao sổ đỏ cho người dân, thì lợi tức số tiền 5% này sẽ thuộc về người mua.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn tỉnh Bình Thuận) đồng tình đề xuất lợi tức 5%v này thuộc về người mua nhà vì như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của hai bên. Người mua nhà nộp tiền cho ngân hàng của bên bán, nhưng nếu chủ đầu tư không thực hiện làm sổ đỏ đúng thời hạn cam kết, sẽ phải trả lợi tức cho người mua nhà.
Ông Nguyên cho rằng, quy định này thúc đẩy chủ đầu tư làm việc với cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người dân, một mặt tránh trường hợp nhiều khách hàng trì hoãn thanh toán khoản 5% này, ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng Luật đưa ra hai phương án: Dân giữ hoặc doanh nghiệp giữ. Đại biểu Quốc hội đề xuất đưa 3 phương án, trong đó phương án 3 là: số tiền 5% này vẫn đưa vào tài sản của chủ đầu tư, nhưng ngân hàng sẽ trả lợi tức cho người dân trong trường hợp chủ đầu tư chưa làm sổ đỏ cho người dân.
"Đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau của các Đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến của đại biểu khi hoàn thiện lấy ý kiến, trước khi thông qua", Chủ nhiệm Thanh nhận định.
Sàn giao dịch không có giá trị pháp lý, không thể thay thế công chứng
Một nội dung tranh luận của đại biểu Quốc hội về có hay không nâng cao vai trò của sàn giao dịch bất động sản để sàn này thực sự chuyên nghiệp, có thể thay thế cơ quan công chứng, xác nhận giao dịch.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: "Sao chúng ta vẫn để sàn tham gia vào bán mua bất động sản, bởi như vậy là họ được quyền "tay tung - tay hứng". Chính vì vậy, đề nghị quy định chặt chẽ hơn, sàn giao dịch bất động sản chỉ được vai trò là trung gian bất động, để họ tự chịu trách nhiệm thông tin đưa ra.
"Sàn không được tham gia mua bán mà nên chỉ được hưởng phí xác nhận giao dịch, hưởng thù lao môi giới khi hai bên mua - bán thoả thuận với nhau", ông Cường đề xuất hướng quản lý sàn giao dịch bất động sản thời gian tới.
Theo ông Cường, có thể cân nhắc để sàn có thể xác nhận giao dịch mua bán bất động sản, người mua, bán không phải qua công chứng. "Nếu chúng ta làm được thì trao cho sàn giao dịch thì trách nhiệm của họ sẽ tương ứng. Nếu ta giao đúng vai, thì họ sẽ làm đúng trò. Nếu chúng ta không giao vai thì để họ tự tung, hứng và họ sẽ còn làm nhiều chiêu trò nữa", ông Cường nói.
Tuy nhiên, phản biện về ý kiến này, Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói: Luật quy định hiện nay, trong giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, chúng ta công nhận người thứ 3 trong giao dịch là cơ quan công chứng, dù công chứng còn vấn đề này, vấn đề kia, nhưng có thể quản lý tốt hơn.
"Còn nếu như đề xuất của đại biểu Hoàng Văn Cường cân nhắc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản, không cần qua công chứng thì rất nguy hiểm. Vì sàn giờ không kiểm soát được. Chúng ta thấy lịch sử đã có sàn vàng đã gây hệ luỵ lớn cho nền kinh tế nên không thể để các sàn thay thế công chứng được", ông Thân nêu.
Theo Đại biểu Thân: "Trước đây, khi nhiều công ty Nhà nước bán căn hộ, bất động sản ra thị trường. Họ bán hàng hôm nay nhưng ngay khi ra bán đã hết hàng. Hôm sau sau ra sàn giao dịch bất động sản vẫn còn nhiều, giá cao".
Ông Thân nhấn mạnh: Cứ để các giao dịch bất động sả tự do, hữu xạ tự nhiên hương, nếu sàn nào tốt, thì người dân đến, còn xấu thì đi. Nhưng theo tôi vẫn phải để công chứng xác định giao dịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.