Củ niễng - Loại củ thân trắng nõn nà, ăn rất tốt cho sức khỏe, mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 vụ
Loại củ thân trắng nõn nà, ăn rất tốt cho sức khỏe, mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 vụ
Mai Chiến
Thứ hai, ngày 06/11/2023 19:02 PM (GMT+7)
Mặc dù, mỗi năm cây niễng chỉ cho thu hoạch 1 vụ, nhưng xét về giá trị kinh tế, củ niễng cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Không những thế, ăn củ niễng rất tốt cho sức khỏe…
Người dân xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thu hoạch củ niễng. Ảnh: Mai Chiến.
Hàng năm, cứ vào cuối tháng 9 Âm lịch, bà con nông dân xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định lại tất bật vào vụ thu hoạch củ niễng. Thời gian thu hoạch kéo dài rải rác khoảng 1 tháng.
Niễng là loài cây thường mọc ở dưới nước hay đất nhiều bùn; cây cao trên 1m, lá hình mác. Củ niễng hình chùy dài, phồng to, có đường kính từ 2 - 3cm, dài 5 - 6cm.
Theo người dân xã Nghĩa An, cây niễng bén duyên với vùng đất trũng này đã gần 20 năm và được ví là cây làm giàu, giúp người dân có thu nhập ổn định. Bởi, cây niễng rất dễ trồng, dễ canh tác, ít sâu bệnh. Hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với trồng lúa, gấp 2 - 5 lần.
Củ niễng được bày bán ở hai bên đường Lê Đức Thọ nối liền với QL.38B (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.
Cây niễng được trồng sau Tết Nguyên đán, tức tháng Giêng Âm lịch. Trồng niễng không phải phun thuốc bảo vệ thực vật; giai đoạn niễng đẻ nhánh chủ yếu bón phân, đạm cho niễng phát triển. Trồng niễng như cấy lúa, tuy nhiên khoảng cách rộng hơn, hàng cách hàng 80cm, cây cách cây 70cm.
Nếu được mùa, được giá, mỗi sào niễng thu về 7 - 8 triệu đồng, thậm chí có thể hơn. Ngoài thu hoạch củ niễng, bà con nông dân nơi đây còn lựa chọn những khóm lá đẹp, cắt đem bán cho các cơ sở đan lát để tăng thêm thu nhập.
Vụ niễng năm nay, thời tiết thuận lợi nên củ niễng rất to, trắng và ăn giòn. Người trồng niễng ở xã Nghĩa An ai nấy đều phấn khởi, vui mừng. Họ hy vọng một mùa niễng bội thu.
Di dọc tuyến đường Lê Đức Thọ nối liền với QL.38B, hướng lên thành phố Hà Nội, chúng tôi không khó bắt gặp những ruộng niễng xanh rập rờn, trải dài tít tắp trên các cánh đồng; niễng tốt quá đầu người, dưới ruộng bà con nông dân đang cắt tỉa củ niễng.
7h sáng, bà Nguyễn Thị Thoa (xã Nghĩa An, huyện Nam Trực) tranh thủ xuống đồng thu hoạch củ niễng khi ánh nắng mặt trời chưa le lói, thời tiết còn mát mẻ. Năm nay, gia đình bà canh tác gần 4 sào niễng. Những ngày này, hầu như lúc nào bà cũng có mặt ở ruộng niễng.
Niễng thu hoạch đến đâu, bà đưa lên bờ cắt phần ngọn, bóc tách vỏ đến đó, để lộ rõ phần cùi trắng trông rất mát mắt, hút khách hàng. Bà chọn 10 củ niễng buộc thành 1 bó chắc chắn, bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/bó, tùy vào củ niễng to hay nhỏ.
Trung bình mỗi ngày bà bán được khoảng 30 bó. Hôm nào gặp khách ở xa đi qua thì bà bán được nhiều hơn. "Trường hợp ngày hôm trước không bán hết, để sang hôm sau củ niễng vẫn còn tươi, không lo bị hỏng, bán vẫn giữ giá", bà Thoa chia sẻ.
Ngoài tiêu thụ cho những khách hàng lẻ, bà Thoa còn đổ buôn cho thương lái. Củ niễng ăn giòn, mát nên được nhiều cửa hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh thu mua về chế biến món ăn.
Củ niễng có thể ăn sống ngay cả lúc đói. Không sợ bị ngộ độc. Người trồng niễng ở Nghĩa An vẫn ăn củ niễng sống để chống đói, chống khát nước trong lúc thu hoạch dưới ruộng sâu giữa thời tiết oi bức, ngột ngạt.
Theo đông y, củ niễng chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu chất đạm, nhiều tinh bột, giàu chất xơ…, có tác dụng làm mát cơ thể, giải nhiệt, lợi tiểu… rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, củ niễng có thể chế biến thành nhiều món ăn, nhưng ngon nhất có lẽ là củ niễng xào với thịt bò hoặc trứng gà, vịt. Ngoài ra, niễng có thể làm nộm hoặc luộc chấm với tương bần.
Hiện nay, toàn xã Nghĩa An (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có khoảng hơn 100 hộ đang canh tác niễng với tổng diễn tích trên 10ha. Trong đó, niễng được trồng chủ yếu ở chân ruộng trũng tại xóm 8 và các xóm lân cận của thôn An Lá (xã Nghĩa An).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.