Nam Định đặt mục tiêu gì ở vụ đông 2023?

Mai Chiến Thứ sáu, ngày 03/11/2023 05:41 AM (GMT+7)
Để vụ đông 2023 giành thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định khuyến cáo, các địa phương trong tỉnh cần xây dựng chi tiết kế hoạch sản xuất vụ đông, xác định rõ loại cây trồng, thị trường, phương thức tiêu thụ... để hạn chế thấp nhất rủi ro.
Bình luận 0

Khó khăn còn ở phía trước

Trước đây, Nam Định một trong những tỉnh có truyền thống sản xuất cây vụ đông; thời "hoàng kim", diện tích canh tác cây vụ đông lên đến 18.000ha (trước những năm 2015). Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích sản xuất vụ đông của tỉnh này lại giảm dần.

Năm 2022, diện tích gieo trồng cây vụ đông của tỉnh Nam Định chỉ đạt 9.603 ha (đạt 87,3% kế hoạch). Năng suất các loại cây trồng tương đương cùng kỳ năm 2021. Giá trị sản lượng cây vụ đông năm 2022 ước đạt 941,5 tỷ đồng (giá thực tế), bình quân đạt 98,05 triệu đồng/ha.

Nam Định đặt mục tiêu gì ở vụ đông 2023 - Ảnh 1.

Nông dân Nam Định chăm sóc dưa vụ đông. Ảnh: Mai Chiến.

Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến diện tích cây vụ đông giảm dần qua các năm, nhưng nguyên nhân chủ yếu là nguồn lao động nông thôn eo hẹp, bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng chục công ty may mặc, giày da, thu hút nhiều lao động, nhất là lao động trẻ.

Cơ chế chính sách, hỗ trợ không nhiều. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường cũng khiến một phần diện tích sản xuất vụ đông giảm; đã có những năm xảy ra mưa lớn, ngập lụt kéo dài…

Nhìn nhận lại vụ đông năm 2022, ngành nông nghiệp Nam Định cho rằng, sản xuất cây vụ đông năm 2022 triển khai trong điều kiện có nhiều khó khăn như thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường không theo quy luật làm chậm tiến độ gieo trồng cây vụ đông.

Thị trường nông sản không ổn định, giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh do chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ảnh hưởng lớn đến nguồn cung, gây khó khăn cho sản xuất.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn còn ít và khó áp dụng, chưa tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư.

Một khó khăn nữa là cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, nhất là cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến sản xuất nông nghiệp; chưa chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống, thời vụ, phương thức gieo cấy, phòng trừ sâu, bệnh, phát triển sản xuất vụ đông…

Công tác thông tin, dự báo thị trường còn nhiều hạn chế; chưa thực hiện được nhiều việc gắn dự báo thị trường với định hướng sản xuất.

Lựa chọn những giống cây trồng chủ lực

Theo kế hoạch, vụ đông 2023, toàn tỉnh Nam Định phấn đấu đạt diện tích từ 10.000 ha trở lên, trong đó có 1.500 ha trên đất 2 lúa. Với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: Khoai tây (1.720 ha), ngô (1.580 ha), bí xanh (480 ha), cà chua (550 ha), khoai lang (270 ha)…

Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông hàng hóa và có mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản.

Nam Định đặt mục tiêu gì ở vụ đông 2023 - Ảnh 2.

Cà chua là 1 trong những cây trồng chủ lực trong vụ đông ở Nam Định. Ảnh: Mai Chiến.

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu cao và kỳ vọng vào vụ đông 2023, tuy nhiên ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định nhận định rằng, vụ đông 2023 tiếp tục là một vụ sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi giá vật tư nông nghiệp có nhiều biến động, thị trường và giá nhiều loại nông sản không ổn định ảnh hưởng tới khả năng đầu tư của các hộ nông dân và hiệu quả sản xuất.

Thị trường tiêu thụ nông sản chưa được mở rộng. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn chưa tạo nhiều động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và thu hút đầu tư.

Để vụ đông 2023 giành thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định khuyến cáo, các địa phương trong tỉnh cần xây dựng chi tiết kế hoạch sản xuất vụ đông, xác định rõ loại cây trồng, thị trường, phương thức tiêu thụ, vùng trồng gắn với việc chủ động tưới, tiêu, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Tập trung hướng dẫn kỹ thuật, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Ngoài ra, bố trí cây trồng hợp lý với đồng ruộng. Cụ thể, ruộng chuyên màu nên sản xuất đa dạng các cây rau đậu ngắn ngày, quay vòng 2 - 3 lứa/vụ đông. Tập trung sản xuất các cây rau, củ, quả truyền thống như cà chua, dưa chuột, dưa hấu và các cây rau ăn lá để tiêu thụ nội địa.

Ruộng lúa - màu nên tập trung sản xuất cây khoai tây (giống Đức, Hà Lan). Ruộng 2 lúa nên tập trung sản xuất các loại cây trồng phục vụ chế biến - xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và có hiệu quả kinh tế cao như: Bí xanh, cà chua, dưa chuột, cải dầu, ngô nếp, ngô ngọt.

"Các xã có điều kiện và kinh nghiệm sản xuất giống khoai tây cần chủ động sản xuất giống chất lượng cao từ nguồn giống sạch bệnh trong vụ đông xuân 2023 - 2024 để có đủ giống cho năm sau", ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem