Cụ ông dắt vịt đi dạo khắp phố cổ Hà Nội khiến ai cũng trầm trồ
Cụ ông dắt vịt đi dạo khắp phố cổ Hà Nội khiến ai cũng trầm trồ
Trung Hiếu
Thứ năm, ngày 07/11/2024 10:23 AM (GMT+7)
Không phải thú cưng thường thấy, một cụ ông chống gậy từng bước chậm rãi, theo sau là chú vịt trắng đi dạo trên nhiều con phố ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã gây sự chú ý.
Chú vịt cưng đi dạo khắp phố của ông cụ U70 tại Hà Nội. Clip: Trung Hiếu.
Không phải thú cưng thường thấy, cụ ông dắt vịt đi dạo khắp phố cổ Hà Nội khiến ai cũng trầm trồ
15 giờ chiều, ông Nguyễn Ngọc Quang (61 tuổi, Hai Bà Trưng) tay cầm gậy, chân bước từng bước chậm rãi trên tuyến phố gần nhà. Bên cạnh ông là một "người bạn" đặc biệt - một chú vịt trắng, đi theo sát chân không rời. Chú vịt không hề bị buộc dây, nhưng nó vẫn lạch bạch theo từng bước của ông, đôi chân ngắn cũn cỡn xòe ra khi chạm đất. Mỗi lần ông Quang dừng lại để nghỉ chân, chú vịt cũng dừng theo, nghiêng đầu nhìn lên như thể muốn hỏi han.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Quang cho biết, chú vịt mà ông đang nuôi là món quà của một người bán vịt giống ở huyện Phú Xuyên. “Tôi đặt tên cho nó là “Cạc Cạc”, gọi theo đúng tiếng kêu của nó. Hiện nay, chú vịt này nặng 1,2kg và thường được tôi cho đi dạo trên vỉa hè nhiều tuyến phố mỗi khi có thời gian rảnh”.
Vừa ngồi xuống một phiến đá ven đường để nghỉ chân, chú vịt lại lon ton tiến lại gần ông Quang. Nhẹ nhàng đặt tay lên lưng chú vịt và vuốt ve bộ lông trắng mượt, ông Quang tiếp lời: “Con vịt này là giống vịt Bắc Kinh. Tôi không hề biết cách huấn luyện, nó tự động đi theo tôi. Cứ nghe thấy tiếng dép hoặc tiếng tôi chống gậy là nó kêu để đòi đi theo”.
“Này, đi mệt không? Có đói chưa?”, ánh mắt nhìn về phía chú vịt, ông Quang cất giọng nhẹ nhàng như thể đang nói chuyện với người thân. Chú vịt nghe thấy, kêu lên vài tiếng “cạc cạc” đáp lại. Ông Quang hào hứng chia sẻ: “Con vịt này chỉ "ăn chay", nó thích ăn rau muống, rau bắp cải. Tôi cho ăn phở thì nó để lại thịt, còn ăn hết hành và phở.
Khi được hỏi về lý do nuôi vịt làm “thú cưng”, ông Quang cười đáp: “Người ta có tiền, người ta chơi chim, chơi chó, chơi cây cảnh, chơi non bộ, lũa. Tôi không có tiền thì tôi chơi với vịt, cùng nhau đi đó đây, bùn đen in dấu giày. Có con “Cạc Cạc” đồng hành cùng trên nhiều cung đường khiến tôi rất vui”.
Về đến cổng nhà, ông Quang ngoái người lại động viên chú vịt: “Ngoan nào, mẹ thương!”. Thấy phóng viên tỏ vẻ tò mò, ông hóm hỉnh nói: “Tôi không xưng là bố, bởi vì bố nó là con vịt đực, mẹ nó là con vịt cái. Tôi chỉ là mẹ nuôi của nó thôi. Tuy cách xưng hô hơi khác thường nhưng tôi cảm thấy rất thú vị”.
Ngỡ ngàng loài gà có giá ngang xe tay ga đời mới: Thú chơi cho người giàu
Cầm trên tay một con gà tre Bắc có chiếc mào đỏ thắm nổi bật và cái đuôi dài xòe rộng như chiếc quạt, vẫy nhẹ theo từng chuyển động của chủ nhân, anh Thành Công (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, giống gà này không nặng quá 700 gram nhưng mỗi con có thể có giá hàng trăm triệu đồng.
Thả chú gà xuống đất, ngắm nghía đôi chân của nó bước đi uyển chuyển, anh Công chia sẻ: “Trung bình, giá gà tre Bắc dao động từ 50 đến 80 triệu đồng/ con. Con đắt nhất mà tôi sở hữu là 120 triệu đồng. Đây là thú chơi được nhiều người hiện nay ưa chuộng và yêu thích. Người chơi rất chú trọng tới lông hình, phom dáng, màu mảng, vẩy chân... của mỗi chú gà”.
Thi thoảng, anh Công làm những động tác nhẹ nhàng như vỗ tay hay khẽ huýt sáo, con gà lập tức nhìn vào mắt chủ nhân. Đôi khi, nó quay đầu, vươn cổ, cựa chân như thể muốn được tiếp tục trò chuyện. “Đây là một trong những dòng gà nhỏ nhất Việt Nam. Tuy bé nhưng nó tỏ ra được thần thái oai phong để bảo vệ lãnh thổ”, anh Công nhấn mạnh.
Vừa cầm điện thoại chụp ảnh để khoe con gà của mình với bạn bè, anh Công vừa chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc giống gà này: “Trong chuồng nuôi, tôi dùng cát để tạo độ ẩm, sử dụng thêm men vi sinh để phân hủy bớt mùi do quá trình nuôi gà trong thời gian dài tạo thành. Đều đặn mỗi tháng, tôi lại xịt khử khuẩn chuồng nuôi ít nhất một lần”.
Anh Công cho hay: “Càng nuôi lâu, tôi càng thấy con gà tre Bắc có những nét đẹp mà nếu như chỉ nhìn thoáng qua thì sẽ không cảm nhận được hết. Tôi cũng chủ động học hỏi, tìm hiểu thêm rất nhiều về kỹ thuật chăm sóc, nuôi nấng để từng bước nâng tầm giá trị nó lên”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.