Cú sốc với tân thủ tướng Anh ngay cuộc họp đầu tiên
Cú sốc với tân thủ tướng Anh ngay cuộc họp đầu tiên
Chủ nhật, ngày 30/10/2022 08:30 AM (GMT+7)
Công đảng - hiện có mức ủng hộ cao hơn nhiều so với đảng Bảo thủ cầm quyền - đang tận dụng mọi kẽ hở công kích tân thủ tướng, từ cách chọn nội các đến nền tảng cá nhân của ông.
Ngay sau khi Vua Charles III chào đón ông Rishi Sunak đến Điện Buckingham để chính thức bổ nhiệm ông làm thủ tướng Anh và mời thành lập chính phủ mới, ông Sunak đã để lộ những kẽ hở cho sự công kích của một bộ phận của Hạ viện: Đối thủ trong Công đảng.
“Ông ấy đã có quyết định kỳ cục. Ông ấy đang đánh đổi an ninh quốc gia vì sợ thua trong một cuộc bầu cử khác”, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer nói trong buổi chất vấn thủ tướng tại Hạ viện Anh hôm 26/10. Ông Starmer đang chỉ trích ông Sunak vì tái bổ nhiệm người vừa từ chức bộ trưởng Nội vụ cách đây hơn một tuần vì vi phạm các quy tắc an ninh.
Một trong những kẽ hở khác được ông Starmer sử dụng là vấn đề về thuế cư trú, được chú ý sau những tiết lộ gần đây về việc đóng thuế của vợ ông Sunak. Theo đó, bà Akshata Murty đã sống ở Anh 9 năm nhưng không đăng ký cư trú, giúp bà tránh thuế tại Anh đối với 11,6 triệu bảng tiền cổ tức hàng năm thu được từ công ty phần mềm Infosys của cha bà.
Tuy nhiên hồi đầu năm nay, bà Murty, con gái của một tỷ phú công nghệ Ấn Độ, đã đồng ý trả các khoản thuế đó trong tương lai.
“Tôi không cần phải giải thích với thủ tướng về cách thức hoạt động của việc không đăng ký cư trú - ông ấy đã biết tất cả về điều đó”, ông Starmer nói, ngay sau khi ông chúc mừng ông Sunak trở thành “thủ tướng Anh gốc Á đầu tiên”.
Đó mới chỉ là màn "chào hỏi" mà Công đảng dành cho lãnh đạo thứ 3 trong vòng 7 tuần của đảng đối thủ, báo hiệu họ sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn để cố chiếm lấy ưu thế trong lúc mức ủng hộ với đảng cầm quyền đang ở mức thấp, theo New York Times.
Ấn tượng từ ông Sunak
Với vị trí dẫn trước hơn 30 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò, cùng với việc đảng Bảo thủ vẫn bị tổn thương bởi những bất ổn gần đây và nền kinh tế chưa hồi phục, Công đảng có kế hoạch dùng lợi thế hiện có để chống lại ông Sunak.
Tuy nhiên, đảng này đang phải đối mặt với những trở ngại vì phong cách kỹ trị và bảo thủ của ông Sunak và thành tích chính sách hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Liz Truss.
Ông Sunak có phong cách khá gần gũi với ông Starmer - một luật sư nhân quyền không mấy sôi nổi, người từng là người đứng đầu Cơ quan Công tố Hoàng gia. Được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ và với bằng luật cao cấp của Oxford, ông Starmer có bằng cấp ưu tú tương tự ông Sunak, dù ông xuất thân từ tầng lớp lao động.
Ông Starmer, 60 tuổi, đã sử dụng các kỹ năng pháp lý của mình để chống lại bà Truss và ông Boris Johnson trong các cuộc chất vấn của thủ tướng. Nhưng ông Sunak (42 tuổi) dường như là một đối thủ cứng rắn và được chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Thành tích của tôi là rõ ràng”, ông Sunak tuyên bố, không hề nao núng trước ông Starmer. “Khi đất nước này gặp nhiều khó khăn, tôi sẽ luôn bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”.
Là Bộ trưởng Tài chính dưới thời ông Johnson, ông Sunak đã hỗ trợ hàng tỷ USD viện trợ cho những người bị mất việc làm vì đại dịch Covid-19. Trong cuộc tranh cử lãnh đạo của đảng Bảo thủ hồi mùa hè, ông đã dự đoán đúng về hệ quả từ gói chính sách tài khóa của bà Truss, bao gồm việc cắt giảm thuế vào thời điểm lạm phát hai con số.
Chỉ trong vài ngày nhậm chức, ông Sunak đã tạo được ấn tượng về một chính phủ đang hoạt động trở lại sau những hỗn loạn trước đó.
Hôm 26/9, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cho biết ông sẽ hoãn việc công bố báo cáo tài chính chi tiết - theo kế hoạch ban đầu sẽ được công bố vào ngày 31/10 - tới ngày 17/11 để thu thập những dự báo tốt hơn về tăng trưởng và tài chính công.
Với việc ông Hunt hầu như loại bỏ tất cả khoản cắt giảm thuế của bà Truss, chính sách của ông Sunak có thể không quá khác với chương trình mà Công đảng đề xuất, ngoại trừ các luật về thuế liên quan đến việc không đăng ký cư trú mà Công đảng đã thề loại bỏ. Chính sách ấy có khả năng giúp thu về ít nhất một tỷ bảng Anh (1,13 tỷ USD) cho kho bạc nhà nước.
Điều đó cho thấy đảng này đang cố nhắm vào sự giàu có của tân thủ tướng để biến nó thành lợi thế cho mình và bất lợi cho đối thủ.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng chỉ riêng việc công kích thủ tướng vì lối sống sung túc sẽ không thu hút được những cử tri vốn không phải là những người ủng hộ trung thành của Công đảng.
Tuy nhiên, việc liên kết sự giàu có của gia đình với tình trạng đóng thuế của vợ ông làm nảy sinh một vấn đề có thể làm tổn thương vị trí của ông Sunak, đặc biệt khi ông đang cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.
“Nếu họ đơn giản ủng hộ ông Sunak vì chính ông, thì điều đó sẽ không thực sự làm thay đổi sự thái độ của cử tri”, Steven Fielding, giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Nottingham.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng nếu cử tri xác định được ông Sunak đang hưởng lợi cá nhân trong việc đóng thuế, “điều đó đặt ra câu hỏi về việc liệu ông ấy có nghiêm túc trong việc giải quyết những vấn đề này hay không”.
Lý lẽ của Công đảng
Ông Starmer cũng tìm cách làm mất uy tín lời hứa của ông Sunak trong việc điều hành một chính phủ “liêm chính, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình”.
Lãnh đạo Công đảng chỉ đích danh bà Suella Braverman, người vừa được bổ nhiệm trở lại làm bộ trưởng Nội vụ sau khi bị buộc từ chức cách đây hơn một tuần vì vi phạm quy tắc an ninh khi gửi tài liệu chính phủ qua email cá nhân.
Ông Sunak nói rằng bà Braverman nhận ra rằng mình đã phạm "sai lầm", và ông rất vui khi đưa bà trở lại nội các. Ông tuyên bố bà sẽ trấn áp tội phạm và bảo vệ biên giới của Anh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng giá trị lớn nhất của bà Braverman đối với ông Sunak là bà đã ủng hộ ông trong cuộc tranh cử lãnh đạo gần đây. Bà là một nhân vật có ảnh hưởng trong cánh hữu của đảng, và sự tán thành của bà đã tạo cho ông Sunak động lực quan trọng để cản trở nỗ lực của ông Boris Johnson trong cuộc đua vài ngày trước.
Một số người nói rằng không nên phức tạp hóa việc ông Sunak bổ nhiệm bà Braverman, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng động thái này có thể gây ra nhiều vấn đề cho ông Sunak.
Bà Braverman và bà Truss xung đột về chính sách nhập cư, trong đó bộ trưởng Nội vụ ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn về việc giảm tiếp nhận người nhập cư. Trong khi đó, bà Truss lại tỏ ra ôn hòa hơn, vì nới lỏng nhập cư được cho là có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Các nhà phân tích cho biết ông Starmer đã không đi vào những sắc thái đó, vì Công đảng phải đối mặt với những tính toán phức tạp của riêng mình về vấn đề nhập cư. Nhiều cử tri - mà đảng này nhắm tới để giành được lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử tiếp theo - ủng hộ luật nhập cư chặt chẽ hơn.
Các đề xuất chính sách của Công đảng không ủng hộ việc mở cửa biên giới hơn mà đưa ra các giải pháp pháp lý, quy định thông minh hơn và quản lý biên giới tốt hơn.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Công đảng vẫn sẽ dùng bà Braverman như là minh chứng để công kích tân thủ tướng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.