Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cử tri (ảnh Hà Nội mới).
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh cho rằng: Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong thời điểm đất nước nhiều niềm vui và niềm tin, tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vài năm gần đây, Việt Nam tổ chức thành công APEC, nâng vị thế trên tầm thế giới.
Vẫn theo cử tri Trần Viết Hoàn, Tổng Bí thư đã cùng với Đảng chỉ cho dân biết những ông quan to, quan nhỏ đã bị lộ, chưa bị lộ, những ông quan đang vướng lợi ích nhóm, vơ vét đục khoét ngân sách, tiền thuế của dân, làm giàu bất chính.
“Dân chúng tôi nức lòng khi nghe Tổng Bí thư nói, trong đấu tranh chống tham nhũng “ai nhụt chí thì đứng sang một bên để người khác làm”. Lời nói đó đi liền với quyết tâm của Tổng Bí thư nên đã có hàng loạt vụ án lớn được đưa ra xử lý. Những vụ kỷ luật, xử lý cán bộ vi phạm, có những người nguyên là cán bộ cấp cao bị truy tố”, cử tri Trần Viết Hoàn nói và nhấn mạnh thêm, Tổng Bí thư đã thể hiện trên vâng lời Bác Hồ dạy, dưới theo lòng dân.
Cử tri Hoàn cũng nói lên những suy tư của ông khi theo dõi xử những vụ án lớn, những vụ xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ thời gian qua. Đó là việc vi phạm của họ diễn ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay mới bị xử lý, không rõ nguyên nhân vì sao.
“Tội phạm vi phạm nghiêm trọng nhưng vẫn thăng tiến, như trường hợp ông Đinh La Thăng hay vài vị cựu tướng công an, vậy phải chăng do kiểm tra, thanh tra buông lỏng và liệu có người chống lưng cho họ không?”, cử tri Trần Viết Hoàn nói.
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh – phường Giảng Võ, Ba Đình cho biết, người dân rất quan tâm theo dõi Hội nghị T.Ư 7 khóa XII, những việc làm của T.Ư trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc xử lý không vùng cấm đã đem lại niềm tin, niềm hy vọng cho cử tri. “Nhiều biện pháp được đưa ra để chống chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, trong đó có biện pháp mới như Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương. Chúng tôi rất hoan nghênh”, cử tri Thịnh bày tỏ.
Nói về vấn đề kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh cho rằng hiệu quả rất thấp, chỉ đến khi báo chí phát hiện hoặc pháp luật “sờ” đến mới thấy tài sản của cán bộ có vấn đề. “Tôi nghĩ người dân có quyền đòi hỏi những cán bộ ưu tú của Đảng phải trong sạch, gương mẫu nên anh phải có giải trình nguồn gốc tài sản ở đâu ra nhưng phải thực sự nghiêm túc chứ không phải lý giải kiểu như đi buôn chổi đót xây biệt phủ. Thực tế sẽ có chuyện lâu đài đẹp như mơ lại của bà mẹ gần 80 tuổi”, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh nói và cho rằng Nhà nước phải có giải pháp chống việc tẩu tán tài sản.
Cử tri Nguyễn Đức Mạnh – phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm cho rằng trong công tác phòng, chống tham nhũng, Luật cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo đúng sự thật, có biện pháp phòng ngừa, tránh để người tố cáo bị trả thù. Làm sao thu hồi được tài sản tham nhũng? Theo ông làm sao để cán bộ không thể, không muốn và không cần tham nhũng.
Cũng đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Công Hoàn, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm cho rằng: Với Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần phải quy định chặt chẽ để ngăn chặn tham nhũng từ trong ý tưởng. Luật khẳng định tinh thần không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng, không tạo điều kiện để có tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ” và “hạ cánh an toàn”, xử lý nghiêm tham nhũng với mức án nặng, quy trách nhiệm người đứng đầu, coi trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, không để đối tượng kịp tẩu tán tài sản.
“Tôi kiến nghị cần cho phép cơ quan chức năng điều tra nguồn tài sản của đương sự và những người trong gia đình. Nếu đương sự không bồi hoàn đủ thì những người trong gia đình phải bồi hoàn, tránh tư tưởng hy sinh đời bố củng cố đời con, hoặc tình trạng tẩu tán tài sản cho người thân”, cử tri Hoàn nêu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.