Cửa đời không khép

Chủ nhật, ngày 22/08/2010 14:54 PM (GMT+7)
(Dân VIệt) - "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", cuộc đời cho tôi cả hai thứ ấy, nhưng cũng đày đọa chúng đến cùng cực.
Bình luận 0
img
Bà Hằng kể về cuộc đời mình.

Tôi tốt nghiệp ĐH Tài chính Kế toán năm 1967 và được cử vào Nam công tác. Chiến tranh ác liệt đã cướp mất của tôi đứa con trai đầu lòng vừa tròn 2 tuổi. Tôi bị thương, sức khỏe suy giảm, phải nghỉ việc, ra Bắc. Cuộc sống ở đất Bắc Ninh - quê chồng, thật khốn khó, cháu trai thứ hai Tú Anh phải về quê Thái Bình sống với bà ngoại.

Không chịu được cảnh thiếu thốn, chồng tôi đã theo người đàn bà khác, khi tôi đang mang thai đứa con thứ ba được 8 tháng. Tôi ngã quỵ, cái thai cũng không giữ được. Từ bệnh viện trở về, quần áo của tôi đã bị nhà chồng đốt sạch. Tay trắng, tôi về quê mẹ. Chính quyền địa phương nghi ngờ tôi "lăng loàn, trốn chồng" nên không cho nhập hộ khẩu. Mẹ già đang ở với chị gái, tôi chẳng chốn nương thân, phải kết bè chuối, dựng túp lều cỏ sống giữa mặt ao.

Hàng ngày, tôi đặt Tú Anh vào một đầu quang gánh, đầu kia bỏ hòn đá vào cho cân, rồi quảy ra chợ. Không có vốn, tôi đặt con trai làm tin để lấy chịu của người ta ít rau quả đi bán kiếm tiền đong gạo. Dần dần, tôi dành dụm được chút tiền để mua lại cái ao hoang hoá, nơi đã cưu mang chiếc bè chuối của hai mẹ con. Cái ao giá 2 triệu đồng, tôi phải vay nặng lãi 1 triệu, 10 năm sau mới trả hết nợ. Ngày đi chợ, đêm về gánh đất lấp ao, cuối cùng tôi cũng có một góc đất đủ để dựng nhà.

Tôi nuôi giấc mơ có một ngôi nhà nhỏ. Tôi đập đá gánh về, rồi đào đất, đóng gạch... Những ngón tay của tôi do phải lao động quá sức đã mòn đi, nhiễm trùng và hoại tử. Chưa có hộ khẩu lại không tiền nên tôi không thể vào viện. Đường cùng, tôi nghĩ ra kiểu "điều trị": nung đỏ con dao sắt, kê ngón tay lên viên gạch và nghiến răng chặt! Ngón tay đứt lìa, nhọ nồi hoà với vôi đã chuẩn bị sẵn, tôi run rẩy bôi vào vết thương. 1 ngón, 2 ngón... rồi 10 ngón tay lần lượt lìa khỏi bàn tay tôi theo cách đó.

Họa vô đơn chí, dân làng xì xào đồn thổi tôi mắc bệnh phong. Hai mẹ con lãnh đủ sự kỳ thị, xa lánh của mọi người. Tuyệt vọng, tôi nghĩ đến quyên sinh, nhưng lại được ông lão thuyền chài cứu sống. Từ cõi chết trở về, đôi bàn tay cụt ngón của tôi lại tiếp tục đập đá, nhồi đất đóng gạch. Ngôi nhà đang làm dang dở thì tôi ốm một trận "thập tử nhất sinh". Sau 4 tháng vật vã với bệnh tật, tôi mới dần khoẻ lại...

Chẳng biết có phải "khổ tận cam lai" hay không mà sau lần ốm ấy, mẹ con tôi nuôi lợn, gà, lúa, rau đều tốt. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là con trai thi đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Những tưởng sóng gió đã qua, vậy mà số phận vẫn thử thách tôi. Năm thứ 2 đại học, con trai tôi bị thiếu ôxy não, sinh độc tố trong máu. Tôi đưa con đi các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc chạy chữa. Ròng rã 9 tháng trời, Tú Anh khỏi bệnh, số nợ của tôi cũng lên tới gần 80 triệu đồng. Con khỏi ốm, tôi lại nuôi lợn thả cá, làm vườn. Cuộc sống dần đi vào ổn định, nợ lớn, nợ nhỏ trả xong, kinh tế bắt đầu dư giả, con trai tôi đã tốt nghiệp, đi làm, lấy vợ sinh con...

Sau bao nhiêu thăng trầm, mẹ con tôi đã có một mái ấm khang trang, một gia đình hạnh phúc trên chính mảnh đất lấp ao năm nào. Có người bảo, những khổ ải tôi đã trải là trời thử lòng. Nhưng với tôi, cánh cửa đời không bao giờ khép...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem