“Cua đồng thuốc sâu” ra Hà Nội?

Thứ sáu, ngày 23/11/2012 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ước tính mỗi ngày có hàng chục tấn cua đồng được các thương lái ở Quảng Bình thu gom và chuyển lên xe ôtô đưa đi Hà Nội tiêu thụ. Trong số cua đồng này phần lớn đều được đánh bắt bằng thuốc trừ sâu...
Bình luận 0

40.000 đồng/kg cua đồng

Như đã đề cập ở bài trước, sau một đêm trắng đánh bắt cua đồng trên vùng đầm phá Hạc Hải, những người bắt cua đồng đều đổ dồn về các điểm như chợ Thùi (An Thuỷ), chợ Hôm (Lộc Thuỷ), chợ Mỹ Đức (Sơn Thuỷ)…

img
Một địa điểm thu gom cua đồng bắt bằng thuốc sâu ở xã An Thủy, Lệ Thuỷ, Quảng Bình.

Tại đây, hàng chục thương lái đã chực sẵn để thu gom cua đồng. Cua đồng ở đây được các thương lái thu mua với giá dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Có bao nhiêu cua đồng, thương lái đều thu mua hết, "tiền trao cháo múc" rất sòng phẳng. Sau đó, cua đồng được những thương lái này dùng xe máy đưa về các đại lý lớn để bán lại. Tại các đại lý lớn, sau khi đã gom đủ cua đồng, thì dùng xe ôtô (dạng xe giống xe đông lạnh nhưng không làm lạnh) chở đi khắp nơi, trong đó có Hà Nội để tiêu thụ.

Chủ đại lý thu gom cua đồng K.L ở xã Lộc Thuỷ (Lệ Thuỷ) cho biết, trước đây mỗi ngày đại lý thu mua trên 5 tấn cua đồng nhưng hiện tại chỉ còn hơn 1 tấn. “Lượng cua đồng ngày càng khan hiếm, không đủ hàng để đóng xe đi Hà Nội nên đành phải nhập hàng lại cho một đại lý lớn hơn ở thị trấn Kiến Giang” - chủ đại lý cho biết.

Chúng tôi tiếp cận một đại lý thu mua cua đồng ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh). Hàng chục bao cua đồng đã được đại lý này thu gom từ sáng sớm, chuẩn bị để chuyển lên xe ôtô đưa đi Hà Nội. Chủ đại lý khá dè dặt khi chúng tôi có mặt. Hỏi ông chủ, giá mỗi kg cua đồng ở đây mua bao nhiêu, ông này cho biết khoảng 40.000 đồng nhưng khi hỏi cua đồng được nhập đưa ra Hà Nội như thế nào thì ông chỉ cười không nói. Còn khi chúng tôi hỏi người dân đánh bắt cua bằng cách gì mà nhiều như thế, ông nói bằng nhiều cách lắm: Thả lưới, bắt tay, đặt nò, lờ… Ông này tỏ ra rất ngạc nhiên khi chúng tôi cho biết, nhiều người dân đã dùng thuốc sâu để bắt cua đồng(!?).

Đại lý H.H ở thị trấn Kiến Giang được xem là nơi thu gom cua đồng lớn nhất Quảng Bình. Ở đây ngày nào cũng có một chuyến xe ôtô chở cua đồng đi Hà Nội… Bà chủ đại lý ở đây cho biết, trước đây khi cua đồng còn nhiều, mỗi ngày đại lý của bà phải chở 2 đến 3 xe đi mới hết. Hiện tại, cua đồng ngày một khan hiếm, mỗi ngày cho 1 xe đi thôi, nhiều lúc không đủ cua, bà phải mua lại từ các đại lý nhỏ khác…

Hệ lụy từ “cua thuốc sâu”

Theo các bác sĩ, trước mắt người tiêu dùng ăn phải những con cua được đánh bắt bằng thuốc sâu sẽ không sao vì với dư lượng thuốc sâu thấp chưa đủ để gây ngộ độc cấp cho người ăn. Tuy nhiên về lâu dài thì đây là một tác hại khó lường. Các loại thuốc trừ sâu độc tố cao, có thể gây ung thư, vô sinh hoặc biến đổi gen. Nếu hấp thụ hoặc tiếp xúc với sản phẩm có chứa thuốc trừ sâu dạng này, người dùng có thể gặp rối loạn về da, mắt và đường hô hấp…

Trong quá trình tìm hiểu thông tin cho bài viết này, chúng tôi được biết đã có nhiều trường hợp ở Quảng Bình ngộ độc thức ăn vì ăn phải cua đồng đánh bắt bằng thuốc trừ sâu. Bà Hà ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thuỷ (Lệ Thuỷ) cho biết, cách đây 10 hôm, bà đi chợ mua cua đồng về nấu canh. Khi ăn xong, cả nhà 5 người đều bị ngộ độc, đau bụng dữ dội phải đi cấp cứu ở bệnh viện.

Bản thân những người trực tiếp đánh bắt cua đồng bằng thuốc sâu cũng đã chịu đựng những tác hại nguy hiểm từ thuốc sâu. Ông T (người cho PV NTNN cùng đi bắt cua) cho biết, nhiều đêm khi đang dùng thuốc sâu để bắt cua, không may những cơn gió bất ngờ quật lớn, chiếc đò chao nghiêng hất cả chai thuốc vào người bỏng rát. Mỗi đêm đều tiếp xúc với thuốc sâu, mùi thuốc cứ thế xông vào mũi, dần dần lỗ mũi cũng không còn tác dụng. Cũng theo ông T, có nhiều khi đêm đánh bắt cua đồng, ngày về mệt nằm li bì, bụng bị trướng đau dữ dội…

Trước thông tin cua đồng được đánh bắt bằng thuốc trừ sâu, hiện tại các chợ ở huyện Lệ Thuỷ, người dân đã tẩy chay cua đồng. Tuy nhiên, số lượng bán ở các chợ này chỉ là số lượng rất nhỏ. Phần lớn cua đồng đều được đưa đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Trong khi mối nguy hại từ thuốc sâu tiềm ẩn trong những con cua đồng (được xem là thực phẩm sạch) chắc chắn người tiêu dùng không phải ai cũng biết.

Cua thuốc sâu thường nhập cho nhà hàng

Anh Nguyễn Văn Khải (39 tuổi, ngụ xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, Thái Bình) là người có kinh nghiệm bắt cua đồng hơn 20 năm. Anh Khải khẳng định mùa này kiếm được cua ở vùng đồng bằng sông Hồng là rất khó, vì mọi cánh đồng đều cạn nước, không có thức ăn cho cua. Mặt khác, hiện thời tiết đã sang đông, nên cua đã đào hang trú đông, nên không thể bắt cua đại trà.

Theo nhiều người làm nghề bắt cua khác ở khu vực này, kiểu bắt cua bằng thuốc sâu như ở Quảng Bình mà Báo NTNN phản ánh thì chỉ thực hiện được ở những vùng đầm phá, ở miền Bắc rất khó thực hiện. Bà Trần Thị Bình (57 tuổi), người chuyên bán cua ở chợ Ngọc Khánh, Hà Nội cho biết: Các mối cung cấp cua của bà ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam mùa này đều khan hàng hoặc ngừng cung cấp hẳn. Theo bà Bình, nếu bà buôn cua được bắt bằng thuốc trừ sâu thì sẽ không bán được vì cua bị chết hàng loạt, không ai mua. Theo nhiều người buôn cua khác tại các chợ ở Hà Nội, cua được bắt bằng thuốc trừ sâu thường được cung cấp cho những nhà hàng kinh doanh bún cua hoặc lẩu cua.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, cua không chịu được lạnh nên người ta chỉ nuôi mùa hè. Hiện thời tiết ở miền Bắc sắp vào đông nên không ai nuôi được cua cả. Vì vậy việc mùa này ở miền Bắc mà có cua ăn là chuyện vô cùng hiếm. Theo ông Hùng, cua đưa ra Hà Nội mùa này đều được nhập từ các tỉnh miền Trung, và miền Nam.

Như vậy, có thể thấy thông tin cua được bắt bằng thuốc trừ sâu ở Quảng Bình được đưa ra Hà Nội tiêu thụ là hoàn toàn có cơ sở.

Bạn đọc bức xúc

Ngay sau khi Báo NTNN và Điện tử Dân Việt đăng bài Bắt cua đồng bằng... thuốc sâu, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Bạn đọc ở địa chỉ traidatxanh@yahoo.com bức xúc: “Đến cả con cua đồng cũng dính phải thuốc trừ sâu. Thế này thì người dân biết ăn gì cho an toàn bây giờ?”.

Bạn đọc có địa chỉ lalan@yahoo.com bày tỏ: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta hô hào bảo vệ môi trường rất ghê nhưng những hành vi hủy hoại môi trường tàn khốc thế sao các cấp chính quyền không xử lý?”. Còn bạn đọc trankhai307@gmail.com thì chia sẻ:

“Đọc xong nội dung của bài viết, tôi thấy những người dân nơi đây vì hám lợi trước mắt mà đầu độc người tiêu dùng. Không biết cơ quan quản lý nơi đây liệu có biết hay bận việc quá... không để ý?”. Sau khi chia sẻ với bài viết, bạn đọc Nguyễn Tư ở địa chỉ nvtu.tn@gmail.com kể thêm: “ Tôi đã từng có lần đi xe chất lượng cao từ Huế - Quảng Trị ra Hà Nội. Dọc đường xe đến các điểm tập kết nhận hàng bao cua đồng, rồi cất ở gầm xe khách. Khoảng 5 giờ sáng xe đến gầm cầu vượt Thường Tín thì dỡ hàng xuống. Tại đây đã có bộ phận chờ sẵn nhận hàng và chuyển đi tiêu thụ”.

Trong một chia sẻ khá dài, bạn đọc laonongvuitinh@gmail.com phân tích: “Hiện nay các loại thực phẩm có hóa chất độc hại, người tiêu dùng Việt Nam đều đổ hết cho phía khác... Tuy nhiên nếu bình tĩnh nhìn nhận lại thì chính người Việt Nam cũng đang tự đầu độc dân mình bằng cách mua các loại hóa chất độc hại về, sau đó đem tẩm ướp ngâm các loại thực phẩm của Việt Nam rồi đem bán ra thị trường. Nguyên nhân của những hành động này, theo tôi do ý thức của không ít người dân còn kém. Thứ hai, do nghèo khó, muốn kiếm tiền nhiều và nhanh nên bất chấp thủ đoạn. Thứ ba, nhà nước không có các biện pháp quản lý, thiếu chế tài xử phạt. Khi báo chí nêu mới đi kiểm tra mang tính hình thức, sau đó đâu lại vào đấy. “ Con cua đồng thuốc sâu” chính là minh chứng như thế”.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem