Cục Bảo vệ thực vật đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao 30 lô hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo

Khương Lực Thứ hai, ngày 01/04/2024 17:19 PM (GMT+7)
Liên quan tới vụ việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin, Bộ giao Cục BVTV rà soát, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, đưa ra các giải pháp để đạt yêu cầu của thị trường Trung Quốc.
Bình luận 0

Chiều 1/4, Bộ NNPTNT tổ chức họp báo cung cấp thông tin kết quả quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024. Một trong những vấn đề báo chí quan tâm, đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ NNPTNT là vụ việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao 30 lô hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo- Ảnh 1.

Liên quan tới vụ việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc, chiều 1/4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin, Bộ giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát lại, xem xét, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để đạt yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác. Ảnh: Khương Lực

Cục Bảo vệ thực vật đang tìm hiểu nguyên nhân vì sao 30 lô hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng trong quá trình canh tác, thu hoạch như: đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc cũng có thể nhiễm sau khi thu hoạch, tiến hành rửa sầu riêng.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, hiện nay chưa xác định được được nguyên nhân chính khiến 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Theo ông Hiếu, có thể sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng từ nhiều nguyên nhân khác nhau như trong quá trình canh tác trên đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc trong quá trình xử lý sau thu hoạch, người dân dùng nước sơ chế sầu riêng. 

Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn đề nghị các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp để xác định nguyên nhân và có khuyến cáo cho từng trường hợp cụ thể.

"30 lô hàng này là do phía Trung Quốc thông báo lại sau khi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc" – ông Hiếu nói và cho biết con số 30 lô trên tổng số 35.000-40.000 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chưa ảnh hưởng tới xuất khẩu, tuy nhiên đây là cảnh báo để chúng ta chủ động trong thời gian tới.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, sầu riêng là cây trồng phát triển rất nóng trong thời gian vừa qua. "Năm 2023, chúng ta xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD" – ông nói và cho biết Bộ giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát lại, xem xét, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để đạt yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Cùng với hạn hán, xâm nhập mặn, vấn đề bệnh dịch trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh Dại, Cúm gia cầm trong quý I/2024 cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Liên quan tới bệnh Dại, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin, năm 2023 cả nước có 82 người chết do bệnh dại, số người phải đi tiêm phòng bệnh dại hơn 10.000 người. Trong 3 tháng đầu năm 2024, bệnh Dại xảy ra và gây chết 27 người.

"Chính phủ, Bộ NNPTNT cùng Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai giải pháp phòng bệnh Dại trên chó, mèo. Với tổng đàn chó, mèo 76 triệu con, vấn đề quan trọng là tiêm vaccine thì có những địa phương tiêm vaccine chưa đến 10%. Như chúng ta biết, để miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ tiêm phòng phải trên 80%. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có công điện chỉ đạo; trong hội nghị 2 bộ đưa giải pháp phối hợp, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, trong quý I/2024, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,9-3% so với cùng kỳ năm 2023. Năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 3,36 tỷ USD, tăng 96,5%. Tính đến cuối tháng 3/2024, đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cụ thể: gỗ đạt 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%), rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%), gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40%) và cà phê đạt 1,9 tỷ USD (tăng 54,2%).

Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ NNPTNT đạt tỷ lệ cao, khoảng 21,6%. Đây là mức giải ngân cao gấp đôi so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem