Cục Chăn nuôi đi đầu, thực hiện thành công cơ chế một cửa quốc gia
Cục Chăn nuôi đi đầu, thực hiện thành công cơ chế một cửa quốc gia
Trần Quang
Thứ năm, ngày 18/11/2021 12:31 PM (GMT+7)
Cục Chăn nuôi là đơn vị đi đầu và thực hiện thành công cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ NNPTNT. Kể từ khi vận hành hệ thống đến nay 16/11/2021, tổng số hồ sơ Cục tiếp nhận trên cổng thông tin một cửa quốc gia là 171.033 hồ sơ, tổng số hồ sơ đã được xử lý là 170.951 hồ sơ (chiếm 99,9%).
Bà Quách Tố Nga - Chánh Văn phòng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, ngày 25/9/2015, Cục Chăn nuôi bắt đầu chạy thử nghiệm cơ chế một cửa quốc gia đối với 44 doanh nghiệp (22 doanh nghiệp phía Bắc và 22 doanh nghiệp phía Nam) khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) "Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu".
Từ ngày 1/4/2016, Cục Chăn nuôi chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các doanh nghiệp trên cả nước khi thực hiện TTHC "Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu".
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cung cấp, hiện nay có trên 600 doanh nghiệp tham gia vào hệ thống.
Từ ngày 9/2/2019, Cục Chăn nuôi chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với tất cả các doanh nghiệp trên cả nước khi thực hiện 2 TTHC gồm: Kiểm tra giảm chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn và miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn.
Theo bà Nga, cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ NNPTNT bắt đầu vận hành và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến từ tháng 1/2017. Trong đó có một số dịch vụ công của Cục Chăn nuôi.
Qua 3 giai đoạn nâng cấp, mở rộng và điều chỉnh hệ thống, đến thời điểm hiện nay, Cục Chăn nuôi đang quản lý và cung cấp 6 dịch vụ công (4 TTHC) như 3 dịch vụ công được thực hiện từ ngày 15/2/2017, bao gồm: Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước; Công bố lại thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước; Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước.
3 dịch vụ công được thực hiện từ ngày 1/7/2018, bao gồm: Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu; Công bố lại thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu; Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu.
Đánh giá về hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, bà Nga cho hay: Hiện cơ chế một cửa quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, không mất thời gian gửi, nhận kết quả qua đường bưu điện hoặc phải cử cán bộ trực tiếp đến các cơ quan kiểm tra. Qua đó các doanh nghiệp đã giảm được thời gian cho việc đăng ký này lên tới 50%.
Đặc biệt, việc đăng ký kiểm tra và thông quan hàng hóa theo cơ chế mới đã giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí.
Riêng đối với 2 TTHC "Kiểm tra giảm chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn" và "Miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn", hồ sơ khi khai báo trên hệ thống đã được hệ thống tự lọc hoàn toàn.
"Do đó, đã giảm đến 80% thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện 02 TTHC này. Theo quy định, thời hạn trả lời đối với 2 TTHC này là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ theo quy định trước đây và 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ theo quy định hiện nay.
Tuy nhiên, khi triển khai trên hệ thống một cửa quốc gia, thời gian rút xuống chỉ còn 1 - 2 ngày làm việc, thậm chí chỉ trong ngày làm việc hoặc sau 1 - 2 tiếng kể từ khi doanh nghiệp khai báo và nộp hồ sơ trên hệ thống", bà Nga khẳng định.
Bên cạnh đó, cơ chế một cửa quốc gia còn đảo bảo công khai, minh bạch các hoạt động của công chức và tổ chức dịch vụ công tham gia hoạt động trên.
Rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp giải quyết 19 thủ tục hành chính
Cũng theo bà Nga, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa TTHC được Cục Chăn nuôi thực hiện từ khi xây dựng Luật Chăn nuôi, Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi vào năm 2018, 2019 và 2020.
Tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý hiện nay bao gồm 19 TTHC, trong đó 15 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Trung ương (Bộ NNPTNT, Cục Chăn nuôi), 4 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh (Sở NNPTNT).
Từ khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, 4 TTHC lĩnh vực trước đây đã được bãi bỏ, bao gồm: Đăng ký khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi mới; Công nhận thức ăn chăn nuôi mới; Chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất khẩu, nhập khẩu; Chỉ định lại tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất khẩu, nhập khẩu.
Tổng số sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước đây bao gồm 3 loại sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành còn hiệu lực chỉ còn "Sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam".
2 loại sản phẩm, hàng hóa bao gồm "Giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam" và "Giống vật nuôi quý hiếm cấm xuất khẩu" đã được đưa ra khỏi Danh mục này.
Sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc động vật, thực vật và thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật đã được tập trung thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành thực hiện là Cục Thú y hoặc Cục BVTV, chứ không phải do 2 cơ quan kiểm tra là Cục Chăn nuôi và Cục Thú y hoặc Cục Chăn nuôi và Cục BVTV như trước đây.
Bà Nga cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NNPTNT, Cục Chăn nuôi đang tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết đối với 19 TTHC lĩnh vực chăn nuôi.
"Cục đã có báo cáo và đề xuất kiến nghị phân cấp trong giải quyết TTHC đối với 10 thủ tục hành chính cấp Trung ương (đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ NNPTNT) và 4 TTHC cấp tỉnh (đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở NNPTNT).
Bên cạnh những thuận lợi, Cục Chăn nuôi cũng đang gặp không ít khó khăn trong cải cách hành chính. Đơn cử như hiện nay đường truyền kết nối giữa Tổng cục Hải quan và Bộ NNPTNT chưa ổn định, đôi khi gián đoạn đường truyền xảy ra, thời gian khắc phục khá lâu dẫn đến chậm trễ trong việc lưu chuyển hồ sơ giữa 2 cơ quan và ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Đại diện Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Chăn nuôi trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ được xây dựng và phát triển qua các giai đoạn khác nhau nên các danh mục, hồ sơ điện tử và cơ sở dữ liệu liên quan đang được tổ chức, lưu trữ phân tán, chưa được tích hợp và kết nối liên thông với nhau.
Do đó, dẫn đến tình trạng quản lý TTHC chưa được thống nhất, làm giảm hiệu quả khai thác sử dụng hệ thống, vướng mắc khi truy vết thông tin, dữ liệu cũ cũng như gặp khó khăn trong công tác bảo quản, lưu trữ tài liệu, hồ sơ điện tử.
Để việc thực hiện cải cách TTHC hiệu quả hơn, bà Nga đề nghị Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan thường xuyên rà soát nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống đường truyền kết nối giữa 2 đơn vị nhằm đảm bảo tính ổn định và liên tục trong quá trình tác nghiệp trên cổng thông tin một cửa quốc gia.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC lĩnh vực chăn nuôi trên hệ thống một cửa quốc gia, đại diện Cục Chăn nuôi cũng đề nghị Bộ đưa vào kế hoạch thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia năm 2022 của Bộ với nội dung: Phát triển ứng dụng xử lý hồ sơ trên thiết bị di động đối với 2 TTHC gồm: Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và Miễn giảm kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Bà Nga cũng đề nghị Bộ bổ sung một phần kinh phí năm 2022 để Trung tâm Tin học và Thống kê thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Cục Chăn nuôi.
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng là lĩnh vực mới, đang được lãnh đạo Bộ NNPTNT và lãnh đạo Cục quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Cục Chăn nuôi được Bộ lựa chọn là đơn vị thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại Bộ. Hiện nay, Cục đang xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.