Cục CSGT: Quy định trừ điểm GPLX là “hồi chuông” cảnh tỉnh cho các lái xe
Cục CSGT: Quy định trừ điểm GPLX là “hồi chuông” cảnh tỉnh cho các lái xe
Nguyễn Đức
Thứ hai, ngày 04/11/2024 06:46 AM (GMT+7)
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đánh giá việc đề xuất tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông là hoàn toàn cần thiết, đảm bảo tính nhân văn và nâng cao ý thức lái xe, xây dựng môi trường văn hóa giao thông bình đẳng, văn minh.
Một trong những nội dung đáng chú ý là cơ quan chức năng đề xuất tài xế ô tô hoặc xe máy nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất có thể bị trừ hết 12 điểm giấy phép lái xe.
Lái xe ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường, nếu không chấp hành hiệu lệnh dừng xe sẽ bị phạt tiền kịch khung là 50-70 triệu đồng.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông).
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ được xây dựng trong bối cảnh nào thưa ông?
Trước đó, Chính phủ đã giao cho Bộ công an xây dựng 4 Nghị định và 15 Thông tư, trong đó có Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Bộ công an đã giao cho Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) tham mưu, xây dựng Nghị định này. Trong quá trình xây dựng, Cục CSGT tham thực hiện đầy đủ, đúng trình tự quy trình xây dựng văn bản vi phạm pháp luật. Mặc dù thời gian gấp, chỉ khoảng 6 tháng nhưng chúng tôi đã kịp xây dựng xong Nghị định và trình các cơ quan liên quan.
Các cơ quan chức năng cũng mong muốn phải xong sớm Nghị định để khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2025 thì Nghị định về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng sớm có hiệu lực thi hành.
Hiện nay Nghị định đã được trình lên Chính phủ sau khi đăng công báo, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các bộ ban ngành rồi UBND các tỉnh thành phố Trung ương, địa phương, ý kiến chuyên gia, người dân…
Về nội dung, trong Nghị định xử phạt đã dự kiến nâng chế tài xử phạt lên đối với một số hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Qua đánh giá thực tiễn, phân tích tình hình trật tự an toàn giao thông thấy đây là những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.
Việc đề xuất tăng mức tiền phạt các lỗi vi phạm giao thông dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
Hiện nay tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế. Tuy nhiên, về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra như: Hạ tầng giao thông phát triển chưa tương ứng với nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô tô cùng khoảng 2 triệu xe máy…
Đặc biệt, ý thức một số người tham gia gia thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến. Và hệ quả là ùn tắc giao thông, vẫn còn những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông, lỗi chủ quan của người lái xe…
Và yếu tố quan trọng nhất đó là việc xây dựng Nghị định lấy yếu tố đặt tính mạng con người là trên hết, tính mạng con người là thiệt hại không đong đếm được, không thể lấy cái gì để bù trừ được.
Thêm nữa, đời sống xã hội hiện nay có sự thay đổi, các mức xử phạt theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã được người dân đồng thuận, chấp hành, ý thức người dân tham gia giao thông thay đổi.
Theo dự thảo Nghị định, ngoài việc bị phạt tiền, lái xe còn bị trừ điểm trên giấy phép lái xe. Đây là điểm mới của quy định xử phạt vi phạm giao thông. Căn cứ nào để chúng ta xây dựng những nội dung này, thưa ông?
Trong đó, những hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm gồm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; đua xe trái phép; lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ trên 35km/h…
Đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông.
Tôi cho rằng việc tăng chế tài xử phạt là hoàn toàn phù hợp bởi vì trên thực tế lực lượng chức năng vẫn ghi nhận có hành vi chèn ép nhau trên đường, đuổi nhau, lạng lách đánh võng, trong đó có cả xe ô tô cá nhân, cả xe kinh doanh vận tải. Các hành vi này tiềm ẩn nguy hiểm với người tham gia giao thông, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Rồi việc xử phạt kịch khung đối với hành vi sử dụng nồng độ cồn ở mức cao cũng hết sức cần thiết. Qua khảo sát, đánh giá của Bộ công an đối với 7 nhóm tội danh nguy hiểm như: Giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, gây rốt trật tự công cộng... thì thấy rằng trên 50% người thực hiện hành vi tội phạm đều sử dụng cồn trước khi thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, việc tăng mức xử phạt đối với một số hành vi là hoàn toàn cần thiết, tạo sự răn đe, đảm bảo tính nhân văn và nâng cao ý thức người lái xe, xây dựng môi trường văn hóa giao thông bình đẳng, văn minh.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn chịu hình thức phạt bổ sung. Như: người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị trừ tối đa 12 điểm và họ phải tham gia học lớp kiểm tra kiến thức về luật giao thông do Cảnh sát giao thông tổ chức. Điều này có gây phiền hà cho tài xế không, thưa ông?
Từ ngày 01/1/2025, hệ thống điểm của giấy phép lái xe sẽ chính thức được áp dụng. Theo đó, mỗi giấy phép lái xe sẽ có tổng cộng 12 điểm, nếu lái xe vi phạm luật giao thông, sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Trường hợp bị trừ hết 12 điểm, lái xe sẽ không được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Sau thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, lái xe có thể tham gia kiểm tra kiến thức về luật giao thông do Cảnh sát giao thông tổ chức. Nếu đạt yêu cầu, lái xe sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.
Đối với những người không vi phạm trong vòng 12 tháng kể từ lần bị trừ điểm gần nhất, giấy phép lái xe sẽ tự động được phục hồi về 12 điểm.
Việc trừ điểm giấy phép lái xe được xem là biện pháp quản lý, bởi vì trước đây chúng ta chỉ có chế tài phạt tiền và hình thức bổ sung là tước giấy phép lái xe. Khi người vi phạm bị tước giấy phép lái xe, họ sẽ không được lái xe trong thời gian bị tạm giữ phương tiện, gặp một số khó khăn nhất định.
Nhưng khi bị trừ điểm, lái xe có thêm cơ hội nghĩ lại và thấy hối hận vì bản thân đã vi phạm. Việc trừ điểm về mặt bản chất là "hồi chuông" cảnh tỉnh cho tài xế lúc nào cũng phải tư duy, ý thức cao hơn. Giấy phép lái xe của họ khi chỉ còn ít điểm, nếu không chấp hành Luật giao thông đường bộ sẽ bị tiếp tục trừ điểm, phải thi sát hạch và phải chờ đợi tới 6 tháng sau mới được kiểm tra sát hạch hoặc lâu hơn.
Về việc kiểm tra sát hạch lại lý thuyết, chúng tôi đang xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể. Cụ thể, sẽ theo hướng để người dân đăng ký hồ sơ trên môi trường điện tử và sau đó đến một địa điểm kiểm tra sát hạch lý thuyết do CSGT tổ chức trên khắp cả nước. Kinh phí kiểm tra sát hạch sẽ theo quy định của Nhà nước.
Việc trừ điểm sát hạch, tôi cho rằng đây là một giải pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới.
Việc này giúp cơ quan chuyên môn quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Với những giải pháp nêu trên, theo ông các hành vi vi phạm giao thông sẽ thay đổi ra sao?
Các nội dung trên là biện pháp tham mưu cho Đảng, Chính Phủ nói chung, đồng thời hướng tới việc siết chặt, đưa hoạt động trật tự an toàn giao thông đi vào kỷ cương nề nếp.
Để lập lại trật tự, đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, đảm bảo tuyên truyền răn đe, chế tài phải mạnh để xử lý tương xứng với các hành vi vi phạm nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông.
Các giải pháp nêu trên sẽ không thể có tác dụng ngay tức khắc ngày một ngày hai được nhưng về lâu về dài mọi người sẽ thay đổi, hướng tới giao thông an toàn, xã hội phát triển, văn minh, giàu đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.