Cục CSGT: 'Xe cứu hỏa được đi bất kỳ hướng nào không giới hạn tốc độ'

Thứ hai, ngày 19/03/2018 20:48 PM (GMT+7)
Đại diện Cục CSGT cho rằng, khi gặp xe cứu hộ ở bất cứ hướng nào, các phương tiện phải chủ động nhường đường.
Bình luận 0

Video tình huống xe khách đâm xe cứu hỏa.

Ngày 19.3, lãnh đạo Đội số 7, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, 4 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào chiều 18.3 "là chưa từng có tiền lệ". 

Theo vị này, trong 4 vụ tai nạn thì có 3 vụ xảy ra trong bối cảnh trời mưa và tối, tầm nhìn hạn chế, tài xế đi không giữ khoảng cách an toàn. Ngoài ra, trong vụ xe khách tông ôtô cứu hỏa, một phần nguyên nhân do ý thức của người tham gia gia thông khi qua giao lộ thiếu quan sát.

Theo hình ảnh camera giao thông, khi xảy ra tai nạn, chiếc xe cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ cứu hộ hai nạn nhân trong vụ tai nạn xe khách 16 chỗ, hú còi báo động và bật đèn xi nhan từ ngã ba trạm thu phí Thường Tín ra làn ngoài cùng của cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để đi ngược chiều. Lúc này, xe khách giường nằm không kịp hãm phanh đã đâm ngang hông xe cứu hỏa khiến một cảnh sát tử vong và 6 người khác bị thương.

Về diễn biến trên, lãnh đạo Phòng tuyên truyền hướng dẫn luật của Cục Cảnh sát giao thông cho biết, Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ về quyền ưu tiên của một số loại xe, trong đó xe chữa cháy được phép di chuyển ngược chiều để tiếp cận vụ tai nạn, cứu hộ các nạn nhân.

"Xe cứu hỏa được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới; không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông", vị này nói.

Lãnh đạo Phòng tuyên truyền hướng dẫn luật của Cục CSGT cũng khuyến cáo, khi có tín hiệu của xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như xe chữa cháy, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe ưu tiên.

Về trường hợp xe khách qua giao lộ với tốc độ cao, không nhường đường cho xe cứu hỏa, theo vị này, tài xế có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; ngoài ra tùy tính chất vụ việc mà xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng tình với quan điểm của đại diện Cục CSGT, tuy nhiên luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, với vụ tai nạn này cũng cần xem xét trách nhiệm của Cơ quan phòng cháy chữa cháy, cụ thể như điều động xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ khi lưu thông trên đường cao tốc đã đúng quy định chưa và đã có thông báo cho các cảnh sát giao thông, đơn vị quản lý cao tốc để phối hợp phân luồng hay không.

Vì sao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tắc 20 km? 

4 vụ tai nạn trong chiều chủ nhật 18.3 đã khiến tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài gần 20 km theo hướng về trung tâm; nhiều tài xế chôn chân ở đây hơn 5 giờ. 

Lý giải về việc này, lãnh đạo đội CSGT số 7, phụ trách tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, buổi chiều khi nhận thông tin về 4 vụ tai nạn, đội đã liên hệ với các đơn vị cảnh sát tại Hà Nam, đội CSGT số 8 phụ trách tuyến Quốc lộ 1A cũ của Công an Hà Nội để phối hợp phân luồng từ xa. Cụ thể, hạn chế xe đi vào cao tốc tại trạm thu phí Liêm Tuyền (Hà Nam); cấm phương tiện tại nút giao Thường Tín vào cao tốc để về trung tâm Hà Nội.

Vị này cho biết thêm, trên tuyến cao tốc này vào chiều chủ nhật, lượng xe từ Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và các tỉnh phía Nam đổ dồn về Hà Nội rất đông, hơn nữa, các vụ tai nạn khiến xe chắn ngang đường, nên "dù có phối hợp các biện pháp phân luồng thì lượng xe không thể thoát nhanh được".

Cũng theo chỉ huy đội CSGT cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, đến 23h ngày Chủ nhật, sau khi vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hỏa được giải quyết, các phương tiện chạy được cả 3 làn xe thì đường mới hết ùn tắc.

Rút kinh nghiệm việc phân luồng trong 4 vụ tai nạn "chưa từng có tiền lệ" trên, chỉ huy đội CSGT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, đơn vị sẽ chủ động, có phương án sớm phối hợp với các đội CSGT, công an địa phương cũng như cơ quan thông tin đại chúng để thông báo rộng rãi tới chủ phương tiện, để các tài xế chủ động thay đổi lộ trình.

Chiều 19.3, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đề nghị các bộ: Công an, Giao thông Vận tải và các địa phương điều tra, xác minh nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong các vụ tai nạn giao thông.

Ngoài ra, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ban ngành tăng cường tập huấn, diễn tập cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa cho các lực lượng chức năng; đặc biệt là công tác chỉ huy, phối hợp và thực hành của các lực lượng liên quan trong quá trình thực hiện cứu hộ, cứu nạn các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc.

Bá Đô (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem