Cục Đường sắt VN cấp phép sai, sao DN phải chịu?

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 11/05/2018 07:00 AM (GMT+7)
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom Group) vừa buộc phải phá dỡ nhà gác và đường ngang chuyên dùng, thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng. Dù công trình này đã xây dựng theo giấy phép của Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cấp phép trước đó.
Bình luận 0

img

Cục đường sắt cấp phép cho Tincom Group xây dựng nhà gác vi phạm an toàn đường sắt? (Ảnh: TX)

Doanh nghiệp thiệt hại hơn 200 triệu đồng

Ngày 24.11.2017, Cục trưởng Cục ĐSVN Vũ Quang Khôi đã cấp giấy phép xây dựng số 638 về việc Cải tạo, nâng cấp đường ngang công cộng, phòng vệ bằng cảnh báo tự động thành đường ngang chuyên dùng, có người gác, phòng vệ bằng dàn chắn bán tự động tại Km4+207, Tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh.

Giấy phép xây dựng này của Cục Đường sắt Việt Nam được căn cứ trên Quyết định 26 ngày 30 tháng 9 năm 2017 của Tincom Group phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án Hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học hạng mục: Đường ngang đường sắt, Km4+285 tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã xét đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng của Tincom Group và văn bản 350 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước khi ký quyết định cấp giấy phép. Đơn vị được cấp phép là Tincom Group do ông Thang Văn Lương – Chủ tịch HĐQT là người đại diện.

Điều bất thường là sau khi xây dựng theo giấy phép, Tincom Group đã bị Cục ĐSVN “tuýt còi” yêu cầu tháo dỡ do vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Tại buổi làm việc ngày 26.4, ông Phạm Xuân Sang – Phó ban quản lý dự án Hỗ hợp nhà ở dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học (còn gọi là dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng) cho biết: “Bản vẽ là 6m từ đường sắt chính, chúng tôi di dời nhà vào thêm 0,5m nhưng Cục ĐSVN vẫn nói là vi phạm. Chúng tôi sẽ tháo dỡ trước ngày 30.4”. Hiện tại Tincom Group đã tháo dỡ xong công trình này và chuẩn bị xây lại lùi vào bên trong.

 “Tiền chủ đầu tư thì mất, sự việc cũng nhiều lần công văn qua lại nên Chủ tịch tập đoàn của tôi nói chấp nhận thiệt và tháo dỡ. Họ nói trách nhiệm chủ đầu tư nhưng chúng tôi không có chuyên môn đã thuê đơn vị tư vấn và thẩm định rồi”,ông Sang nói.

“Chúng tôi không có chuyên môn, khi xây dựng so với bản vẽ đã lùi vào 0,5m, so với thiết kế đã được Cục đường sắt duyệt hồ sơ, cấp phép. Đơn vị thi công và quản lý là Công ty Cổ phần đường sắt Hải Hà (HHR) làm theo cấp phép, có giấy tờ”, ông Sang nói.

Ông Sang cũng cho biết, “Cục đường sắt cấp phép dựa trên bản vẽ. Tôi muốn xin cấp phép thì phải mang hồ sơ lên, nếu không mang hồ sơ lên thì ai ký cho. Việc xin được phép cũng mất rất nhiều thời gian”.

Ông Sang cho rằng, với hồ sơ tư liệu đầy đủ mới được cấp phép xây dựng nhưng xây dựng xong họ lại “quay ngoắt” ra nói doanh nghiệp xây dựng sai nhưng Tincom Group cũng chấp nhận phải tháo dỡ. Cũng theo ông Sang, chỉ riêng nhà trực đường sắt đã xây dựng theo thiết kế hết khoảng 200 triệu đồng, chưa kể chi phí phải tháo dỡ.

 Trước đó, trao đổi với Dân Việt: Ông Nguyễn Quốc Vượng – Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Hải Hà (HHR) cho biết: “HHR chỉ là đơn vị thi công, chủ đầu tư phải có giấy phép được Cục ĐSVN cấp và giấy phép thi công do Sở GTVT cấp thì HHR mới tiến hành thi công”, ông Vượng nói.

img

Tincom Group cho biết, đã buộc phải tháo dỡ nhà chờ này trước 30.4, thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng (Ảnh: TX)

Cục đường sắt nói gì?

Lý giải về vấn đề này, Cục ĐSVN cho rằng: Căn cứ kết quả kiểm tra hiện trường xác định, nhà gác đường ngang có 2 vi phạm: Nhà gác đường ngang đã xây dựng có diện tích đo đạc là 18m2, vượt diện tích phê duyệt và giấy phép xây dựng là 2m2; Vi phạm về khoảng cách từ bộ phận gần nhất của nhà gác đường ngang đến mép ray đường sắt ngoài cùng: thực tế kiểm tra bộ phận gần nhất của nhà gác đường ngang chỉ cách mép ray đường sắt ngoài cùng là 1,48 m, vi phạm 2,02 m.

Tuy nhiên, theo ông Sang, việc thừa 2 m2 của nhà gác đường ngang là trên đất của chủ đầu tư, còn so với bản thiết kế ban đầu và giấy phép xây dựng của Cục ĐSVN đã cấp thì Tincom Group  khi xây dựng đã lùi vào 0,5m mặt ngoài giáp với đường sắt.

Sau khi đặt lịch làm việc với Cục Đường sắt Việt Nam hơn 1 tuần, ngày 26.4, ông Phạm Quang Anh – Trưởng phòng Quản lý xây dựng và ông Nguyễn Song Hà – Trưởng phòng pháp chế thanh tra đã hẹn phóng viên tới làm việc. Tuy nhiên, khi trao đổi cả 2 ông Quang và ông Hà chỉ xin ghi lại câu hỏi và cho biết không có chức năng phát ngôn.

Tới ngày 9.4, Cục ĐSVN mới gửi lại phần trả lời qua email cho phóng viên nhưng không thấy có ghi rõ đại diện là lãnh đạo Cục hay lãnh đạo phòng nào trả lời. Nội dung trả lời của Cục ĐSVN cũng “vòng vo” không đi vào trọng tâm mà báo Dân Việt muốn hỏi là: cấp phép sai gây thiệt hại cho doanh nghiệp sẽ phải xử lý như thế nào?

“Việc xây dựng nhà gác đường ngang tại vị trí nêu trên chưa tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 62. Cụ thể:“ Bộ phận gần nhất của nhà gác đường ngang phải cách mép ray đường sắt ngoài cùng, mép phần xe chạy đường bộ ít nhất 3,5 m và không xa quá 10 m”, đại diện Cục ĐSVN cho biết.

Cũng theo đại diện Cục ĐSVN , “Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Cục ĐSVN đã xác định bộ phận gần nhất của nhà gác đường ngang chỉ cách mép ray đường sắt ngoài cùng là 1,48 m, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư 62. Sau khi phát hiện vi phạm, Cục ĐSVN đã lập biên bản đình chỉ thi công, đồng thời yêu cầu Công ty Thăng Long phải khẩn trương tháo dỡ, di chuyển vị trí nhà gác đường ngang theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả tháo dỡ, di chuyển nhà gác đường ngang về Cục ĐSVN”. 

Thực tế, việc yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ và xây dựng lùi vào bên trong chỉ là các biện pháp khắc phục hậu quả sau khi Cục ĐSVN cấp phép sai cho  Tincom Group trước đó. Còn nội dung quan trọng nhất mà bạn đọc quan tâm là Cục ĐSVN vì sao cấp phép sai quy định của Thông tư 62, gây thiệt hại cho doanh nghiệp? Việc cấp phép sai như trên sẽ xử lý những người có liên quan cấp phép sai như thế nào thì Cục ĐSVN cũng chưa làm rõ?

Cục ĐSVN cho biết, trên cơ sở số liệu theo dõi, quản lý, hiện nay địa bàn Tp.Hà Nội có 36 vị trí nhà gác đường ngang vi phạm quy định Thông tư 62.

Tuy nhiên, các nhà gác đường ngang nêu trên đều được xây dựng trước thời điểm Thông tư 62 có hiệu lực thi hành. Cục ĐSVN cho rằng, hiện tại các vị trí nhà gác đường ngang nêu trên chưa ảnh hưởng đến công tác an toàn chạy tàu.

Đồng thời, nguồn kinh phí cấp cho đường sắt còn hạn chế, do vậy khi cải tạo, sửa chữa đường ngang nêu trên Cục ĐSVN sẽ phối hợp với Tổng công ty ĐSVN đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem