Tre già măng chẳng buồn lớn
Trước khi cuộc thi nghệ thuật sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 khai màn tại Thanh Hóa vào cuối tháng 6-2015, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương đã từng cảnh báo hiện trạng của sân khấu Việt Nam trước báo giới rằng: “Lực lượng sáng tác cho sân khấu hiện nay đang rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng”. Chính vì thế, cuộc thi lần này lại vẫn là các tác giả tên tuổi như: Chu Thơm, Xuân Đức, Đăng Chương…
“Đường đua trong bóng tối”, tác giả kịch bản: Nguyễn Đăng Chương đoạt HCV cuộc thi nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015
Tình trạng này không chỉ riêng sân khấu kịch nói, mà các cuộc thi nghệ thuật chèo, cải lương và dân ca kịch hát… vẫn luôn là cuộc chơi của các nhà viết kịch, các đạo diễn lâu nay đã quá quen mặt. Dù những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu biết rõ về hiện thực rất buồn này của sân khấu Việt nhưng nó vẫn cứ là “chuyện cực chẳng đã”, đương nhiên tồn tại và cay đắng chấp nhận. Thử hỏi, các đoàn nghệ thuật nếu không dựng vở của các tác giả quen thuộc thì sẽ dựng kịch của ai? Trong khi đội ngũ kịch tác gia đang ngày một mỏng đi, tác giả trẻ không mấy mặn mà. Tre thì quá già mà măng không kịp lớn.
Khi những “gã đầu bạc”vẫn cứ “bao sân”
NSƯT Anh Tú - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Sân khấu không còn đủ sức hấp dẫn các tác giả trẻ. Với tài năng ấy, họ sẽ chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình, điện ảnh, hấp dẫn và thù lao cũng khá hơn sân khấu nhiều lần”. Những gương mặt trẻ hầu như ít khi “dám” bén mảng đến lãnh địa được “bao sân” bởi những “gã đầu bạc”.
Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ giải thích: “Sở dĩ Nhà hát Tuổi trẻ lựa chọn kịch bản của các tác giả đã thành danh dàn dựng là bởi các tác phẩm dự thi Liên hoan sân khấu đòi hỏi sự bao quát những vấn đề, tư tưởng lớn, thông điệp vở diễn gửi gắm đến xã hội phải mạch lạc, rõ ràng. Trong khi, kịch bản của các tác giả trẻ dù có tươi mới, trẻ trung đến đâu nhưng thường chỉ phản ánh được một lát cắt của đời sống, chưa đủ tầm để đưa vở của họ dự thi”.
Đặc biệt, các đoàn nghệ thuật, các nhà hát thường tìm kiếm nguồn kịch bản dự thi liên hoan sân khấu dựa vào các trại sáng tác hoặc đặt hàng tác phẩm. Cả hai phương thức này đều được các tác giả tên tuổi lấn át. Đấy là chưa kể, các trại sáng tác kịch bản sân khấu lâu nay vẫn là nơi hội tụ của các bậc cha chú của làng viết kịch. Còn với phương thức đặt hàng, các đơn vị nghệ thuật không thể liều lĩnh gửi gắm niềm tin vào các gương mặt trẻ.
Những cây bút như Trần Đình Ngôn, Nguyễn Đăng Chương, Vũ Xuân Cải… với “thương hiệu” đã được khẳng định đương nhiên sẽ dễ dàng vượt qua các cây bút trẻ dành quyền chấp bút cho một đề tài đã định sẵn. Không những thế, với phương thức đặt hàng thì người được lựa chọn chấp bút còn biết được năng lực diễn xuất của các diễn viên trong đoàn. Và khả năng này thì đúng là chỉ các nhà viết kịch lão luyện mới đủ sức làm được.
Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Đoàn Kịch nói Hải Dương không đặt ra tiêu chí kịch bản của người nổi tiếng mới sử dụng. Nhưng trong quá trình đi tìm kịch bản, chúng tôi không tìm được tác phẩm của các nhà viết kịch trẻ. Có lẽ, người trẻ viết cho sân khấu chưa biết cách tiếp cận hoặc là chúng tôi không có duyên với họ”.
Với tiêu chí tìm kiếm gương mặt đạo diễn trẻ, nhà viết kịch trẻ tại các kỳ hội diễn sân khấu thực sự bị lãng quên trước hiện trạng đáng buồn của đội ngũ sáng tác hiện nay. Ở đó, giới làm nghề và khán giả chỉ còn được chứng kiến cuộc so tài của các đạo diễn, các nhà viết kịch nổi tiếng. Cũng vì điều này, cuộc thi nghệ thuật sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 lại một lần nữa ồn ào chuyện tác giả “bao sân”. Nhưng nếu không “bao sân” bởi những “gã đầu bạc” thử hỏi, nguồn kịch bản để các nhà hát dựng vở có được bao nhiêu? Đó nên hiểu là một hệ lụy đến từ sự đìu hiu của sân khấu kịch nói lâu nay, chứ chẳng phải do lỗi của một cá nhân nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.