Cục Trưởng Cục Hàng không VN nói về an toàn bay

Thứ sáu, ngày 18/10/2013 07:46 AM (GMT+7)
Xung quanh chiếc máy bay của Hãng hàng không Lào gặp nạn, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh về vấn đề an toàn đường không.
Bình luận 0
Thưa Cục trưởng, ông có biết và có theo dõi vụ tai nạn máy bay ở Lào xảy ra vào chiều hôm qua mà báo chí đưa tin không?

- Có, chúng tôi đã đọc và cũng đang rất quan tâm theo dõi vụ việc này.

Các nguồn tin nước ngoài cho rằng gió mạnh khiến phi cơ bị cuốn đi và ra khỏi tầm kiểm soát của radar không lưu. Ông có ý kiến gì về thông tin này?


- Vụ việc mới xảy ra, mọi ý kiến, mọi nhận định về nguyên nhân của vụ tai nạn cũng mới chỉ là giả thiết, là phỏng đoán. Để có được câu trả lời chính xác về nguyên nhân của một vụ tai nạn máy bay thì phải chờ kết luận của Ủy ban Điều tra tai nạn của quốc gia đó. Ở vụ tai nạn này, chúng ta phải chờ kết luận của Ủy ban Điều tra tai nạn Quốc gia Lào thì mới chính xác.

Người nhà nạn nhân  đau đớn khi nghe tin vụ tai nạn.
Người nhà nạn nhân đau đớn khi nghe tin vụ tai nạn.

Tại Việt Nam, công tác an toàn bay được quan tâm như thế nào, thưa ông?


- Trong ngành hàng không, vấn đề an toàn bay luôn được đặt lên hàng đầu, với những đòi hỏi khắt khe nhất. Những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tại nạn hay mất an toàn hàng không đa phần là do ý thức con người. Vì vậy, ngành hàng không VN luôn đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn hàng không.

Theo đó, hàng tháng Cục Hàng không đều tổ chức hội nghị giao ban an toàn định kỳ với các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, các đơn vị, các hãng không như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và Tổng Cảng Hàng không Việt Nam … cũng đều phải tổ chức hội nghị giao ban an toàn định kỳ hàng tháng trong đơn vị và trong lĩnh vực của mình.

Công tác an toàn bay phụ thuộc vào những yếu tố nào, thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên, yếu tố con người trong khai thác bay, bao gồm kiến thức, ý thức và hành vi của tiếp viên, của tổ lái cũng như của nhân viên điều khiển, khai thác các phương tiện, thiết bị mặt đất là cực kỳ quan trọng.

Có 3 yếu tố liên quan đến công tác an toàn bay. Thứ nhất đó là quy trình, quy định. Các nhân sự liên quan phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy trình khai thác bay. Các quy định, quy trình này đã được cụ thể hóa trong các tài liệu khai thác bay (do Cục Hàng không phê duyệt). Nếu các quy trình, quy định này mà không được thực hiện nghiêm túc thì nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn bay rất lớn.

Thứ 2 là hệ thống giám sát. Không chỉ các nhân sự và các bộ phận thực hiện nhiệm vụ, mà các nhân sự, bộ phận giám sát cũng phải thực hiện một cách song hành, chặt chẽ và tuyệt đối không để xảy ra sơ suất. Một khi xảy ra sự cố thì không chỉ bộ phận thực hiện bị phạt, bị quy trách trách nhiệm, mà cả bộ phận giám sát cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Tôi lấy ví dụ: Nếu có một sự cố về an toàn bay mà liên quan đến chất lượng bảo trì, sửa chữa tàu bay, thì không chỉ bộ phận bảo trì, sửa chữa tàu bay phải chịu trách nhiệm, mà cả bộ phận giám sát công tác bảo trì, sửa chữa tàu bay cũng phải chịu chung trách nhiệm này.

Thứ 3 là kỹ năng. Yếu tố kỹ năng rất quan trọng với nhân viên hàng không, đặc biệt là đội ngũ phi công. Đôi khi ở trong những tình huống ngặt nghèo, nguy hiểm, người có kỹ năng tốt, có kinh nghiệm giỏi sẽ vượt qua được, nhưng người không có kỹ năng, hay kỹ năng xử lý tình huống kém sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng chính là lý do vì sao mà việc tuyển chọn phi công rất khó khăn và gắt gao.

Xin cảm ông!


Thu Tuyết (thực hiện) (Thu Tuyết (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem