Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng: Khi bị báo chí phanh phui, đối tượng tham nhũng không chỉ dùng “đòn trực diện”

Lương Kết (ghi) Thứ hai, ngày 21/06/2021 06:08 AM (GMT+7)
Khi bị báo chí phanh phui, đối tượng tham nhũng sẽ không chỉ dùng đòn trực diện là đe dọa mà còn dùng tiền và quan hệ để "mua" nhà báo, "mua chuộc" lãnh đạo cơ quan báo chí. Đây là điều rất đáng sợ...", ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng nói khi trao đổi với PV.
Bình luận 0

Nhân dịp 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2021), chúng tôi có trao đổi với ông Hoàng Thái Dương, Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) về vai trò, sự đóng góp của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng: Khi bị báo chí phanh phui tiêu cực, đối tượng không chỉ dùng “đòn trực diện” - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng Hoàng Thái Dương (ảnh G.H).

Thưa ông, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ông đánh giá thế nào về vai trò và đóng góp của báo chí trong cuộc đấu tranh này?

- Đến thời điểm này, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những thành công. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, báo chí đã vào cuộc rất tích cực. Những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đều khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong cuộc đấu tranh này.

Nếu phóng viên tâm huyết với nghề, có trách nhiệm, có kinh nghiệm, có bản lĩnh dấn thân vào cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lên tiếng bảo vệ lẽ phải nhưng bài viết của họ không được đăng, hoặc "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" hay bị "thay đổi ruột bài" làm cho việc phản ánh các vụ việc tham nhũng bị "méo mó".

Tôi thấy, từ việc phát hiện tiêu cực, tham nhũng, các vấn đề xã hội đều có thể "cân đong, đo đếm" được vai trò quan trọng của báo chí.

Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật; kịp thời đưa tin kết quả công tác phòng chống tham nhũng; biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống thanh nhũng.

Nếu như cơ quan phòng, chống tham nhũng, các cơ quan trong hệ thống Nhà nước làm tốt công tác này mà báo chí không thông tin thì người dân không thể biết để đồng tình, ủng hộ.

Không chỉ phát hiện, phản ánh những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, ở khâu xử lý vi phạm, báo chí tiếp tục đeo bám để thông tin kịp thời đến bạn đọc. Qua đó giúp cho việc giám sát xử lý đúng hay sai, tránh việc xử lý chỉ "thí tốt", còn đối tượng chính thì không sao hoặc trường hợp sai phạm đáng ra xử hình sự lại được "làm nhẹ" xử hành chính. Có thể thấy thông qua các bài báo phản ánh dấu hiệu sai phạm, tiêu cực, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, thanh tra, kiểm tra làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Báo chí đã trợ giúp đắc lực, đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng. Tôi tin, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ khó thành công nếu báo chí đứng ngoài cuộc.

Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng: Khi bị báo chí phanh phui tiêu cực, đối tượng không chỉ dùng “đòn trực diện” - Ảnh 2.

PV Dân Việt dấn thân điều tra vụ phá rừng tại tại Vườn Quốc gia Du Già (Bắc Mê, Hà Giang - Ảnh: Lam Anh).

Khi dấn thân để điều tra vạch trần những dấu hiệu sai phạm, nhà báo không chỉ đối diện với mối nguy hiểm từ sự đe dọa, hành hung mà còn cả những mối nguy hiểm khác, ông nghĩ sao?

- Khi người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì các đối tượng tham nhũng sẽ không để yên. Thực tế, không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập. Hành vi trả thù, trù dập thường rất tinh vi bởi người tham nhũng có chức vụ, quyền hạn.

Ví dụ, một cán bộ công chức tố cáo lãnh đạo tại cơ quan mình có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì sẽ bị gây khó khăn trong công việc, chẳng hạn bị điều chuyển công tác khác hay điều động đi những nơi khó khăn hoặc cô lập trong cơ quan... Thậm chí, người tham nhũng còn "gài" để có cớ xử lý người chống tham nhũng. Người dân khi đấu tranh chống tham nhũng có khi bị côn đồ đe dọa, hành hung. Đối với nhà báo cũng vậy.

Như tôi đã nói ở trên, báo chí có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cán bộ, công chức, viên chức hay người dân tố cáo tham nhũng mà báo chí đứng ngoài, không lên tiếng thì khó có thể công khai thông tin để từ đó cơ quan nhà nước vào cuộc.

Khi bị báo chí phanh phui, đối tượng tham nhũng sẽ không chỉ dùng đòn trực diện là đe dọa mà còn dùng tiền và quan hệ để "mua" nhà báo, "mua chuộc" lãnh đạo cơ quan báo chí. Đây là điều rất đáng sợ, bởi lẽ, nếu bị "mua chuộc" cơ quan báo chí, nhà báo đó sẽ im lặng, không lên tiếng để phanh phui đối tượng tham nhũng, thậm chí còn dẫn tới trường hợp tệ hơn là quay ngược lại "đánh" những người dám đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Tôi cho rằng, phải có sự giám sát để ngăn chặn tình trạng hành hung, ngăn cản báo chí tác nghiệp, cũng như các hiện tượng lạm dụng báo chí nếu có, đồng thời loại bỏ khỏi đội ngũ nhà báo những cá nhân vi phạm pháp luật, không còn phẩm chất, lợi dụng danh nghĩa để trục lợi…

Ông nghĩ sao về cơ chế bảo vệ nhà báo, các cơ quan báo chí để phát huy sự tích cực hơn nữa của lực lượng này trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng?

- Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Báo chí và các quy định của pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp thuận lợi. Bộ Chính trị cũng ban hành Chỉ thị 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Yêu cầu đặt ra, các cơ quan nhà nước phải công khai, minh bạch hoạt động; tăng cường phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng.

Đặt vấn đề các quy định của pháp luật đã đồng bộ, kín kẽ hết chưa thì câu trả lời là chưa. Chính vì thế, bên cạnh sự bảo vệ của xã hội, của các cơ quan chức năng, bản thân người làm báo phải biết bảo vệ mình, khéo léo khi tác nghiệp, để đạt được hiệu quả cao nhất. Nghĩa là các cơ quan báo chí, nhà báo phải liên kết, bảo vệ lẫn nhau khi tham gia đấu tranh lên án cái ác, cái xấu, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nếu bị đe dọa, trù dập, nhà báo cũng phải dũng cảm phản ánh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét việc đó. Cục Phòng, chống tham nhũng nếu nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi sẽ xem xét ngay.

Hiện Cục Phòng, chống tham nhũng đang triển khai mạnh mẽ, quyết liệt để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, cũng như những vụ việc trù dập người tố cáo, người cung cấp thông tin về những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, các cơ quan, tổ chức... từ đó có biện pháp kiến nghị xử lý nghiêm.

Xin cảm ơn ông.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem