Cục trưởng Cục Xuất bản nói về tranh cãi đọc sách từ vụ Kỳ Duyên

Thứ hai, ngày 02/09/2024 12:00 PM (GMT+7)
Màn thể hiện của Kỳ Duyên sau 10 năm đăng quang Hoa hậu Việt Nam gây thất vọng và còn kéo theo nhiều tranh cãi bất tận.
Bình luận 0
img

Hoa hậu Kỳ Duyên thi Miss Universe sau 10 năm đăng quang. Ảnh: Nhà sản xuất

Hoa hậu Kỳ Duyên ghi danh tại cuộc thi Miss Universe Vietnam 2024 sau 10 năm đăng quang Hoa hậu Việt Nam.

Thế nhưng, với những gì đã thể hiện, Kỳ Duyên gây thất vọng. Ở tập 2, cô trả lời ứng xử và nói rằng "tôi chưa từng chưa đọc hết một cuốn sách nào, vì tôi là con người thực tế".

Phát ngôn đó kéo theo nhiều tranh cãi về việc đọc sách, đọc sách như thế nào, có nên đọc sách hay không, vai trò của việc đọc.

Có ý kiến ủng hộ Kỳ Duyên cho rằng, chính họ cũng không cần phải đọc sách và vẫn thành công. Số khác khẳng định, đọc sách là sở thích cá nhân không thể phán xét hay chỉ trích.

Trước đó, chủ đề người Việt lười đọc sách đã được truyền thông đưa tin trong nhiều năm khi Việt Nam luôn nằm trong danh sách quốc gia có tỉ lệ đọc sách thấp bậc nhất thế giới.

Trong hàng chục năm nay, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều nỗ lực, tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đề án phát triển văn hóa đọc còn là đề án quốc gia nhận được sự ủng hộ và chung tay của nhiều bộ ban ngành. Ngày sách, các triển lãm sách, hội chợ sách, giải sách quốc gia... được tích cực triển khai.

Trao đổi với phóng viên Lao Động quanh những tranh cãi về chuyện đọc sách trên mạng xã hội bắt nguồn từ vụ việc của Hoa hậu Kỳ Duyên những ngày qua, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho biết, đọc sách là thói quen của một người nên sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau, có đúng có sai.

"Việc đọc sách không chỉ cung cấp những vấn đề thuộc về lý luận, lý thuyết mà rất nhiều cuốn sách còn mang đến góc nhìn thực tế. Sách đem đến cho con người một khối lượng kiến thức lớn. Nhưng điều quan trọng hơn, sách chứa đựng cả tâm tư, tình cảm để bồi đắp, xây dựng tâm hồn. Đó mới là vai trò rất quan trọng của sách bên cạnh việc cung cấp tri thức", ông Nguyễn Nguyên nhận định.

Ông Nguyễn Nguyên cho rằng, thói quen đọc sách, tình yêu với sách cần được gieo mầm, nuôi dưỡng từ nhỏ, từ gia đình đến nhà trường.

img

Kỳ Duyên từng đăng ảnh đọc sách “Đắc nhân tâm“ và khẳng định thích đọc sách vào năm 2016. Nhưng tại phần thi ứng xử của Miss Universe Vietnam vừa qua cô lại khẳng định chưa từng đọc hết một cuốn sách. Ảnh: Chụp màn hình

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2023, một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay đã được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: "Hạt giống tâm hồn", "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi và vui sống", "Hành trình về phương Đông, "Nhà Giả Kim", "Cây cam ngọt của tôi"...

Dù vậy, tỉ lệ đọc của người Việt tăng chậm, doanh thu ngành xuất bản vẫn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Trước sự phát triển như vũ bão về văn hóa nghe nhìn, mạng xã hội và các hình thức giải trí nhanh gọn... việc thúc đẩy văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc sách gặp nhiều trở ngại.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về chủ đề này, nhà văn Di Li nhận định, việc đọc sách và thành công có thể không liên quan đến nhau, nhưng sách mang lại những giá trị bền vững và tính tích cực từ đọc sách là không thể phủ nhận.

"Đọc sách giúp chúng ta có thêm một loại hình giải trí, giúp ta xây dựng kỹ năng tự học, kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, rèn tính kỷ luật. Không chỉ kĩ năng, sách giúp ta có thái độ tốt hơn, nhưng không thể kiếm ra tiền ngay như một số người mong muốn. Dù vậy, sách cho người đọc kiến thức để xây dựng sự nghiệp thành công", nhà văn Di Li nói.

Theo Thùy Trang (laodong.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem