Đó là ý kiến của đại biểu quốc tế khi tham dự Hội nghị Toàn cầu lần thứ 2 về nông nghiệp, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu (AFC) được tổ chức tại Hà Nội ngày 3.9.
|
VN là một trong những nước dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. |
Xây dựng chính sách thông minh
Với chủ đề “Hành động vì đói nghèo”, hội nghị đã quy tụ hơn 500 đại biểu đến từ 150 nước và hơn 20 tổ chức quốc tế. Hội nghị do Bộ NNPTNT VN phối hợp với Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới Hà Lan, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, các hoạt động ưu tiên trong hội nghị lần này là tập trung vào việc xác định các nguồn tài chính mới, mở rộng nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân thông qua cơ chế đối tác công tư (PPP), tăng cường quản lý rủi ro và đưa ra các giải pháp thực hiện thích hợp.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc phải đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho khoảng 9 tỷ người với mức tăng sản lượng lương thực toàn cầu khoảng 70% đến năm 2050 là một thách thức lớn trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức và sử dụng lãng phí, chưa kể tác động ngày càng lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các quốc gia phải có những chính sách thông minh và toàn diện trong phát triển nông nghiệp, lồng ghép đầy đủ vào chiến lược phát triển tổng thể của các nước. Để đạt được một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, các vấn đề đặt ra với mỗi quốc gia là phải xây dựng các chiến lược, chính sách thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường; áp dụng các biện pháp thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền nông nghiệp; tăng cường hợp tác giữa các nước; huy động các nguồn lực để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ…
Để nông dân cùng tham gia đầu tư
Ông Hans Hoogeveen - Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới Hà Lan cho rằng, cải thiện cả hệ thống nông nghiệp và bảo vệ môi trường là rất quan trọng, chuyển đổi nông nghiệp là trọng tâm của tiến trình tăng trưởng bền vững. Những thách thức về biến đổi khí hậu cũng cần phải giải quyết trước mắt. Vấn đề an ninh lương thực không thể giải quyết từ một quốc gia đơn lẻ, mà cần có sự chung tay hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình thành công của nhiều quốc gia, trong đó có VN, để từ đó nhân rộng ra trên toàn cầu.
Phiên họp trù bị của Hội nghị AFC sẽ có 3 ngày làm việc. Qua Phiên họp trù bị, các ý tưởng mới, kế hoạch hành động phù hợp sẽ được thống nhất và đưa ra tại phiên họp cấp bộ trưởng vào ngày 6.9 để thông qua.
Ông Hans nhấn mạnh, đầu tư vào nông nghiệp là việc làm cần thiết, tuy nhiên, để phát huy hiệu quả những chính sách đầu tư của chính phủ, hãy để nông dân và khu vực tư nhân cùng tham gia vào các dự án đầu tư, bởi chính họ mới hiểu rõ, cần phải đầu tư vào những hạng mục nào nhất.
Phó Tổng Giám đốc FAO, ông Alexander Mueller cho rằng, phát triển nông nghiệp cũng đặt ra những thách thức khác đối với VN như phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến biển đổi khí hậu. Ông Mueller nói, mặc dù hiện nay lượng phát thải khí nhà kính của VN tương đối thấp trong bối cảnh toàn cầu, tuy nhiên theo dự đoán lượng phát thải sẽ tiếp tục tăng nhanh và có khả năng sẽ tăng gấp ba vào năm 2030 nếu không có biện pháp giảm thiểu đáng kể được thực hiện.
Đăng Thúy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.