Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức sơ kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Kết quả cho thấy, 100% các mô hình trình diễn canh tác lúa thông minh tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều cho lợi nhuận tốt hơn so với lối canh tác cũ.
Trong đó, năng suất lúa tăng bình quân từ 550 kg/ha, lợi nhuận tăng thấp nhất cũng hơn 1,4 triệu đồng/ha (Đồng Tháp), còn lại đều tăng mạnh từ 2,2 - 6,7 triệu đồng/ha.
Anh Lê Trường Giang (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) cho biết, thông qua khuyến nông tỉnh, gia đình anh tiếp cận được mô hình canh tác lúa thông minh với sự hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, vật tư… của Công ty Phân bón Bình Điền. Năng suất và lợi nhuận của gia đình trong vụ lúa Đông Xuân vừa qua tăng vọt lên tới hơn 5,3 triệu đồng so với trồng lúa truyền thống.
"Ban đầu, khi được hướng dẫn giảm lượng giống gieo sạ xuống một nửa, chỉ còn 60kg/ha (thông thường gieo tới 120kg/ha), gia đình tôi khá phân vân và lo ngại. Nhưng được sự thuyết phục của cán bộ kỹ thuật và khuyến nông, tôi cũng làm theo. Ai ngờ năng suất thậm chí còn nhỉnh hơn một chút và lợi nhuận thì tăng tới 5,3 triệu đồng. Tôi rất vui và quyết tâm vụ Hè Thu sắp tới sẽ tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật này", anh Giang nói.
Cũng ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh trong vụ Đông Xuân vừa qua, lão nông Lê Cữu Trí (huyện Tri Tôn, An Giang), sửng sốt không kém: "Bình thường tôi bón phân 5-6 lần/vụ nhưng các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tôi chỉ bón 4 lần/vụ, cùng những chỉ dẫn kỹ thuật khác về canh tác.
Kết quả năng suất lúa tăng khoảng 500kg/ha so với những ruộng lúa đối chứng. Lợi nhuận cũng tăng khoảng hơn 3,3 triệu đồng".
"Tôi mong vụ Hè Thu sắp tới tiếp tục được canh tác theo mô hình này", lão nông Lê Cữu Trí bộc bạch.
Số liệu từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thống kê từ các tỉnh khu vực ĐBSCL cho thấy, trong vụ lúa Đông Xuân vừa qua, 100% mô hình trình diễn canh tác lúa thông minh đều cho năng suất và lợi nhuận vượt trội so với lối canh tác cũ.
Có thể kể: An Giang tăng hơn 3,3 triệu đồng/ha; Kiên Giang tăng hơn 5,3 triệu đồng/ha; Tiền Giang tăng hơn 4,3 triệu đồng/ha; Cần Thơ tăng hơn 4,6 triệu đồng/ha;… cá biệt Vĩnh Long tăng tới gần 6,7 triệu đồng/ha.
PGS.TS Mai Thành Phụng, chuyên gia về nông nghiệp, đại diện ban cố vấn chương trình Canh tác lúa thông minh cho hay, qua vụ Đông Xuân vừa rồi, mô hình trồng lúa thông minh thực sự đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Theo đó, lợi nhuận của mô hình vượt trội so với trồng lúa kiểu cũ.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận vấn đề là, việc bón phân hiện nay của nông dân vẫn còn theo lượng cấp, nên chưa phải là canh tác thông minh. Canh tác thông minh phải là bón thực tế cho đất và cây, sao cho cây và đất cùng nhận đủ dinh dưỡng cần thiết chứ không phải thiếu quá hay thừa quá…
"Sau vụ Hè Thu sắp tới, dựa trên những dữ liệu tổng hợp từ chính người nông dân trồng lúa, các chuyên gia kỹ thuật và nông nghiệp chúng tôi sẽ cùng Bình Điền xây dựng bộ dữ liệu về quy trình canh tác lúa thông minh cho từng nhóm đất, từng vụ mùa cụ thể", ông Phụng khẳng định.
Cũng theo chuyên gia này, các video hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa sẽ được hoàn thiện sớm và đăng tải trên trang Youtube Canh tác thông minh để bà con nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL cũng như cả nước xem và học tập thêm.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, mô hình canh tác lúa thông minh đã chứng minh được tính hiệu quả, nhưng để nhân rộng ra khắp vùng ĐBSCL là không dễ dàng khi lối suy nghĩ của người nông dân trồng lúa chưa được cải thiện.
KS Võ Quốc Trung, Phòng Kỹ thuật - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho hay, ban đầu đi tìm và thuyết phục nông dân trồng theo mô hình mới rất khó khăn, nông dân không mặn mà tham gia khi được tư vấn giảm lượng giống gieo sạ xuống.
"Thông thường, bà con thường gieo sạ khoảng 80kg/ha, nhưng chúng tôi tư vấn chỉ gieo 65kg/ha thì nông dân họ xin rút, cuối cùng chỉ có 3 nông dân tham gia", ông Trung nói.
Theo ông Trung, trong quá trình canh tác vụ Đông Xuân, vùng Mỹ Tú - Mỹ Phước (Sóc Trăng) gặp tâm điểm của dịch bệnh sâu đục thân cây lúa, các hộ tham gia mô hình đều lo lắng và đòi tăng lượng thuốc trừ sâu để diệt bệnh.
Các chuyên gia phải giải thích, thậm chí là cam kết năng suất giảm sẽ… bù lỗ cho nông dân, vì vậy họ mới chịu làm theo các kỹ thuật. Kết quả là chi phí đầu tư theo mô hình mới cũng giảm khoảng hơn 3,7 triệu đồng/ha. Nhờ đó lợi nhuận cũng tăng thêm tới hơn 4,2 triệu đồng/ha.
"Điều đặc biệt, giá lúa từ ruộng canh tác theo mô hình được thương lái trả giá cao hơn 100 đồng/kg so với giá lúa trồng ở ruộng đối chứng, điều này nói lên giá trị của chương trình là rất lớn", ông Trung nói thêm.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, chuyên gia về đất và nông nghiệp nhấn mạnh, canh tác lúa thông minh thực tế đã mang lại những hiệu quả khả quan khi không chỉ giảm lượng giống gieo sạ, giảm được phân bón, thuốc BVTV và giảm ít nhất 2 lần phun thuốc trừ sâu rầy và thuốc bệnh.
Trong khi đó hiệu quả kinh tế mang lại giúp bà con nông dân tăng ít nhất từ 1,4 triệu đồng đến gần 6,7 triệu đồng/ha. Đây là một tiến bộ cần được quan tâm và nhân rộng.
"Chúng ta cần tiếp tục triển khai để tính toán, tìm ra giải pháp đồng bộ để giúp cho bà con nông dân trồng lúa các tỉnh cải thiện thêm lợi nhuận, tiến tới mức lợi nhuận tăng thêm hơn 6 -7 triệu đồng/ha như mức lợi nhuận mà bà con nông dân Vĩnh Long đã đạt được. Muốn vậy, cần phải đẩy mạnh thêm việc tuyên truyền để góp phần cải thiện chính lối suy nghĩ của người nông dân trồng lúa", chuyên gia này nói thêm.
Sẽ triển khai canh tác thông minh không chỉ với cây lúa
"Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa ra các quy trình về canh tác thông minh cho các loại cây trồng khác, như cây ăn trái… chứ không chỉ dừng lại ở cây lúa. Bởi hiệu quả của chương trình canh tác thông minh không chỉ giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn đóng góp lớn cho môi trường khi lượng phân bón được điều tiết hợp lý, tránh ngộ độc cho đất; tiết giảm lượng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV…", ông Ngô Văn Đông – Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.