|
Diện tích rừng ở tiểu khu 719 xã Gia Bắc (Di Linh, Lâm Đồng) bị người dân chặt phá để trồng ngô. |
Đó là chương trình "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển" (UN-REDD).
Rừng co hẹp từng ngày
Địa điểm đầu tiên được UN-REDD lựa chọn để thực hiện thí điểm chương trình là tỉnh Lâm Đồng tại 2 huyện Di Linh và Lâm Hà. Huyện Di Linh hiện có 11 xã có rừng, với tổng diện tích 95.342ha, trong đó rừng phòng hộ chiếm 13.600ha, rừng sản xuất chiếm 81.742ha.
Mặc dù diện tích rừng ở Di Linh vẫn còn nhiều, song trong những năm gần đây đã bắt đầu có sự suy giảm đáng kể do hiện tượng chặt phá rừng làm nương rẫy và trồng các cây lương thực ngắn ngày của người dân, trong đó phổ biến là ngô. Ông Nguyễn Văn Tân- Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Di Linh cho biết: "Chúng tôi hiện được giao quản lý 29.000ha đất rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên, nhưng trong mấy năm gần đây người dân đã chặt phá cả rừng ở thượng nguồn, thuộc nhóm IIA, IIB để trồng ngô".
Tại VN, Chương trình UN-REDD được Chính phủ Na Uy tài trợ thông qua "sáng kiến các hành động khởi động nhanh" với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu USD (trong đó VN đóng góp 120.000 USD), số vốn trên được thực hiện theo hình thức viện trợ không hoàn lại.
Ở tiểu khu 719 của xã Gia Bắc nơi chúng tôi đến có địa hình núi cao và thoải dốc, nhưng hiện đã có hàng trăm ha rừng được người dân tự ý chuyển đổi sang trồng ngô. Ông K' Vững- Chủ tịch UBND xã Gia Bắc cho biết: "Mặc dù trồng ngô, người dân sẽ thu về được 5-6 tấn/ha, nhưng do mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ (khoảng 4-5 tháng), 8 tháng còn lại là bỏ hoang, do vậy trên một số diện tích mà người dân phá rừng để trồng ngô đã xảy ra hiện tượng xói mòn đất có nguy cơ hoang hoá".
Tại xã Bảo Thuận (Di Linh) tình trạng phá rừng cũng đã xuất hiện khá phổ biến trong thời gian gần đây. Ông K'Bril- Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết: "Bảo Thuận là xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện (độ che phủ rừng tới 86%). Đó là cơ sở để chúng tôi có thể tham gia vào bảo vệ rừng, vì cuộc sống của bà con nơi đây còn rất khó khăn, trình độ dân trí thấp".
Hạn chế mất rừng và suy thoái rừng
Ông Chrisophe Bahuet - quyền Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại VN cho biết: "Vừa qua, UN-REDD đã tiến hành 78 cuộc họp tham vấn người dân về các hoạt động dự kiến triển khai ở địa phương, 5.474 người đã tham gia tại 20 xã của 2 huyện Lâm Hà và Di Linh". Theo ông Lê Viết Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, mặc dù rừng ở địa bàn Di Linh chưa bị suy giảm nhiều, song quỹ đất để sản xuất và trồng rừng thì đã bão hoà.
Nếu chúng ta không có biện pháp hỗ trợ người dân thì sẽ rất khó giữ rừng. Hiện ở một số nơi, người dân mới được hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm để bảo vệ rừng, nếu được nâng lên ở mức 300.000 đồng/ha sẽ rất tốt và có hiệu quả”.
Ông Phạm Mạnh Cường” - Trưởng nhóm REDD quốc gia của Việt Nam cho biết: "Hiện tại các nước công nghiệp phát triển đã cam kết viện trợ không hoàn lại hơn 4 tỷ USD cho các nước đang phát triển thực hiện thí điểm trong vòng 3 năm, từ 2010-2012 và sẽ tiếp tục được tăng lên. Vừa rồi, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng đã hoàn thành đàm phán với Na Uy về việc triển khai pha II của chương trình với tổng kinh phí hỗ trợ trên 100 triệu USD cho 4 tỉnh, trong đó có Lâm Đồng".
Theo ông Torstein Stale Risa - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại VN và Lào, từ tháng 9-2009, VN đã trở thành một trong 9 nước đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình này. Chương trình thí điểm ở VN có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nếu thành công chương trình sẽ được nhân rộng ra các nước khác trên thế giới.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.