Cúng ông Công ông Táo năm 2019: 5 điều cần phải biết         

PV Chủ nhật, ngày 27/01/2019 08:15 AM (GMT+7)
Cúng ông Công ông Táo là một trong những lễ trọng trong phong tục của người Việt. Lễ cúng được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm. Cúng lễ ông Công ông Táo 2019 cần phải lưu ý điều gì?
Bình luận 0

Cúng ông Công ông Táo là ngày các vị thần lên Thiên đình để báo cáo về chuyện của nhân gian trong 1 năm qua. Vì vậy, vào ngày này, mỗi gia đình đều chuẩn bị hương hoa, phẩm vật, mâm cỗ để cúng tiễn đưa ông Táo.

Theo chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Cung Hà việc cúng ông Công ông Táo phải chú ý 5 điều sau:

1. Cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp

Có nhiều người cho rằng ngày 23 tháng Chạp năm 2019 rơi vào ngày không đẹp nên việc cúng ông Công ông Táo phải cúng trước 1 ngày là ngày 22 tháng chạp. Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Cung Hà điều này là không đúng.

Truyền thống tập tục, tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam thì ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo lên chầu Trời để báo cáo việc của thế gian trong năm. Vì vậy việc cúng ông Công ông Táo là một điều bình thường, không có chuyện xấu ngày ở đây. 

img

Khi cúng ông Công ông Táo người ta thương tránh cúng vào sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Ảnh I.T

Tuy nhiên, trong dân gian người ta có thể cúng trước ngày đấy 1 vài ngày, thậm chí là 5-7 ngày với ngụ ý là mình sẽ báo cáo mọi việc với ông Táo, còn việc ông Táo lên chầu Trời sẽ đúng ngày 23, cho nên, việc nói ngày hôm đấy xấu là không đúng.

Bởi vì đây là truyền thống, tập tục bất thành văn của dân tộc Việt Nam. Và chính ngày đấy ông Táo bắt buộc phải lên Thiên đình

Khi cúng ông Công ông Táo người ta thương tránh cúng vào sau 12 giờ trưa, bởi vì, sau 12 giờ trưa đã đóng cửa thiên đình. Vì vậy ngày 23 có thể cúng trong buổi sáng.

2. Cúng ông Công ông Táo ở nơi trang nghiêm, sạch sẽ

Việc cúng ông Công ông Táo ở nơi nào là đúng nhất cũng là điều nhiều người quan tâm. Theo tập tục, tín ngưỡng, truyền thống là ở địa phương nào, phong tục tập quán như thế nào thì cứ áp dụng như thế là tốt, là đúng nhất.

Ví dụ như ở ngoài Bắc người ta ít khi đặt bàn thờ ở trong Bếp, còn ở trong miền Nam thì nhà nào cũng có một bát hương, bàn thờ ở Bếp.

Như vậy, việc ông Công ông Táo thể hiện tập tục, tín ngưỡng lâu đời và nên tuân theo tập tục của từng vùng, từng địa phương. Những gia đình miền Nam có bàn thờ ông Công ông Táo thì có thể cúng tại đó, còn đối với gia đình miền Bắc không có bàn thờ ông Công ông Táo thì có thể cúng ở bàn thờ chính giữa nhà, có những nơi người ta cúng ngoài trời. Như vậy, việc cúng ông Công ông Táo không câu nệ cúng ở đâu.

Tuy nhiên, nét văn hóa chung nhất là cúng ở những nơi sạch sẽ, trang nghiêm và tùy theo tập tục của địa phương.

3. Cỗ cúng ông Công ông Táo gồm lễ chay và lễ mặn

Lễ vật cúng ông Công ông Táo bao gồm có lễ mặn và lễ chay

Lễ mặn gồm có 1 mâm cơm canh. Lễ này tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình có thể làm thật thịnh soạn hoặc có thể đơn giản, bình thường.

Lễ chay gồm có: bánh trái, hoa quả, bộ mũ ông Công ông Táo. Theo truyền thống là có 2 ông 1 bà (mũ ông có cánh chuồn còn mũ bà không có cánh chuồn) và 3 con cá chép. Ngày nay người ta cũng có thể thay 3 con cá chép bằng giấy.

Việc giữ gìn tập tục là điều cần thiết, tuy nhiên cũng không nên rườm rà quá. Nếu điều kiện, hoàn cảnh không cho phép các gia đình có thể đơn giản bằng các lễ vật như hương, hoa, đăng, trà, quả, bộ mũ ông Công ông Táo và có thể mua cá bằng giấy hoặc cá thật.

Việc cúng bái thịnh soạn hay đơn giản thì trong đạo lý truyền thống của người Việt Nam quan trọng nhất vẫn là tâm thành.

4. Món gì cần phải kiêng kỵ trên mâm cúng ông Công ông Táo?

Trong mâm cúng ông Công ông Táo từ thượng cổ đến bây giờ người ta kiêng không nên cúng thịt chó, thịt trâu, cá mè, vịt, ngan…

5. Bài cúng ông Công ông Táo

Cúng ông Công ông Táo như thế nào là đúng? Đó là câu hỏi rất nhiều người đặt ra. Hiện nay, có rất nhiều bài cúng, trong đó có cả bài văn khấn nôm mọi người có thể tham khảo.Việc hành lễ phải thể hiện sự trang nghiêm, thành kính.

Táo phủ thần quan là vị thần cai quản việc bếp núc, thần biết hết các việc trong gia đình. Và khi thần lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng sẽ báo cáo cả việc tốt lẫn không tốt của gia đình trong một năm qua.

Đa số mọi người đều muốn được báo tốt vì thế khi khấn người ta thường nói những điều tốt và cầu mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Việc cầu xin quan chức không phải ở Đức Táo quân nên khi cúng lễ này không nên tranh thủ vì khấn quan, khấn lộc ở đây không hợp đạo truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem