Cúng rằm tháng Giêng như thế nào?

Huệ Tâm (tổng hợp) Thứ năm, ngày 18/02/2016 06:00 AM (GMT+7)
Ông bà ta có câu “Lễ quanh năm không bằng rằm tháng giêng” nhằm khẳng định tầm quan trọng của lễ tiết này trong năm. Vậy theo truyền thống, cúng rằm tháng giêng như thế nào là đúng cách?
Bình luận 0

Rằm tháng giêng còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu, “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”. Với các chùa, trọng tâm của rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an cho đất nước và người dân. Vì thế, nhân dịp này, người dân thường đến chùa lễ Phật và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình và đất nước.

Bên cạnh đó, tại mỗi gia đình, tùy từng điều kiện và hoàn cảnh kinh tế, lễ cúng rằm tháng Giêng được tổ chức với những quy mô lớn nhỏ, khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, thường có đủ các quy trình cúng sau:

Cúng Phật, thần linh

Mâm lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến. Nếu gia chủ là Phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài lễ bái Tam Bảo.

Cúng gia tiên

Mân lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.

img

Bánh trôi là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng rằm tháng Giêng. I.T

Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu. Khi cúng thì đọc bào khấn Tết Nguyên tiêu. Theo truyền thống, lễ cúng gia tiên thường được tổ chức vào giờ Ngọ. Khi cúng thì đọc bài khấn Tết Nguyên tiêu với nội dung như sau:

- Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật,Chư Phật mười phương. 

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. 

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. 

- Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.Tín chủ (chúng) con là: ...............................................Ngụ tại:.......................................................................

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm... gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ................... nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.

Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Bên cạnh lễ cúng Phật, thần linh và gia tiên, một số gia đình còn tổ chức lễ cúng sao giải hạn tại chùa hoặc tại nhà. Nếu cúng tại nhà bàn hương án thường được đặt ở sân trước nhà hoặc trên sân thượng. Tuy nhiên, trong giáo lý của đạo Phật không có chủ trương cúng sao giải hạn. Vì lẽ đó, ở khá nhiều chùa hiện nay không tổ chức cúng sao giải hạn mà sẽ tổ chức tụng kinh trong suốt tháng Giêng, đồng thời khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm rồi phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem