Cung ứng giống kém chất lượng sẽ bị xử lý như thế nào?

Phuong Vy Thứ hai, ngày 01/04/2024 06:47 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về trách nhiệm cung ứng giống kém chất lượng khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

Ngày 27/3, Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình cho biết đã chuyển hồ sơ cho phía công an để điều tra, làm rõ thông tin người dân bị cung ứng lạc giống giả, kém chất lượng với số lượng lên tới gần 20 tấn.

Cung ứng giống kém chất lượng sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Cung ứng giống cây trồng. Ảnh minh hoạt Dân Việt.

Số lạc giống nói trên được cấp cho bà con nông dân nhiều đợt khác nhau và bỏ trong bao bì không có nhãn mác. Bước đầu cơ quan chức năng làm rõ số lạc giống này có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Nông và đây là loại dùng để ăn chứ không phải là lạc giống gieo trồng.

Đơn vị cung cấp giống lạc là Công ty TNHH MTV Linh Linh Nguyễn (có địa chỉ ở tỉnh Quảng Trị). Doanh nghiệp này trực tiếp nhận cung ứng cho Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, để bán lại cho nông dân.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết: Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang diễn biến phức tạp và xuất hiện trong hầu hết mọi lĩnh vực, trôi nổi trên thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Hành vi này là nguy hiểm và bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1, 3, 4 Điều 9 Luật Trồng trọt 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt có bao gồm:

Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón.

Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.

Vậy nếu các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự.

Qua quá trình điều tra, xác minh tại Công ty TNHH MTV Linh Linh Nguyễn, Cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện có đầy đủ dấu hiệu hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng thì người phạm tội có thể sẽ bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và bị phạt như sau:

Trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm hoặc phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng:

Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

Trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm

Trường hợp có hành vi phạm tội nêu tại mục 1 và thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì người phạm tội bị phạt phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Buôn bán qua biên giới; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng.

Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm

Người nào thực hiện hành vi cấu thành tội phạm nêu tại mục 1 và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Gây thiệt hại về tài sản từ 1.5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng.

Trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm

Người nào thực hiện hành vi cấu thành tội phạm nêu tại mục 1 và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

Gây thiệt hại về tài sản 3 tỷ đồng trở lên.

Thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt như sau

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại mục 1 thì bị phạt tiền từ 1tỷ đồng đến 3tỷ đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h và i khoản 2 Điều 195 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 6tỷ đồng;

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Mục 3, thì bị phạt tiền từ 6tỷ đồng đến 9 tỷ đồng;

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Mục 4, thì bị phạt tiền từ 9 tỷ đồng đến 15tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

LS. Hoàng Anh Sơn cũng lưu ý, ngoài hình phạt chính đã nêu tại mục 1, mục 2, mục 3, mục 4 nêu trên, cá nhân phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (theo khoản 5 Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015).

Nếu qua quá trình điều tra không đủ dấu hiệu hình sự mà xác định có hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng của giống cây trồng thì tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với giá trị số lượng của hàng thật mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Từ 2.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả là giống cây trồng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hàng giả là giống cây trồng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời bị tịch thu tang vật vi phạm, tịch thu phương tiện sử dụng để sản xuất hàng giả, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn tùy vào trường hợp vi phạm. Ngoài ra còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Cũng theo LS. Hoàng Anh Sơn, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức; Mức phạt tiền quy định trên là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem