Cung văn chạy sô mùa lễ hội

Thứ ba, ngày 05/03/2013 06:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng năm dịp đầu xuân năm mới khi khắp nơi khai hội, mở cửa đền, cửa phủ cũng là lúc các cung văn lại tất tả ngược xuôi chạy “sô” khắp nơi phục vụ nhu cầu cúng lễ của các con nhang, đệ tử.
Bình luận 0

Từ tín ngưỡng dân gian

Theo dân gian, đạo thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh có xuất xứ tại phủ Vân Cát (Phủ Dày, Vụ Bản, Nam Định) cách nay gần 600 năm. Khách thập phương nô nức tới đây dâng lễ cầu lộc, cầu tài, cầu tự… vào đầu xuân năm mới. Từ tín ngưỡng đó đã hình thành nên cung cách thờ tự Tam tòa Thánh mẫu, Tứ phủ (Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Quan Hoàng, Tứ phủ Thánh Cô, Tứ phủ Thánh Cậu).

Cúng dâng Tam phủ chủ yếu xin di cung hoán số, trừ bệnh tật; cúng dâng Tứ phủ chủ yếu là về cầu an số mệnh, cầu tài lộc… Và cũng từ đây nảy sinh một phong cách hát phục vụ chầu lễ, dân gian quen gọi là hát chầu văn phục vụ Tiên Cung, Tiên Thánh tại các đền, phủ dịp lễ hội hoặc phục vụ cúng lễ tại gia đình.

img
Một ban nhạc hát văn đang phục vụ lễ tại đền Ngọc Giang (Nam Trực, Nam Định) tối 14 tháng Giêng vừa qua.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương- một cung văn nổi tiếng tại thôn Liên Tỉnh, huyện Nam Trực, xuất phát từ đạo thờ Mẫu ban đầu có đạo tràng (thầy cúng) và hát chầu văn, nay gọi là hát hầu văn hay hát cung văn, mang lời ca ý đẹp ca ngợi một vị thánh quan nào đó, cho tới giờ hát văn duy trì được 13 lối hát khác nhau, chủ yếu là hát dọc Nam, hát Cờn (Cờn luyện, Cờn Huế, Cờn xuân), hát Phú (Phú nói, Phú trầu, Phú xuân)...

Một canh hát văn hầu Tứ phủ được phân làm nhiều phần khác nhau. Ban đầu là hát khai đàn mở phủ để đệ tử hầu Thánh còn gọi là Hầu chứng (chứng tâm cho đệ tử được làm con Tứ phủ), canh này thường phải hát khoảng 2 tiếng rưỡi, tiếp đó là đồng con hầu các giá đồng, hầu cầu lộc, cầu tài, cầu tự… Trong buổi hầu đồng, ngoài ông đồng (hoặc bà đồng) chủ lễ thì có ít nhất 4 người phục vụ (tứ trụ hầu dâng) và cung văn, đạo tràng. Khi thấy bà đồng thay khăn áo hầu bóng vị Thánh nào thì cung văn cũng hát chầu vị đó. Thường thì cung văn hát thỉnh trước, bà đồng tung khăn nhập đồng, cung văn sẽ hát ca ngợi công lao vị đó theo làn điệu và ca từ riêng viết cho từng bài ca ngợi mỗi vị...

Chạy “sô” như ca sĩ thị trường

Theo anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Phúc Đức, Nam Trực- một người chuyên lái xe chở hàng chục chuyến đưa mọi người đi lễ tại các phủ, đền khắp miền Bắc, miền Trung trong một năm, có đoàn đi đông, có đoàn ít nhưng luôn có một ông đồng hoặc bà đồng đứng ra làm chủ dẫn đoàn đi lễ, ngoài ra bắt buộc phải có đạo tràng, cung văn. “Ông đồng, bà cốt xong một khóa lễ có thể nghỉ ngơi dài, chứ cánh cung văn chạy “sô” như ca sĩ đắt khách. Có tuần tôi đưa 3 đám khách đi lễ ở 3 nơi khác nhau mà đám nào cũng thấy chỉ một đội cung văn đi cùng”- anh Hải cho biết.

Về đạo thờ Thánh Mẫu, hầu như tháng nào trong năm cũng có giỗ kỵ hay mở hội tại các đền, phủ chủ yếu tại miền Bắc và miền Trung. Tháng Giêng âm lịch mở hội khai xuân, tháng Hai tiệc cô Chín tại đền Sòng (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), tháng Ba giỗ kỵ Thánh Mẫu tại Phủ Dày (Nam Định), rồi tới các tháng tiếp theo kỵ Quan lớn Tuần Chanh, kỵ quan lớn đệ Tam, kỵ Cô Bơ, tháng 7 kỵ ông Bảy (Bảo Hà, Lào Cai), tiếp theo nữa là kỵ Vua cha, tiệc Công đồng Bắc Nghệ, tháng 10 kỵ ông Hoàng Mười (Nghệ An)… Khoảng gần chục năm về đây các địa phương phụng thờ chúa Nguyệt Hồ (Yên Thế, Bắc Giang), chúa Thác Bờ (Hòa Bình) hay chúa Ngũ Phương (Hải Phòng). Xuất phát từ sự thờ phụng đa dạng như vậy nên các ban hát cung văn cũng nay đây mai đó, tất bật quanh năm không hết việc.

“Hiện toàn tỉnh Nam Định có trên 100 đội hát văn, chúng tôi vừa thành lập CLB Hát văn với trên 80 hội viên nhằm trao đổi, duy trì các lối hát truyền thống. Tại TP.Nam Định có các thầy Thoại, thầy Y, thầy Hiền; tại Phủ Dày có các anh Năm, anh Văn là các bậc danh tiếng trong làng hát văn”.

“Con giàu một bó, con khó một nén, lễ tại gia thì tùy tâm, chứ lễ Tam phủ hay Tứ phủ phải tuân thủ chặt chẽ nghi lễ. Lễ tứ phủ phải đầy đủ kim ngân vàng mã, lễ mặn, lễ chay, thanh bông hoa quả. Tính sơ sơ cho một lần mở phủ hiện tại cũng tốn khoảng 50 triệu đồng, còn có thể hơn gấp nhiều lần tùy tâm và điều kiện kinh tế của đệ tử. Có các đại gia mở phủ dâng lễ tới cả tỷ đồng đâu phải hiếm, họ quan niệm do căn số của họ nên họ tự nguyện dâng thôi” – cung văn Nguyễn Xuân Dương nói.

Cũng theo anh Dương, ngoài giọng hát hay, tay đàn ngọt, nhịp phách chuẩn thì cung văn phải hiểu được lịch sử của việc thờ cúng Tiên, Thánh để khi hát không bị… thất thố. Là người có gần chục năm trong nghề, tự học hỏi, tìm tòi các làn điệu chầu văn trong dân gian, đã dạy cho 40 đệ tử do vậy anh rất có uy tín nên lịch đi hát cả năm nay của anh đã kín. “Mỗi canh ở quê thì thù lao khoảng 2 triệu đồng, hoặc ít hơn, đi tỉnh xa thì cũng 5-7 triệu, tóm lại là tùy tâm của gia chủ chứ cung văn không nên quan tâm đến thù lao, bởi theo được nghiệp này thì mình thành tâm với Tiên, Thánh là chính, duy trì văn hóa dân gian thôi. Lúc nhiều người gọi quá thì lại phải nhờ anh em đi phục vụ giúp”- anh Dương tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem