Cuộc chia tay trong đêm Hà Nội rực lửa và lời hẹn trở về của chàng trai phố cổ
Cuộc chia tay trong đêm Hà Nội rực lửa và lời hẹn trở về của chàng trai phố cổ
Tất Định - Nguyễn Hòa
Thứ năm, ngày 10/10/2024 15:58 PM (GMT+7)
Đêm đạn pháo đỏ lòe chớp lửa, chàng trai Bùi Gia Tuệ, 16 tuổi, cầm viên phấn trắng viết trên bức tường phố Hàng Bè, Hà Nội lời nhắn chung của chiến sĩ tự vệ: "Hẹn nhân dân sẽ có ngày trở về Hà Nội".
Những ngày đầu tháng 10, ngôi nhà của cựu chiến binh - đại tá Bùi Gia Tuệ, 93 tuổi và bà Bạch Thị Hoàng Oanh, ở phố Chùa Láng, Hà Nội hầu như lúc nào cũng có khách tới thăm.
Mỗi đoàn khách đến, bà Oanh lại chậm rãi pha một ấm trà mới, thay đĩa cốm khác, đĩa dưa xắt đều tắp. "Ông là lính cụ Hồ, dễ tính, dễ nuôi nhưng vẫn giữ nếp cũ, tiếp khách phải đầy đủ, trân trọng. Phải không anh?", bà Oanh mỉm cười nhìn sang ông Tuệ. 60 năm chung sống, ông bà lúc nào cũng xưng hô: "anh – em".
Trải qua hai cuộc chiến gian khó, bom đạn trận mạc, tuổi tác cùng những vết thương chiến đấu dường như không làm mất đi dáng vẻ điềm tĩnh, lịch thiệp của chàng trai gốc phố cổ Hà Nội.
"Hà Nội và chúng tôi là một"
Cậu bé Bùi Gia Tuệ sinh ra trong gia đình trung lưu, dòng họ đã trải qua 8 đời ở phố Hàng Bè. Từ nhỏ, ông Tuệ được học trường của Pháp, nói tiếng Pháp thông thạo. Chứng kiến cảnh lính Pháp đánh đập những người dân trên phố, áp bức đồng bào, trong đầu cậu bé sớm đã nung nấu ý định đấu tranh.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", năm ấy ông Tuệ 15 tuổi, bỏ học cùng bạn bè tham gia tổ tự vệ khu phố Hàng Bè, nhận nhiệm vụ trinh sát, liên lạc. Chiến sĩ tự vệ đào hào, người dân đem bàn ghế, giường tủ, hòm gỗ thậm chí cả cây đàn piano…bất cứ đồ vật nào có thể tận dụng làm chiến lũy, công sự cản bước quân Pháp.
"Không ai tiếc một thứ gì, kể cả tính mạng. Tôi xung phong vào đội cảm tử, bị loại vì tuổi nhỏ. Anh trai tôi đang là sinh viên y khoa, tham gia cứu chữa thương binh. Chúng tôi muốn chiến đấu bảo vệ mảnh đất này, nơi chúng tôi đang sinh sống, có ông bà, bố mẹ, em gái, họ hàng. Hà Nội và chúng tôi là một.", ông Bùi Gia Tuệ nhớ lại.
20h03, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, cả thành phố tắt điện, hiệu lệnh chiến đấu toàn thành. Quân dân Hà Nội đồng loạt tiến công 21 vị trí quân Pháp đóng quân, đạn pháo đỏ lòe bay khắp trời.
Trên toàn thành phố, các cuộc tập kích địch liên tiếp nổ ra, ngăn chặn bước tiến của địch. Mỗi căn nhà, góc phố, mỗi xóm làng nội, ngoại thành Hà Nội là một pháo đài.
60 ngày đêm chiến đấu, với hơn 100 trận đánh trong nội thành, các chiến sĩ "cảm tử quân" ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng, thiết giáp, gây nên nỗi kinh hoàng cho quân Pháp.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, Trung đoàn Thủ Đô rút khỏi thành phố, anh trai của Tuệ lên Chiến khu làm bác sĩ quân y. Ông Tuệ lúc đó chưa đủ tuổi nhập ngũ, theo mẹ cùng em gái di tản về Thanh Hóa.
Đêm tháng 2 năm 1947, chàng trai Bùi Gia Tuệ rời Hà Nội, mảnh đất quê hương, với kỷ niệm tuổi thơ, với những người thân yêu. "Hẹn nhân dân sẽ có ngày trở về Hà Nội", người thanh niên ấy cùng anh em tự vệ quân dùng phấn trắng viết trên bức tường rêu phong phố Hàng Bè.
"Ngày đó chúng tôi là những cậu trai trẻ thành phố, vừa rời ghế nhà trường, vẫn còn bay bổng, lãng mạn. Chưa ai hình dung hết chặng đường chiến đấu 9 năm gian khổ, mất mát nhiều đến thế, ra đi mấy ai giữ được lời hẹn trở về", ông Tuệ nói.
9 năm giữ lời hẹn
Giữa năm 1948, ông Bùi Gia Tuệ lên thăm người anh trai làm bác sĩ trên chiến khu và ở lại xin gia nhập quân ngũ. Ngày thành lập Đại đoàn 308 là 28/8/1949, cũng chính là ngày ông được kết nạp Đảng.
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi mới 23 tuổi, ông Bùi Gia Tuệ giữ chức vụ Trung đội trưởng, trợ lý quân khí Đại đoàn 308, trực tiếp chuyển đạn tiếp tế cho pháo binh.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Đại đoàn 308 được tiến về xuôi cùng đơn vị khác.
Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn... Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó".
"Trở về Hà Nội – Nghe Bác dặn dò đến chúng tôi sung sướng vô cùng. Từ hôm đó, đêm nào tôi cũng mơ về hình ảnh những con phố thân quen, mơ đứng bên Bờ Hồ, gặp lại người thân. Chừng ấy năm, khung cảnh đã thay đổi thế nào, người thân, bạn bè, bà con khu phố ra sao", ông Tuệ chia sẻ.
Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội, phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ để ra, phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.
Ngày tiếp quản Thủ đô, ông Bùi Gia Tuệ ngồi trên xe thứ 3, đi sau hai xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng; đi từ Hà Đông, vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ….
"Đó có lẽ là khoảnh khắc tuyệt vời nhất cuộc đời binh nghiệp. Đoàn xe tiến chậm, chạm cửa ngõ thủ đô, tôi bồi hồi ngắm nhìn từng ngôi nhà, từng khuôn mặt. Hàng vạn người cầm cờ hoa đứng hai bên đường vẫy chào, ai cũng gần gũi thân thương.
Ngang qua Bờ Hồ, tôi nhìn thấy cả anh em họ hàng, bà con khu phố vẫy tay chào đón", ông Tuệ chia sẻ.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy nước Yên Phụ trong khoảng hơn 1 tháng. Đâylà địa điểm quan trọng, được phải canh gác nghiêm ngặt, bảo vệ nguồn nước sống cho người dân Thủ đô.
Bốn tháng sau, gia đình ông Tuệ từ khu tản cư ở Thanh Hóa ra Hà Nội, ông gặp lại mẹ và em gái. Ông được tiếp tục đi học hết cấp 3 ở Lạng Sơn. Nhà nước lại tiếp tục cho ông đi học tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân).
Ông Tuệ về Cục Quân giới (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) công tác. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cùng đồng đội đã ngày đêm bí mật tiếp đạn cho tàu không số để đưa vào Nam. Hòa bình lập lại, ông Bùi Gia Tuệ giữ chức Trưởng phòng Pháp chế, Bộ Quốc Phòng cho đến lúc nghỉ hưu.
Trải qua hai cuộc chiến, cơ thể ông mang nhiều vết thương, được chứng nhận thương binh nhưng ông nhất quyết trả lại, không nhận chế độ trợ cấp. "Nhiều đồng đội của tôi ở vùng quê còn khó khăn hơn. Tôi được trở về, sống đến tuổi này, chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội, đất nước. Tôi thấy quá may mắn rồi. Mong sao các thế hệ sẽ nối tiếp truyền thống xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển", cựu chiến binh Bùi Gia Tuệ gửi gắm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.