Nữ chính phim Đào, phở và piano: "Tôi không cố gồng mình để trở thành người Hà Nội gốc"
Nữ chính phim Đào, phở và piano: "Tôi không cố gồng mình để trở thành người Hà Nội gốc"
Hà Thúy Phương
Thứ năm, ngày 10/10/2024 10:43 AM (GMT+7)
Nữ diễn viên Cao Thùy Linh đảm nhận vai Thục Hương trong phim "Đào, phở và piano" chia sẻ với Dân Việt về những áp lực khi vào vai thiếu nữ Hà Nội gốc.
Khi bắt đầu đi casting Đào, phở và piano, Thùy Linh có biết mình sẽ đóng một bộ phim về Hà Nội?
- Khi bắt đầu đi casting tôi không biết là mình sẽ đóng một bộ phim về Hà Nội. Lúc đó, anh Lượng bên quản lý diễn viên có gọi cho tôi và chỉ nói là đến việc chọn diễn viên cho một bộ phim điện ảnh.
Đến nơi thử vai diễn thì mọi người có đưa tôi một đoạn ngắn trong phim và giải thích cho tôi hoàn cảnh, bối cảnh lúc đó để tôi nắm được diễn biến tâm lý của nhân vật. Lúc đó, tôi mới biết là mình sẽ vào vai một cô gái tiểu thư Hà thành.
Theo bạn quan sát, đạo diễn có yêu cầu gì khi tìm diễn viên đóng người Hà Nội. Bạn có nghĩ vẻ ngoại hình của mình có "chất" Hà Nội nên được chọn cho vai diễn trong phim Đào, phở và piano?
- Tôi rất tin vào tâm linh và tôi nghĩ những người mình cần gặp thì chắc chắn sẽ phải gặp. Cho nên, tôi thường hay trêu đạo diễn Phi Tiến Sơn là tôi và chú có duyên từ kiếp trước. Kiếp trước chú Sơn làm gì có lỗi với tôi nên kiếp này chú phải bù đắp cho tôi (cười).
Còn vấn đề về ngoại hình có "chất" Hà Nội nên mới được chọn thì tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì ê-kíp cũng thử lựa chọn rất nhiều thí sinh không chỉ có nét mặt của người Hà Nội xưa mà còn có rất nhiều kinh nghiệm diễn xuất nữa.
Tại sao Cao Thùy Linh lại chọn phong cách cổ điển cho mình như hiện tại? Bạn không thích nhuộm tóc, để tóc ngắn hay có vẻ ngoài cá tính?
- Có thể nói, từ trước tới giờ tôi không thích và gần như chưa bao giờ nghĩ tới việc nhuộm tóc, hay sử dụng những hóa chất lên tóc. Còn khi bắt đầu vào bộ phim mới nào đó cần sự cá tính, đổi mới thì tôi sẵn sàng đổi mới bản thân.
Không phải là người Hà Nội vậy khi được đóng người Hà Nội, đạo diễn yêu cầu bạn điều gì không?
- Bản thân tôi không phải là người Hà Nội gốc nên để hiểu rõ nhân vật hơn ban đầu tôi cũng phải lên mạng tìm hiểu xem cách ăn nói của người Hà Nội như thế nào? Đi đứng ra làm sao? Cùng với đó tôi cũng hỏi chú đạo diễn rằng, người Hà Nội gốc sẽ có những đặc điểm gì để tôi có thể học hỏi và thể hiện nhân vật tốt nhất có thể.
Nhưng câu trả lời của chú là: "Con cứ như bình thường thôi". Chú không yêu cầu hay bắt tôi làm điều gì cả.
Được biết, lúc đóng phim bạn nói ngọng âm "L, N". Làm thế nào bạn vượt qua được đặc điểm này. Hiện bạn còn nói bị ngọng không?
- Trước đó, tôi là một người nói ngọng "L,N" rất là nặng. Không chỉ là nói ngọng "L, N" mà tôi còn bị từ ngữ địa phương rất với các từ có âm "E, Ê". Biết được bản thân mình có những điểm thiếu sót nên bản thân cũng có xem những video trên mạng để trau dồi thêm.
Nhưng bởi vì không có người có thể chỉ ra những lỗi sai cho mình nên mình không biết là đã nói đúng hay là chưa nên tình trạng ngọng cũng như phát âm tiếng địa phương vẫn còn. Và rất may, tôi được chọn làm diễn viên chính trong bộ phim Đào, phở và piano, bởi vậy tôi mới có cơ hội được học tập làm việc với các cô chú, anh chị diễn viên gạo cội.
Đặc biệt là cô giáo Cao Nguyệt Hằng, cô là người đã dạy tôi phát âm làm sao cho đúng, sửa lại các từ bị nặng tiếng địa phương và cũng là người dạy tôi cách diễn cũng như đi đứng, cử chỉ như thế nào cho đúng chuẩn là người Hà Nội. Cho đến bây giờ, giọng nói của tôi đã thay đổi rất nhiều, không còn ngọng như trước nữa.
Trong những cảnh phim, bạn ấn tượng với bối cảnh nào nhất? Cảnh đó mang lại cảm xúc gì cho bạn?
- Thật ra đối với tôi cảnh nào cũng để lại cho mình những ấn tượng riêng, cái gì lần đầu thì thường in hằn trong tâm trí. Như tôi cũng hay trả lời câu này, cảnh quay ấn tượng nhất là những cảnh quay đầu tiên của bộ phim đóng với chú Trần Lực. Lần đầu tiên đứng trước ống kính có rất nhiều người đứng xem tôi diễn, tôi rất sợ. Bản thân tôi cũng rất dễ bị tâm lý, suy nghĩ nhiều, tự tạo áp lực cho mình nên cảnh quay đầu không được suôn sẻ
Đạo diễn Phi Tiến Sơn là một người sinh ra ở Hà Nội. Bạn cảm thấy ông có đặc điểm tính cách nào nổi bật?
- Đầu tiên tôi cảm thấy bản thân mình là một người vô cùng may mắn khi gặp được một chú đạo diễn "siêu" tốt. Chú hay quan sát và để ý tôi rất kỹ. Khi bắt đầu bấm máy, mặt tôi nổi rất nhiều mụn, tôi mua thuốc và tìm cách chữa nhưng cảm thấy nó còn lan nhiều hơn nữa.
Chú có tìm hiểu và mua cho tôi một hộp viên uống atiso. Chú "siêu" tâm lý. Tôi thấy rằng không chỉ riêng chú mà các anh chị, cô chú trong đoàn ai cũng yêu thương quan tâm đến tôi. Đôi khi, nhỏ tuổi nhất ê-kíp cũng là một trong những lý do tôi được các anh chị chiều, mua đồ ăn vặt cho.
Không phải là người Hà Nội gốc, bạn đã phải làm gì để toát lên được khí chất người Hà Nội của vai diễn trong phim?
- Để chuẩn bị bước vào giai đoạn bấm máy còn khoảng tầm hơn chục ngày thôi và tôi được chị Uyên trợ lý đạo diễn dạy đánh đàn piano. Với một người chưa đánh đàn bao giờ và chỉ học vỏn vẹn trong tầm 10 ngày nên tôi chỉ học đoạn đầu, một ít của đoạn giữa và đoạn cuối.
Bởi vì tất cả các anh chị trong đoàn ai cũng đặt niềm tin cho tôi và lúc nào cũng nghĩ là tôi sẽ làm được nên mình cũng vô cùng áp lực. Ngày nào tôi cũng đến tập với chị Uyên. Khi ra set quay tôi có đánh lại những gì mà chị Uyên dạy, ai cũng bất ngờ về khả năng học đàn của tôi.
Nếu không có chị Uyên chắc tôi không làm được. Chị luôn là người đồng hành cùng tôi, dạy bảo giúp đỡ tôi rất nhiều. Về tính cách, tôi cũng không cố gắng gồng mình để trở thành người Hà Nội gốc. Tôi nghĩ mình và cô nhân vật trong phim cũng có vài điểm tương đồng. Chắc là đều dịu dàng như nhau.
Cảnh cô gái ôm bom ba càng, theo bạn có phải là cảnh thể hiện khí chất Hà Nội đậm nét nhất: sự quyết liệt, quyết tử, không cần suy nghĩ hay nói nhiều?
- Đối với tôi đây chắc có lẽ là cảnh quay mà để lại rất nhiều cảm xúc khó tả. Đây cũng là cảnh hành động duy nhất đối với nhân vật Thục Hương. Ban đầu, cô ấy không muốn liên quan tới chiến tranh, muốn cùng người yêu của mình đến nơi không có bom đạn để có thể đàn hát cho nhau nghe.
Từng câu nói của nhân vật sẽ cho mọi người cảm giác cô rất sợ chết. Nhưng khi thấy người chồng của mình cũng như đồng bào lần lượt ngã xuống, cô ấy đã có quyết định hành động cuối phim. Tôi nghĩ rằng không chỉ người Hà Nội mà mọi người dân trên toàn quốc khi thấy Tổ quốc lâm nguy sẽ cùng nhau đứng lên "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Cảm ơn Cao Thùy Linh đã chia sẻ thông tin!
Đào, phở và piano là dự án được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt hàng. Phim do NSƯT Phi Tiến Sơn làm đạo diễn, tái hiện lại không khí trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 trong trận chiến bảo vệ Hà Nội. Bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã gây sốt, "cháy vé" tại Trung tâm chiếu phim quốc gia đầu năm 2024.
Cao Thùy Linh (sinh năm 2003) quê Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội. Cô từng học Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nhưng sau đó không hợp nên đã chuyển sang chuyên ngành Digital Marketing tại Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội.
Trong phim Đào, phở và piano, Thùy Linh vào vai một nàng tiểu thư tên Thục Hương. Thục Hương có mối tình lãng mạn thời chiến với anh lính tự vệ tên Dân (Doãn Quốc Đam). Cả hai thất lạc nhau trong cuộc chiến. Khi tìm được nhau, họ chỉ còn chưa đầy nửa ngày để làm đám cưới...
Đây là vai diễn đánh dấu lần đầu cô thử sức với điện ảnh. Ngoài đời, Cao Thùy Linh khá kín tiếng trên mạng xã hội, cô hiếm khi đăng tải hình ảnh cá nhân ở chế độ công khai. Nữ sinh có nét đẹp thanh lịch, trong sáng và đôi mắt thoáng buồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.