Cuộc chiến 6 ngày năm 1967 đã thay đổi hoàn toàn Israel như thế nào?
Cuộc chiến 6 ngày năm 1967 đã thay đổi hoàn toàn Israel như thế nào?
Chủ nhật, ngày 27/10/2024 10:32 AM (GMT+7)
Đã hơn 57 năm trôi qua kể từ khi nổ ra "Cuộc chiến 6 ngày" vào năm 1967. Cuộc chiến này được coi một bước ngoặt trong toàn bộ lịch sử xung đột Arab - Israel và giúp định hình quốc gia Do Thái từ đó đến nay.
Cuộc chiến 1967 đã thay đổi trọng tâm chính của cuộc xung đột trên, từ sự phản đối của thế giới Arab đối với sự tồn tại của Israel sang nỗ lực giành lại lãnh thổ của họ bị mất vào năm 1967.
Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Israel từ năm 1948-1949, không có nhà nước Arab nào mất lãnh thổ ngoại trừ trường hợp Palestine (do không nhất trí với phương án phân chia của Liên Hợp Quốc vào năm 1947). Ai Cập, Jordan và Syria mất đáng kể lãnh thổ sau cuộc chiến 1967, cụ thể là Bán đảo Sinai, Bờ Tây và Cao nguyên Golan tương ứng với các nước đó. Các nước này từ đó bắt đầu quá trình dài lâu chuyển đổi xung đột từ dạng liên quan đến sự tồn tại của nhà nước Israel sang tranh chấp liên quan đến lãnh thổ.
Cuộc chiến chuyển đổi nhận thức của cả Israel và thế giới Arab
Chiến thắng áp đảo của Israel năm 1967 đã buộc thế giới Arab phải bắt đầu tiến tới chấp nhận thực tế về sự tồn tại của Israel, dù họ không công nhận tính hợp pháp của Israel. Cho đến năm 1967, đa phần thế giới Arab tin rằng sự tồn tại của Israel là một lệch lạc của lịch sử và họ có thể “nắn chỉnh” điều này bằng việc phá hủy Israel trên chiến trường. Các thất bại của Arab trước năm 1967 thường được lý giải bằng các thuyết âm mưu khác nhau. Nhưng thất bại năm 1967 quá lớn đến mức không thể biện minh bằng một cách giải thích giảm nhẹ nào đó. Việc công nhận thắng lợi của Israel bắt đầu tạo dựng dần hình ảnh Israel như hiện nay. Quá trình này vẫn tiếp diễn trong thế giới Arab.
Cuộc chiến tranh 1967 kết thúc với việc Israel kiểm soát được lãnh thổ quan trọng về mặt chiến lược, lần đầu tiên bao gồm “các biên giới có thể bảo vệ được”. Sinai trở thành vùng đệm rộng lớn với Ai Cập; Bờ Tây tăng thêm hơn 30 dặm vào “vùng eo nhỏ hẹp” vốn chỉ rộng 8,7 dặm của Israel, và Cao nguyên Golan đẩy vùng phía Bắc của Israel xa ra tầm với của Syria. Các vùng biên mới này giúp Israel hấp thụ được cuộc tấn công bất ngờ vào năm 1973 mà không phải đánh phủ đầu.
"Cuộc chiến 6 ngày" đã chuyển đổi nhận thức của Israel về an ninh và về toàn thể dân tộc Do Thái. Việc diệt chủng 6 triệu người Do Thái vào 2 thập kỷ trước đó sau 2 thiên niên kỷ phiêu bạt, bị truy sát và hứng chịu nhiều phân biệt đối xử, vẫn còn in hằn trong ký ức của cộng đồng Do Thái, với nỗi sợ thường trực về cuộc thảm sát Holocaust thứ 2.
Lúc đó, quốc gia Israel mới 19 tuổi và chưa hoàn toàn tin rằng mình đã sống sót qua các cuộc chiến trước đó và giành được độc lập. Các giáo sĩ Do Thái ở Israel tụ tập ở công viên và các nơi công cộng khác như nghĩa trang để chuẩn bị đón nhận những người tử vong và bị thương hàng loạt. Người Do Thái trên toàn thế giới cầu nguyện cho Israel sống còn.
Những gì xảy ra ngay sau cuộc chiến 1967 đã đập tan hy vọng về việc “đổi đất lấy hòa bình” có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột. Liên đoàn Arab tại hội nghị thượng đỉnh thường niên tổ chức ở Khartoum chỉ 3 tháng sau cuộc chiến, đã ra tuyên bố nổi tiếng “Ba Không của Khartoum”, đó là Không công nhận Israel, Không đàm phán và Không hòa bình. Israel chuẩn bị cho tình trạng chiếm đóng kéo dài và quan điểm của tất cả các bên đều trở nên cứng rắn.
Israel sau đó lại trải một cuộc chiến tranh lớn nữa vào năm 1973 và vẫn trụ vững. Nhưng chính "Cuộc chiến 6 ngày" năm 1967 đã đặt nền tảng ban đầu cho hòa bình trong tương lai giữa Israel và Ai Cập, vào năm 1979.
Hòa bình với Ai Cập – quốc gia hùng mạnh nhất trong thế giới Arab, đã chuyển đổi hoàn cảnh chiến lược của Israel. Thiếu Ai Cập, phe Arab không còn sự lựa chọn quân sự chính quy nào nữa chống lại Israel. Không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi Ai Cập và Israel thiết lập quan hệ hòa bình, không còn cuộc chiến lớn nào nữa giữa Israel với các nước Arab.
Công thức “đổi đất lấy hòa bình” cuối cùng chỉ thành công với Ai Cập. Syria không sẵn lòng ký một hòa ước bất chấp việc Israel sẵn sàng rút quân khỏi Cao nguyên Golan vào năm 2000. Còn người Palestine thì bác bỏ cả 3 đề xuất hòa bình mà theo đó sẽ trao cho Palestine một nhà nước độc lập trên toàn bộ Bờ Tây và dải Gaza (2 đề xuất vào năm 2001 và một đề xuất vào năm 2008). Do đó lại xuất hiện trở lại câu hỏi: Liệu xung đột với Israel đã trở thành vấn đề về lãnh thổ hay tiếp tục là về sự tồn tại của nhà nước Israel.
Xúc tác cho quan hệ Mỹ - Israel khăng khít
Cuộc chiến 1967 cũng tác động mạnh lên quan hệ giữa Mỹ và Israel, tạo tiền đề cho sự xuất hiện “quan hệ đặc biệt” giữa 2 nước trong giai đoạn sau đó. Trước năm 1967, quan hệ Mỹ-Israel rất hạn chế. Mỹ từ lâu coi Israel như một quốc gia nhỏ yếu. Mỹ sợ rằng Israel có thể trở thành một gánh nặng tinh thần và chiến lược của mình. Với việc thế giới Arab chiếm ưu thế về số lượng và dầu mỏ, Israel được xem như một gánh nặng mà Mỹ rất sợ phải ôm vào, đặc biệt là trong giai đoạn đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Sau năm 1967, Mỹ nhận ra rằng Israel đã trở thành quốc gia có đủ năng lực quân sự. Mối quan hệ quân sự giữa 2 bên bắt đầu mở rộng. Năm 1973 là một bước ngoặt thực sự cho quan hệ giữa 2 nước. Quan hệ chiến lược, được thể chế hóa giữa 2 nước hiện nay thực sự mới bắt đầu phát triển từ thập niên 1980 và thập niên 1990.
Cuộc chiến tranh 1967 đã củng cố niềm tin cơ bản của Israel vào các nguyên tắc tự lực cánh sinh và tự chủ chiến lược. Liên Xô cắt đứt các quan hệ; Pháp – đồng minh chiến lược của Israel đã bỏ rơi Israel một thời gian ngắn sau đó; và Mỹ tuyên bố quan điểm trung lập.
Vấn đề Bờ Tây và phong trào định cư
Thất bại trong cuộc chiến 1967 đã làm suy yếu các chế độ trong thế giới Arab, đặc biệt là Ai Cập, khiến nước này không chi phối được nhiều đối với phong trào dân tộc Palestine. Năm 1968, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra đời. Năm 1974, Liên đoàn Arab công nhận PLO là “đại diện duy nhất hợp pháp của nhân dân Palestine”, chấm dứt việc Ai Cập và Jordan làm đại diện cho người Palestine. Và do vậy việc chiếm đóng Bờ Tây đã đưa vấn đề Palestine vào chính tay Israel. Từ trước đó cho đến năm 1967, Ai Cập quản lý Gaza còn Jordan kiểm soát Bờ Tây.
"Cuộc chiến 6 ngày" bắt đầu quá trình chia rẽ và giậm chân về chính trị trong Israel liên quan đến tương lai của Bờ Tây. Tình trạng này trở nên sâu sắc hơn sau vài thập kỷ. Chưa đầy 2 tuần sau cuộc chiến tranh này, Israel đề nghị rút quân khỏi Sinai và Golan để đổi lấy các bảo đảm về hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, chính quyền Israel lặng thinh về vấn đề Bờ Tây. Đối với nhiều người Do Thái, việc lần đầu tiên trong 2.000 năm, họ kiểm soát lại được đất đai của vương quốc Israel cổ xưa là sự hiện thực hóa lời của nhà tiên tri…
Quá trình định cư ban đầu sau cuộc chiến 1967 chủ yếu là để phòng thủ, bảo đảm sự kiểm soát của Israel đối với các lãnh thổ quan trọng ngay bên ngoài biên giới tồn tại trước đó. Trong bối cảnh Liên đoàn Arab thực hiện “Ba Không” và cơn sốt tôn giáo ở Israel lấy cảm hứng từ việc kiểm soát được Judea và Samaria, việc định cư có thêm xung lực mới. Sau nhiều thập kỷ, phong trào định cư Do Thái lan rộng ra toàn khu vực và trở thành một lực lượng chính trị hùng mạnh ở Israel, có khả năng áp đặt ý chí lên công chúng…
Với việc người Do Thái định cư ở Bờ Tây, Israel đã tự biến mình thành một quốc gia hai dân tộc. Có tới 40% dân số hợp lại của Israel và Bờ Tây là người Hồi giáo. Khi ấy, Israel khó có thể coi là một nhà nước Do Thái thuần túy.
Nhiều người tin rằng Israel hiện nay đang đối mặt với một sự lựa chọn nhị nguyên: Quốc gia này hoặc trao cho người Palestine quyền bầu cử (mà theo đó, Israel sẽ mất tính chất Do Thái áp đảo), hoặc khước từ quyền này khiến hình ảnh dân chủ của Israel bị ảnh hưởng. Thế bế tắc đó có lẽ không thể kéo dài mãi.
55 năm sau cuộc chiến 6 ngày, Israel đã trở thành một quốc gia vững mạnh, thiết lập được quan hệ ngoại giao với nhiều nước, trong đó có 6 nước Arab và quan hệ không chính thức với nhiều nước khác. Israel cũng đã trở thành một trung tâm công nghệ cao và thế lực số hóa hàng đầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.