Cuộc chiến của vũ khí “khủng”

Chủ nhật, ngày 27/03/2011 06:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tên lửa hành trình Tomahawk, siêu máy bay tàng hình F-22, tàu sân bay huyền thoại Charles De Gaull... là những vũ khí “khủng” nhất thế giới hiện nay, được liên quân Anh - Mỹ - Pháp “ứng dụng” ở Libya.
Bình luận 0

Tên lửa “thần tốc”

Chiến dịch quân sự có tên Bình minh Odyssey của liên quân đã kéo dài suốt cả tuần qua và mỗi khi ngày mới đến, liên quân lại thông báo đưa thêm một loại vũ khí “siêu” hiện đại vào lãnh thổ Libya.

Trong những ngày tấn công vừa qua, Mỹ và Anh đã bắn 160 quả tên lửa Tomahawk từ 5 chiến hạm Mỹ, gồm hai khu trục hạm USS Stout, USS Barry và 3 tàu ngầm USS Providence, USS Scranton, USS Florida, cùng một tàu ngầm lớp Trafalgar của Anh.

img
Tàu chiến, tàu ngầm của liên quân trên vùng biển Libya.

Sau khi được bắn từ Địa Trung Hải, mất khoảng một giờ để các quả Tomahawk bay tới mục tiêu trên đất Libya. Loại tên lửa tầm xa nổi tiếng của Mỹ này mang đầu đạn thông thường nặng 450kg, dù thiết kế ban đầu của nó là mang đầu đạn hạt nhân.

Mỗi quả Tomahawk dài 6,25m, đường kính 0,52m và nặng 1.300kg. Tên lửa này bay với tốc độ 880 km/giờ, đạt tầm bay khoảng 1.600km. Chi phí cho mỗi quả tên lửa Tomahawk cũng ở mức “trên trời” với giá dao động từ 1 - 1,5 triệu USD.

Loại thứ hai được liên quân sử dụng là hỏa tiễn hành trình mang tên Storm Shadow, trang bị trên những chiến đấu cơ cường kích mặt đất Tornado GR4 của không quân Anh. Storm Shadow do Tập đoàn MBDA của châu Âu chế tạo chuyên gắn trên máy bay, nặng hơn 1 tấn, dài 5m và có thể bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách phóng 250km.

Tàu sân bay huyền thoại

Anh, Pháp, Mỹ gần như đã huy động những loại tàu chiến, tàu ngầm tối tân nhất đến Libya để tham chiến lần này. Trong đó, Pháp đã điều cả tàu sân bay huyền thoại Charles De Gaulle, được hạ thủy vào tháng 5.1994, có chiều dài 262m, độ cao 75m, trọng lượng rẽ nước 41.000 tấn, tốc độ 28 hải lý/giờ.

Chiến hạm này chở một phi đội gồm 40 máy bay chiến đấu Rafale M, Super Etendard và 3 máy bay cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye. Quân số thủy thủ của tàu là 1.150, với 550 thuộc đội bay và 50 thuộc đội hỗ trợ bay.

Hộ tống tàu sân bay này có tàu khu trục nhỏ chống tàu ngầm Dupleix và tàu khu trục nhỏ Aconit, tàu tiếp nhiên liệu La Meuse. Pháp là nước thứ 2 trên thế giới, cùng Mỹ, có tàu sân bay nguyên tử.

Trong khi đó, Mỹ xứng đáng với tên gọi “anh cả về tàu chiến” đã mang 11 tàu hải quân tại Địa Trung Hải phục vụ cho chiến dịch tấn công Libya, gồm 3 chiếc tàu ngầm (USS Providence, USS Scranton và USS Florida), 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (USS Barry và USS Stout), 2 tàu tấn công đổ bộ (USS Kearsarge và USS Ponce) và tàu chỉ huy USS Mount Whitney.

Tướng Pierre St-Amand của Canada cho biết, 6 quốc gia trong khối NATO cam kết điều tổng cộng 16 tàu chiến, trong đó có 1 tàu chỉ huy của Italia, 10 tàu khu trục nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italia, Canada và Mỹ, 3 chiếc tàu ngầm từ Tây Ban Nha, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, riêng Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Hồi giáo duy nhất của NATO đóng góp tới 5 chiếc tàu chiến. Tổng thống Rumani tuyên bố nước này sẽ cử khinh hạm Regele Ferdinand (F-221) cùng với 205 binh sĩ hải quân trên tàu và 2 sĩ quan từ Bộ Tham mưu Hải quân tới Libya để thực hiện sứ mệnh trong vòng 30 ngày.

Biệt đội “chim sắt” tàng hình

Trong số máy bay liên quân huy động đánh Libya lần này nổi bật có 3 chiếc phi cơ ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit của Mỹ, mang theo khối lượng lớn bom thông minh. Mỗi chiếc máy bay này có trị giá hơn 1 tỷ USD và hiện Mỹ chỉ có vẻn vẹn 20 chiếc đang phục vụ trong quân đội.

img
B-2 Spirit có khả năng thâm nhập sâu vào khu vực có hệ thống phòng không dày đặc, được thiết kế mang cả vũ khí hạt nhân lẫn thông thường.

B-2 Spirit do Hãng Northrop Grumman chế tạo với khả năng thâm nhập sâu vào khu vực có hệ thống phòng không dày đặc, được thiết kế mang cả vũ khí hạt nhân lẫn thông thường. Chiếc máy bay ném bom hạng nặng B-2 thiết kế hình tam giác rất lạ mắt, có khả năng bay liên tục trong nhiều giờ. Những chiếc B-2 của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri đi không kích Libya và quay về trong hơn 30 giờ liên tục sau nhiều lần được tiếp dầu trên không.

Không quân Pháp sử dụng 8 chiếc phản lực cơ Dassault Rafale và 4 chiếc Mirage 2000 tham gia mở màn chiến dịch đánh Libya, gần khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Benghazi. Trong số này, Dassault Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm hai động cơ cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle, có thể vừa do thám vừa làm nhiệm vụ phòng không, tấn công cường kích mặt đất bằng tên lửa không đối không và không đối hạm. Loại máy bay này của Pháp tích hợp hệ thống điện tử tinh vi mang tên Spectra, có thể phát hiện và theo dõi 8 mục tiêu cùng lúc.

Không quân Anh thì sử dụng những chiếc Typhoon và Tornado gắn tên lửa hành trình Storm Shadow. Các chiến đấu cơ Anh bay tổng cộng 4.800km từ các căn cứ ở miền đông nước này đi đánh Libya và quay lại.

Những cỗ máy “nuốt tiền”

Zack Cooper - một nhà phân tích cấp cao ở Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách của Mỹ cho hay, chi phí ban đầu của liên quân cho việc loại bỏ hệ thống phòng không của Tổng thống Libya Gadhafi chắc chắn sẽ rơi vào khoảng 400-800 triệu USD. Trong khi đó, theo ông, chi phí cho việc tuần tra một khi vùng cấm bay đã được thiết lập sẽ còn “ngốn” khoảng 300-1.000 triệu USD/tuần. Hiện quân đội Mỹ chưa đưa ra con số chi tiêu chính thức cho chiến dịch tại Libya vì mới kéo dài chưa đầy một tuần.

img Nếu so sánh, chiến sự ở Libya do liên quân phát động hiện nay, thì cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan tốn kém hơn nhiều: 9 tỷ USD/tháng. img

Ông Cooper cho hay, các tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ và Anh bắn ra cho đến nay “ngốn” khoảng 200 triệu USD và từ đó họ tính toán cho giá của việc hạ bệ hệ thống phòng không của ông Gadhafi.

Ngoài ra, vụ rơi máy bay F-15 của Mỹ được xem là phí ngoài dự tính. Theo Cooper, Lầu Năm Góc chắc chắn sẽ không mua một chiếc F-15 khác để thay thế, bởi chiếc máy bay có giá khoảng từ 100-150 triệu USD.

Trong khi đó, nhà phân tích Francis Tusa cho hay các sứ mệnh bay của Anh cho đến nay đã “ngốn” khoảng 325.000 USD/máy bay, trong khi tên lửa ngốn thêm khoảng 1,3 triệu USD. Với việc Anh triển khai 10 chiến đấu cơ Typhoon để tuần tra vùng cấm bay, khả năng tiêu tốn của Anh là khoảng từ 3,25 - 5 triệu USD mỗi ngày.

Giới phân tích Pháp cũng cố gắng hạ thấp chi phí của chiến dịch, khi cho rằng cuộc can thiệp chắc chắn sẽ “ngốn” của Anh và Mỹ nhiều hơn, bởi họ dùng vũ khí đắt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem