Đó là kết luận của bài phóng sự điều tra của Tập đoàn truyền thông Fairfax.
Cảnh sát bài trừ ma túy Úc (Taskforce Natio) cũng đang điều tra nạn tham nhũng ở tất cả các hải cảng và sân bay quốc gia, điều đó cho thấy hải quan (HQ) “nhúng chàm” khá sâu nên cần phải xử lý nghiêm, đồng thời chỉ ra việc chính phủ Úc không có cơ chế giám sát hoạt động chống tiêu cực ở ngành này.
Chính phủ Úc thừa nhận cần thay đổi lớn về hoạt động của HQ. Bộ trưởng Nội vụ Jason Clare nói từ năm 2013, một ủy ban sẽ được lập để diệt tham nhũng trong lực lượng. Ông khẳng định phải mất thời gian đễ có một tổ chức không nhắm mắt làm ngơ trước những báo cáo “rụng rời”.
Em “quan” dính líu tối phạm
Hiện 8 người gồm một cán bộ HQ và một nhân viên kiểm dịch đã bị bắt. Cuộc điều tra kéo dài 6 tháng của Fairfax với kênh truyền hình ABC cho biết: 15 cán bộ HQ ở sân bay Sydney nhận hối lộ. Điều đáng chú ý là các cán bộ không dính líu tham nhũng, nhưng biết vài đồng nghiệp có thể dính líu bọn tội phạm hoặc trực tiếp tham gia trong hoặc sau giờ làm việc.
Ít nhất 4 cán bộ ở sân bay đã phải dự vụ xét xử một đồng nghiệp sử dụng ma túy, do họ không “méc” thủ trưởng của họ. Báo cáo nêu một tên tội phạm (bị bắt hồi tháng 8.2012 vì tội nhập lậu ma túy qua cửa khẩu sân bay và đút lót cán bộ) đã dự một tiệc Giáng sinh của HQ hồi năm 2011.
Cũng có thông tin Tổng cục trưởng HQ tạm quyền Michael Pezzullo đã yêu cầu tạm ngưng một phần cuộc điều tra tham nhũng ở sân bay Sydney, vì em trai ông là một nhân viên HQ đang “hợp tác” với nhiều đồng nghiệp “biến chất” ở sân bay này.
Khi được hỏi em ông có “chơi” với tội phạm, Pezzullo nói: “Các tiền nhiệm khuyên tôi rằng tôi nên loại khỏi các cuộc họp liên quan sự tham nhũng ở sân bay, vì tôi có người nhà làm ở đấy”. Nhân viên công ty dịch vụ hàng không Menzies (chuyên điều hành dây chuyền hành lý) ở sân bay Sydney cũng bị điều tra khả năng dính líu với các cán bộ tham nhũng. Tổng giám đốc Dirk Scott của công ty này nói không hề biết cuộc điều tra.
Một số cán bộ HQ ở các hải cảng cũng bị nghi tạo dễ dàng cho sự nhập lậu thuốc lá và ma túy vào Úc. Báo cáo của tổ đặc nhiệm liên ngành Polaris (cảnh sát New South Wales (NSW) với Taskforce Natio) khẳng định tổ HQ ở cảng Botany bị “tội phạm xâm nhập”.
|
Hải quan sân bay Sydney |
Một cán bộ bị nghi giúp bọn này đã được cấp quyền tiếp cận tài liệu tuyệt mật, dù hai em trai của ông ta bị cảnh sát NSW nhận diện là buôn lậu ma túy, hàng chục trang tài liệu HQ “nhạy cảm” đã bị xì cho băng buôn lậu ma túy - thuốc lá của tên Mohamad Jomaa, kẻ khoe khoang hắn “quen” nhiều người trong lực lượng này. Cán bộ trên là một trong ít nhất 2 “người quen” của Jomaa và hai tên buôn lậu thuốc lá đang phải hầu tòa vì tội đút lót một cán bộ khác. Pezzullo cho biết tay ấy đã xin nghỉ việc.
Khoảng 20 khẩu súng ngắn mà tổ chức tội phạm Sydney mua đã lọt qua cửa khẩu cảng Botany, do nhân viên HQ làm bản khai láo rằng họ đã dùng tia X kiểm tra container chứa súng. Vụ này bị lộ sau chiến dịch Otford của cảnh sát bang NSW, phát hiện số súng được giấu trong những linh kiện và một số nhân viên HQ khai láo để thông quan số súng này.
Chưa thể rõ số súng nhập lậu này - gồm 4 súng bán tự động - có được sử dụng trong hàng loạt vụ thanh toán của các băng đảng tội phạm ở Sydney hay không. Ngoài ra, 12 nhân viên tiêu cực khi làm việc ở vùng lãnh hải bang NSW và một số nhân viên vẫn còn làm việc.
|
Schapelle Corby cãi lộn với cảnh sát Indonesia |
Khủng bố xâm nhập hải quan!
Tổng cục HQ Úc đang điều tra nội bộ, nói các nhân viên “mất đạo đức và năng lực” và hồi tháng 10.2012, họ đã được “học bồi dưỡng nghiệp vụ”. Họ cũng đang điều tra khoảng 100 cáo buộc hình sự đối với nhân viên của họ - một con số cao nhất trong lịch sử ngành - và từ năm 2008 đã nhận hơn 1.300 cáo buộc nhân viên “mất đạo đức”.
Theo nghị sĩ độc lập Nick Xenophon, những lỗ hổng an ninh và nguy cơ tham nhũng trong HQ đã được cảnh báo từ 10 năm trước, nhưng chính quyền lúc ấy phớt lờ. Ông nói vào năm 2002 và 2003, lãnh đạo HQ sai Allan Kessing viết báo cáo nội bộ đã có nêu 20% số cán bộ ở sân bay Sydney có quan hệ với bọn tội phạm và những người sống chui ở Úc. Kessing lúc đó còn lo ngại nguy cơ khủng bố xâm nhập vào hàng ngũ HQ ở sân bay Sydney. Nhưng sau đó, lãnh đạo phớt lờ báo cáo, gọi nó là “rác rưởi”.
Năm 2005, báo cáo của Kessing được đăng trên báo The Australian, sau đó ông bị “săn lùng phù thủy”: nhà ông và nhà mẹ ông (vừa qua đời) bị lục soát, cảnh sát liên bang chi 250.000 đô-la Úc để nghe lén điện thoại và theo dõi ông. Năm 2007, Kessing bị buộc tội tiết lộ thông tin mật nhưng ông chối rằng chẳng cung cấp báo cáo cho tờ báo.
Ông bảo nếu thời ấy có biện pháp giải quyết theo báo cáo của ông, thì nay có thể tránh được tình trạng cán bộ tham nhũng và buôn lậu ma túy. Xenophon nói Kessing đáng được tha thứ và đáng được trao huy chương vì viết báo cáo và công khai những phát hiện dù có thể bị truy tố.
Trong khi đó, bà Rosleigh Rose nói bà chẳng bất ngờ khi biết chuyện các cán bộ HQ ở sân bay Sydney bị tố cáo. Bà nói đã luôn nghi ngờ các cán bộ “cài bẫy” bằng cách giấu ma túy vào hành lý của con gái bà hồi năm 2004. Năm ấy Schapelle Corby bị bắt vì tội buôn lậu 4,1kg ma túy vào đảo du lịch Bali (Indonesia). Cô bị bắt, nói cô chỉ là “con lừa chở hàng” mà không biết, là nạn nhân của một bọn buôn lậu ma túy hoạt động tại các sân bay nội địa Úc. Hiện sức khỏe cô đang yếu dần do bị giam giữ trong nhà tù Kerobokan ở Bali. Nếu không được xét ân xá, có thể cô chỉ được trả tự do vào năm 2017.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.