Cuộc chiến ở Syria: Obama giữa “ngã ba đường”

Thứ sáu, ngày 30/08/2013 06:50 AM (GMT+7)
Mặc dù khẳng định Syria đã vượt qua “vạch đỏ” bằng việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng Tổng thống Mỹ Obama vẫn chưa có quyết định có tấn công Syria hay không.
Bình luận 0
Chưa quyết định

Không có câu trả lời rõ ràng nào cho việc chần chừ của ông Obama, song thực tế đang cho thấy, có quá nhiều điều phải thận trọng khi ấn nút lệnh “tấn công”. Ông Obama nói rằng việc dùng vũ khí hóa học ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Mỹ và rằng "đưa ra biện pháp cảnh cáo" có thể có ảnh hưởng tích cực tới cuộc chiến tại Syria.

Tuy nhiên trả lời phỏng vấn với Hãng tin PBS, Tổng thống Mỹ nói ông chưa quyết định về việc liệu có can thiệp bằng quân sự hay không. Washington cũng cho hay sẽ công bố một báo cáo tình báo về “vụ Ghouta” (liên quan đến vũ khí hóa học) trong những ngày tới và thanh tra vũ khí LHQ hiện đang có mặt tại Syria để điều tra.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, họ cần thêm 4 ngày nữa để hoàn tất việc điều tra. Ông Obama từ lâu đã rất thận trọng trong việc có quyết định tấn công Syria hay không. Tuy nhiên, cho đến tuần trước, khi những cáo buộc rằng chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để tiêu diệt dân thường mà Mỹ cho rằng “đã có bằng chứng không thể chối cãi”, thì kế hoạch này tấn công Syria lại được xới lên, và có vẻ như sẽ quyết tâm thực hiện.

Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ cảm thấy mệt mỏi trong suốt hơn một thập kỷ qua về sự dai dẳng không có lối thoát ở những cuộc chiến mà Mỹ đã phát động ở Iraq và Afghanistan. Vì thế, giờ đây, những người này kiên quyết phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria.

Một cuộc thăm dò của Hãng Reuters-Ipsos cho thấy, khoảng 60% người Mỹ chống lại sự can thiệp của Mỹ ở Syria, trong khi chỉ có 9% ủng hộ. Tuy nhiên trong số ít những người ủng hộ này, họ cũng nhận định rằng, nguy hiểm sẽ tăng cao đối với ông Obama nếu chiến dịch tấn công kéo dài.

Ông Obama vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng can thiệp quân sự vào Syria.
Ông Obama vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng can thiệp quân sự vào Syria.

Trong khi đó, ở Đồi Capitol- nơi tập trung các tướng lĩnh cấp cao của nước Mỹ, các nhà lập pháp đã gửi đi những thông điệp, ý kiến trái chiều về vấn đề Syria. Hiện, hàng chục nghị sĩ Mỹ đang kêu gọi Tổng thống Barack Obama tham vấn Quốc hội và cần nhận được sự chấp thuận của cơ quan này trước khi can thiệp quân sự vào Syria. Tuy nhiên, với những nghị sĩ kỳ cựu và có tiếng tăm như Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Mc Cain thì đã chỉ trích ông Obama là “đã chậm chạp trong việc quyết định tấn công Syria” và kêu gọi can thiệp quân sự mạnh mẽ.

Ngược lại, Đảng Dân chủ tự do và Đảng Cộng hòa bảo thủ - trong đó có Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky, một ứng cử viên tổng thống tiềm năng 2016 - đã phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Syria.

Syria: Cảnh báo và chờ đợi

Trước những thông tin và dự báo dồn dập khả năng Mỹ sẽ chĩa tên lửa hành trình Tomahawk vào các căn cứ quân sự, hầm trú ẩn ở Syria, chính quyền của Tổng thống Assad có vẻ như khá bình tĩnh khi đối phó với tình huống.

Thủ tướng Syria Wael al Halqi đã lên tiếng phản pháo rằng, phương Tây đang viện cớ để tấn công Syria, đồng thời tuyên bố, nước này sẽ biến thành “mồ chôn những kẻ xâm lược”.

Quốc tế phản đối can thiệp quân sự


Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự (nếu có) nhằm vào Syria. Đại diện các nước như Đức, Nga, Trung Quốc, Cuba, Bỉ…đã gọi hành động tấn công quân sự là “đi ngược lại tôn chỉ Hiến chương Liên Hợp Quốc” và kêu gọi các bên phải kiềm chế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cũng cáo buộc phương Tây rằng, một số nhóm khủng bố trong thời gian sắp tới sẽ sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân châu Âu. Theo ông, các nhóm này được sự hỗ trợ của Mỹ, Anh, Pháp và chính họ đứng đằng sau cuộc tấn công hóa học có sử dụng khí độc sarin hôm 21.8 ở ngoại ô phía đông Damascus.

Ông Faisal Mekdad cũng cho biết Syria đã cung cấp cho các thanh sát viên Liên Hợp Quốc, hiện đang điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học, những bằng chứng cho thấy quân đội chính phủ đã không sử dụng các chất độc.

Cùng với những tuyên bố cứng rắn, phía Syria cũng đã chuẩn bị kỹ những phương án đối phó, đặc biệt là khi thấy Mỹ đang điều thêm nhiều tàu chiến đến gần biên giới Syria.

Nếu mục tiêu của chiến dịch tấn công này là vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học, thì bài học Iraq vẫn còn mới tinh, còn nếu mục tiêu là lật đổ Assad, liệu phương Tây có muốn cử bộ binh tham chiến và sẵn sàng chấp nhận thương vong? Chiến lược rút lui là gì? Các cuộc can thiệp trước đây cho thấy tổ chức tấn công thì dễ, nhưng việc kêu gọi chấm dứt thù địch và rút lui trước khi chiến dịch rơi vào thảm họa là khó hơn nhiều.

Chưa kể đến là việc liệu thêm một “mồi lửa” vào “chảo lửa” Trung Đông đang sôi sục với nào là Ai Cập hỗn loạn, Iran đầy toan tính hạt nhân, Jordan, Iraq và Lebanon cũng đang bị lôi kéo vào tình hình Syria, thì khu vực này sẽ ra sao và số phận của hàng tỷ người dân nơi đây ai sẽ cứu giúp?

Quang Minh (tổng hợp) (Quang Minh (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem