Cuộc đọ sức về hỏa lực kinh hoàng ở đông Ukraine

Thứ hai, ngày 08/12/2014 10:00 AM (GMT+7)
Chiến trường miền đông Ukraine đang chứng kiến một cuộc đọ sức quyết liệt về vũ khí giữa quân đội chính phủ và phe ly khai.
Bình luận 0

Một ngày cuối tháng 11, những quả rocket phóng đi từ một bệ phóng Grad lao thẳng vào một tòa nhà ở thị trấn Toshkovka miền đông Ukraine, khiến nhiều người bị thương. Những vụ phóng rocket như thế này đã trở thành chuyện “cơm bữa” ở miền đông Ukraine, nơi cả quân đội chính phủ lẫn phe ly khai đều đang “đọ sức” với nhau bằng hỏa lực của những loại vũ khí hạng nặng để giành ưu thế trên chiến trường.

img Những giàn rocket Grad ở chiến trường miền đông Ukraine

 

Thị trấn Toshkovka nằm cách chiến tuyến giữa hai phe gần 6,5 km, nhưng vẫn không thoát khỏi làn hỏa lực tầm xa của các loại rocket đa nòng. Đường chiến tuyến tạm thời này được hình thành sau khi quân đội Ukraine bị phe ly khai đẩy lùi trong đợt phản công dữ dội vào tháng Tám vừa qua.

Phe ly khai thân Nga giờ đây đang kiểm soát một khu vực rộng hơn 300 km vuông từ Biển Đen cho tới biên giới với Nga, trong đó Luhansk và Donetsk, hai thành phố lớn nhất miền đông Ukraine.

Trong khi đó, quân đội chính phủ vẫn đang giữ được một giao lộ quan trọng nằm ngay giữa vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát, bên cạnh đó là sân bay Donetsk, một khu vực trọng yếu, nơi đã chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội giữa hai bên bất chấp các thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra.

Nhưng đến nay cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã mang một diện mạo rất khác so với vài tháng trước đây. Chiến sự giờ đây chỉ nổ ra dọc một chiến tuyến duy nhất, và không còn những đợt cơ động, rút lui quy mô lớn như hồi mùa hè vừa qua.

Đối với quân đội Ukraine, các loại vũ khí hạng nặng không phải là yếu tố quyết định cục diện chiến trường. Sau khi Liên Xô sụp đổ, quân đội Ukraine kế thừa một kho vũ khí quá lớn, quá phức tạp để đối phó với những mối đe dọa không hề rõ ràng.

img Các binh sĩ quân đội chính phủ Ukraine trên chiến trường miền đông

 

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu phe ly khai ở miền đông Ukraine có thể cạnh tranh nổi với quân đội chính phủ về hỏa lực để có thể tiếp tục giữ vững được lãnh thổ mình đang kiểm soát mà không phải dựa vào sự can thiệp quân sự của Nga hay không.

Và điều mà người ta dễ nhận thấy là trong thời gian vừa qua, miền đông Ukraine đang chứng kiến một cuộc đua về hỏa lực vũ khí hạng nặng giữa hai bên để có thể giành được lợi thế trên chiến trường.

Cuộc đua hỏa lực ngày càng gay cấn

Theo một báo cáo của hãng ARES chuyên tư vấn về vũ khí trong các cuộc chiến, khi cuộc xung đột mới nổ ra, phần lớn những súng đạn mà phe ly khai thân Nga sử dụng là những vũ khí lấy được của quân đội chính phủ hoặc mua trên thị trường.

Lúc đó cả hai phe của cuộc chiến đều sử dụng những loại vũ khí cỡ nhỏ giống nhau từ thời Liên Xô, đó là những khẩu AK truyền thống và trung liên RPK. Một số chiến binh ly khai thậm chí vẫn đang dùng những khẩu súng trường Mosin-Nagant có từ thời Thế Chiến 2, còn súng tiểu liên thì họ có thể tự sản xuất được.

img Súng AK vẫn là thứ vũ khí được sử dụng phổ biến trên chiến trường đông Ukraine

 

Với những loại vũ khí cũ kỹ, lạc hậu như vậy, các binh sĩ trên chiến trường đã phải “xoay xở” ở nhiều mức độ khác nhau. Những bộ phận hỗ trợ mà họ mua được trong các cửa hàng súng đạn hay đặt hàng trên Internet được cả binh sĩ quân đội chính phủ lẫn phe ly khai sử dụng rộng rãi. Họ thi nhau lắp thêm kính ngắm, ống giảm thanh và các phụ kiện khác, “thể hiện xu hướng thời trang vũ khí toàn cầu do ngành công nghiệp vũ khí phương Tây tạo ra”, ARES nhận định.

Nhiều binh sĩ lắp thêm các phụ kiện đắt tiền cho khẩu súng của mình mà không hề biết tính năng tác dụng của nó. Có binh sĩ Ukraine sử dụng khẩu AK được lắp một kính ngắm “xịn” của Thụy Điển ở phía trên, khiến cho khẩu súng gần như trở nên vô dụng trên chiến trường.

Tuy nhiên khi các đơn vị quân đội Ukraine được tăng cường và áp sát những thành phố do phe ly khai kiểm soát, các chiến binh ly khai bắt đầu đưa vào sử dụng những loại vũ khí phức tạp thường được trang bị trong quân đội Nga và một số quốc gia khác.

Trong số những vũ khí mà phe ly khai đưa vào sử dụng trên chiến trường có súng trường bắn tỉa VSS và trung liên PKP, những loại súng mà quân đội Ukraine không hề có. Quân ly khai còn được trang bị súng trường giảm giật ASVK có thể bắn những viên đạn xuyên giáp vào xe tăng và các công sự. Đây là những vũ khí mới được quân đội Nga đưa vào sử dụng từ năm 2012.

img Một chiến binh ly khai sử dụng khẩu súng trường ASVK. 

 

Ngoài ra, phe ly khai còn được trang bị hàng chục xe tăng hiện đại như xe tăng T-64 thu được tại các căn cứ quân đội Ukraine và một số xe tăng T-72B3 do Nga sản xuất nhưng chưa bao giờ xuất khẩu ra nước ngoài. Xe tăng T-72B3 được sản xuất từ năm 2013 và được trang bị thiết bị dò tìm nhiệt hiện đại cùng hệ thống kiểm soát vũ khí bằng máy tính.

Quân đội Ukraine hiện cũng có hàng trăm xe tăng T-72 thế hệ cũ hơn trong kho, nhưng những xe tăng này hầu hết đều không hoạt động được sau một thời gian dài “đắp chiếu”. Mặc dù vậy, số xe tăng T-64 mà quân đội Ukraine sử dụng trên chiến trường vẫn vượt trội hơn so với xe tăng của phe ly khai.

Ưu thế về số lượng xe tăng đó ngày càng bị suy giảm khi quân ly khai có trong tay một lượng lớn vũ khí chống tăng hạng nhẹ, chẳng hạn như tên lửa chống tăng 9K135 Kornet hiện đại. Đây là những vũ khí chống tăng hiệu quả nhất trên thế giới do Nga sản xuất, và quân đội Ukraine không được trang bị loại tên lửa này.

Bên cạnh đó, phe ly khai còn sở hữu một lượng lớn súng phóng lựu chống tăng như RPG-18, bên cạnh các rocket tầm nhiệt RPO-A và MRO-A có khả năng phá hủy các căn nhà, công sự hay các xe thiết giáp hạng nhẹ.

Ukraine chưa sẵn sàng

Quân đội Ukraine có quân số và khả năng tác chiến vượt trội hơn hẳn so với các lữ đoàn dân quân của phe ly khai ở miền đông. Hiện Kiev có hơn 41.000 quân tác chiến chính quy cùng hàng ngàn quân tình nguyện trong các lực lượng dân quân. Trong khi đó, quân số các chiến binh ly khai thân Nga được ước tính chỉ từ khoảng 10.000 đến 20.000 tay súng.

img Xe tăng T-72B3 hiện đại xuất hiện trên chiến trường đông Ukraine

 

Thế nhưng, quân đội Ukraine  lại có những điểm yếu “chết người” về cấu trúc chỉ huy, điều đó lý giải tại sao đến nay họ vẫn chưa thể thành công trong việc đánh bại được lực lượng ly khai có quy mô nhỏ hơn.

Trong thời kỳ hậu Xô Viết, quân đội Ukraine hầu như không được chú trọng đầu tư về trang bị và huấn luyện. Hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, hàng trăm chiến đấu cơ han gỉ vì bị đắp chiếu lâu ngày, đến mức chuyên gia phân tích quân sự Vyacheslav Tseluyko từng nhận định: “Quân đội Ukraine lúc đó chỉ ở trạng thái minh họa mà không có lý do để tồn tại”.

Cho đến năm 2000, 90% lực lượng chiến đấu của quân đội nước này là những binh sĩ nghĩa vụ được trả lương thấp và huấn luyện kém, trong khi rất ít chiến đấu cơ còn có thể cất cánh. Hầu hết các căn cứ quân sự đều được bố trí ở biên giới với NATO, khối quân sự mà Kiev muốn trở thành đồng minh chứ không phải kẻ thù.

Với cuộc xung đột nổ ra dữ dội ở miền đông Ukraine, quân đội Ukraine đang bị đặt vào tình thế bắt buộc phải chấp nhận cuộc chạy đua về vũ khí để có thể lấy lại lợi thế trên chiến trường. Cuộc chiến ở miền đông Ukraine càng kéo dài, cuộc đua vũ khí càng trở nên khốc liệt, và khi những vũ khí tham chiến được “hạng nặng hóa”, chắc chắn con số thương vong của hai bên sẽ ngày càng tăng lên.

Trí Dũng (Theo Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem