Nhạc sến (còn gọi là "nhạc vàng") là tên gọi dòng tân nhạc Việt Nam ra đời từ thập niên 60 của thế kỷ trước với lời ca trữ tình bình dân được viết trên những giai điệu nhẹ nhàng (bolero, rumba, ballade...). Đặc trưng của dòng nhạc này là lời ca giản dị, câu nhạc dễ nghe, chất chứa nỗi niềm của phần đông tầng lớp lao động bình dân trong xã hội.
Trong gần 5 thập kỷ tồn tại, dòng nhạc này đã để lại nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng độc giả như "Hoa mười giờ", "Chuyện tình cô đơn” (Đài Phương Trang), "Tình lỡ" (Thanh Bình), "Đôi mắt người xưa" (Trúc Phương), "Nhẫn cỏ trao em" (Vinh Sử), "Tình bơ vơ", "Trăm nhớ ngàn thương" (Lam Phương), "Sầu tím thiệp hồng", "Về đâu mái tóc người thương" (Hoài Linh), "Giọt lệ đài trang" (Châu Kỳ)…
Tác giả ca khúc "Tình lỡ", nhạc sĩ Thanh Bình đã giã từ cõi đời hồi tháng 5/2014. Sinh thời, ông là một người tài hoa, để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh nét tài hoa, Thanh Bình được biết đến là nhạc sĩ tiêu biểu cho chữ "phận bạc" khi nói về đời nghệ sĩ.
Trải qua ba đời vợ, làm đủ công việc để sinh sống, từ viết nhạc, viết văn, viết báo đến bán xăng, bán cơm, chăn nuôi… để mưu sinh. Cuối đời, nhạc sĩ rơi vào cảnh trắng tay, cô đơn rồi ra đi trong nỗi khắc khoải không gặp được con gái duy nhất. Khi con gái dính vào vòng lao lý, nhạc sĩ Thanh Bình sống lang thang tại bến xe miền Đông với tài sản duy nhất là chiếc quạt máy cũ kỹ và bọc nilon đựng quần áo, tư trang.
Tang lễ nhạc sĩ Thanh Bình chỉ với vài người thân đưa tiễn
Ngay cả khi chết, ông vẫn phải nương nhờ vào lòng hảo tâm của các tổ chức thiện nguyện khi những người thân không đủ tiền lo tang ma. Ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng, không chỉ nghèo khó, cô quạnh, nhạc sĩ Thanh Bình còn chịu đựng đủ các chứng bệnh nguy nan như cao huyết áp, lao phổi và chứng nghễnh ngãng tuổi già.
Giống như Thanh Bình, Trúc Phương là nhạc sĩ để lại nhiều bản tình ca chạm đến nỗi lòng sâu kín của nhiều thế hệ người Việt. Trong âm nhạc, ông tài hoa bao nhiêu, đời sống lại trải qua quá nhiều bất hạnh và đau thương bấy nhiêu. Sinh thời, nhạc sĩ sống trong nghèo khó, đặc biệt là vào thời kỳ "nhạc vàng" lắng xuống. Ông từng làm đủ nghề để sinh sống, lấy vỉa hè làm nhà, bạn bè làm người thân thích.
Nhạc sĩ từng tâm sự về hoàn cảnh khốn khó của mình: "Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát"… Cuộc sống bấp bênh cùng sự hành hạ của bệnh tật đã khiến Trúc Phương sống một đời sống buồn tẻ cho đến những ngày cuối đời.
"Anh đã đến trong cuộc đời này, để lại bao kỷ niệm nhẹ nhàng qua nhiều nhạc phẩm chất chứa ân tình, rồi lặng lẽ ra đi âm thầm thật cô đơn. Tôi đã mất anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa anh và tôi, cũng như bao lời ca tôi đã thuộc nằm lòng", ca sĩ Thanh Thúy viết trên trang cá nhân.
Hoài Linh được coi là nhạc sĩ hiếm hoi của dòng "nhạc vàng" có đời sống vật chất thoải mái nhờ sáng tác. Rồi ông cũng trở nên trắng tay sau năm 1995 khi bị bại liệt do di chứng của tai biến mạch máu não. Nhạc sĩ ra đi trong cảnh nghèo khó, bệnh tật trước khi tấm lòng hảo tâm của đồng nghiệp và khán giả đến được với ông.
Ngoài Thanh Bình, Trúc Phương, Hoài Linh, tác giả ca khúc "Hoa sứ nhà nàng", nhạc sĩ Hoàng Phương cũng ra đi trong tận cùng nghèo khó khi bỏ lại sau lưng một sự nghiệp khá giả để chung sống với người tình trẻ kém con trai mình đến hai giáp. "Làm nghệ sỹ thực thụ có khi nào giàu có, tài sản quý giá nhất của họ là âm nhạc. Đó cũng là điều khiến họ sống mãi trong lòng người hâm mộ", khán giả Trần Thu bày tỏ tình cảm trước sự ra đi trong khốn khó, cô đơn của nhiều nhạc sĩ.
Những người còn sống, ngoài Mặc Thế Nhân, Đài Phương Trang, Bảo Thu… không phải ai cũng may mắn có cuộc sống yên bình. Vinh Sử được coi là "vua nhạc sến" với những bản boléro thất tình, buồn hiu hắt như "Nhẫn cỏ cho em", "Sầu tím thiệp hồng", "Người phu kéo mo cau", "Hai bàn tay trắng"…Thời cực thịnh, ông từng có một cuộc sống xa hoa, giàu có khi mỗi nhạc phẩm của ông trị giá hai chiếc xe hơi đời mới.
Vốn bản tính đào hoa, nghệ sĩ, ông từng trải qua nhiều đời vợ, có nhiều con và tiêu tiền không tiếc tay cho những bữa tiệc. Ở tuổi ngoài 70, khi tiền bạc tiêu tán vì bệnh tật, ông chỉ có duy nhất một người phụ nữ bên cạnh chăm lo. Hiện tại, nhạc sĩ phải chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng trong một căn phòng trọ chật hẹp tại một xóm lao động nghèo thuộc quận 7, TP.HCM.
"Vinh Sử từng có rất nhiều nhà lầu, xe hơi nhờ tiền tác quyền từ việc sáng tác. Tính đào hoa khiến bao nhiêu tài sản của Vinh Sử bị rơi hết vào tay phụ nữ. Thành ra, cuối đời bệnh tật, nghèo túng", đó là nhận xét của nhiều đồng nghiệp khi nói về nhạc sĩ Vinh Sử.
Nếu như Vinh Sử nhận được sự quan tâm, trợ giúp của đông đảo khán giả ái mộ và đồng nghiệp về vật chất và tinh thần thì nhạc sĩ Lê Duyên nhiều năm nay sống âm thầm trong căn nhà nhỏ, toàn tâm chăm sóc người vợ mắc bệnh mất trí nhớ. Lê Duyên nổi tiếng trong nhóm nhạc Khánh Băng - Phùng Trọng khi xưa với khả năng chơi đàn mandolin. Ông cũng là tác giả của nhiều bài hát như "Chiều buồn", "Dưới ánh trăng rừng" (viết cùng Tùng Lâm, Hiếu Nghĩa), "Nắng đẹp rừng chiều", "Trăng quê"... trong số đó tình khúc "Âm thầm" (Hãng đĩa Asia với tiếng hát Tuyết Mai) đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân ngậm ngùi kể về cuộc đời mình.
"Tiếng trống Phùng Trọng, tiếng guitar Khánh Băng, tiếng bass Duy Khiêm, tiếng mandolin Lê Duyên, có nhiều lúc cùng với tiếng dương cầm Nguyễn Ánh 9, tiếng armonica Tòng Sơn phối hợp với các giọng ca Kiều Loan, Ngọc Mỹ, Mary Linh, Kiều Oanh, Ngọc Vân, Hoàng Hạc, Duy Mỹ... đã tạo thành một sắc thái rất đặc biệt của ban Khánh Băng - Phùng Trọng những đêm Sài Gòn hoa mộng cũ", MC hải ngoại Trần Quốc Bảo nhận định trên trang cá nhân.
Những ngày huy hoàng của nhóm Khánh Băng đã lùi vào dĩ vãng, ở tuổi 79, nhạc sĩ Lê Duyên ra vào lẻ bóng trong căn nhà rộng thênh thang tại một con ngõ nhỏ giữa lòng TP HCM náo nhiệt. Ngoài việc phải tự chăm sóc mình với đủ chứng bệnh (suy mạch vành, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ), ông còn chăm lo cho người vợ mắc chứng mất trí nhớ.
Không đủ tiền mua thuốc, ăn uống lại qua loa, sức khỏe của nhạc sĩ ngày càng yếu đi. Tuy vậy, Lê Duyên rất kín tiếng về hoàn cảnh của mình. Ngoài nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là bạn tâm giao, ông hiếm khi tâm sự về hoàn cảnh cô đơn, khó khăn của mình. "Bác luôn muốn giữ hình ảnh với khán giả, không khi nào muốn trở nên đáng thương trong mắt người khác", anh Đạt, người tiếp xúc thường xuyên với nhạc sĩ cho hay.
Giống như Lê Duyên, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân (tác giả ca khúc "Bạc trắng lửa hồng") sống đời cô quạnh những năm tháng tuổi già. Vợ con đã bỏ ông ra nước ngoài sinh sống từ lâu. Nghệ sĩ tự mình lo toan cuộc sống đã nhiều năm nay. Ở tuổi 75, sống một mình trong căn nhà rộng hơn 20m2, hàng ngày ông dậy sớm, tự đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa…
5 năm trở lại đây, sức khỏe yếu, không thể dạy thêm nhạc lý kiếm sống, Trương Hoàng Xuân sống bằng số lương hưu ít ỏi dành cho công nhân ngành bưu điện (có thời gian ông gây dựng phong trào văn nghệ cho bưu điện thành phố). "Trong cuộc trò chuyện, nhiều khi nhạc sĩ thở dốc nhưng ông luôn nói về cuộc sống cô đơn của mình đầy lạc quan mà không trách móc vợ hay con đã bỏ rơi mình", Hồng Phúc, chủ nhiệm một câu lạc bộ Yêu nhạc vàng tại TP HCM cho biết.
Ở tuổi 72, dù sống cuộc đời bình yên bên người bạn đời yêu và cảm thông với mình, nhạc sĩ Y Vũ, tác giả ca khúc "Tôi đưa em sang sông" vẫn không quên những tháng ngày buôn ve chai kiếm sống. Giống như nhiều nhạc sĩ khác, khi đồng tiền mất giá, bao nhiêu của cải gửi trong ngân hàng thành giấy vụn, Y Vũ trắng tay làm lại từ đầu để nuôi gia đình.
Từ một nhạc sĩ nổi tiếng, Y Vũ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn buôn răng vàng, bạc vụn về bán lại cho các cửa hàng vàng bạc để phân kim. "Hôm nào không có xe đạp, tôi đi bộ. Ròng rã vài chục cây số, ngày không được cắc bạc nào, có ngày trúng mánh cũng đủ ăn", nhạc sĩ cho biết.
Giống như Y Vũ, nhạc sĩ Hà Phương (tác giả ca khúc "Mưa đêm tỉnh nhỏ", "Mưa qua phố vắng") từng làm những công việc lao động chân tay nặng nhọc như bổ củi, xẻ đá để kiếm sống. Ông có những ngày tháng lang thang khắp Nam kỳ lục tỉnh buôn bán để nuôi vợ và các con. Đời sống khó khăn đến mức ông từng có ý định đoạn tuyệt với sáng tác.
Điều đáng quý ở Hà Phương hay Y Vũ đó là tinh thần biết chấp nhận thực tại, không nề hà, xấu hổ trước sự thay đổi của thân phận. "Nhiều khi đi buôn ve chai, đụng người quen, họ tỏ ra xót thương cho tôi. Tôi thấy mình chẳng có gì đáng thương cả. Ở hoàn cảnh nào mình nên sống đúng với thân phận đó", Y Vũ chia sẻ.
"Nhạc sĩ trước kia sống theo cảm xúc, thờ phụng ái tình và nghệ thuật hơn là vật chất. Dễ hiểu vì cuộc đời họ gặp nhiều thăng trầm, bất trắc", nhạc sĩ Bảo Thu ngậm ngùi khi nói về những đồng nghiệp của mình.
(Theo Cảnh sát Toàn cầu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.