Cuộc đua làm “vua nấm”

Thùy Anh Thứ hai, ngày 09/01/2017 14:00 PM (GMT+7)
Những ngày này, nhiều hộ gia đình ở Krông Ana (Đăk Lăk) đang đua nhau sản xuất giỏi, thu hoạch nhiều nấm, vừa kiếm tiền làm giàu, vừa cố giành danh hiệu “vua nấm”. Đây là thành quả của những lớp dạy nghề trồng nấm cho bà con nông dân ở Đăk Lăk.
Bình luận 0

Có học có hơn

Bà H’Juăn Êban (48 tuổi) ở buôn Chăm, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đăk Lăk) từng được học nghề trồng nấm sò, linh chi. Bà Êban cho biết, nghề trồng nấm dễ học, dễ áp dụng vào thực tế, có sản phẩm ngay. Hỏi quy trình trồng, bà đọc trôi chảy: “Trộn đều mùn cưa, cám gạo, bột vôi trắng đã qua khử trùng theo tỷ lệ thích hợp rồi đóng bịch, đưa vào lò hấp ở nhiệt độ 100 độ C. Một tháng sau bịch nấm lên men, kéo tơ thì treo lên giá cao, rạch túi phun nước đợi ngày thu hoạch".

img

Mô hình trồng nấm linh chi cho hiệu quả kinh tế cao tại gia đình Bà Đinh Thị Dành ở tổ dân phố 6, thị trấn Buôn Trấp. Krông Ana (Đăk Lăk).  Ảnh:  Thùy Anh  

“Để có sản phẩm năng suất, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và không bị thương lái ép giá, nhiều hộ nông dân ở xã Đray Sáp (huyện Krông Ana) đã liên kết lại dưới hình thức tổ hợp tác để phát triển sản xuất. Các mô hình trồng nấm cho hiệu quả cao, giúp nhiều người dân thoát nghèo”.

Ông Y Phen Niê - Chủ tịch Hội Nông dân  xã Đray Sáp, Krông Ana (Đăk Lăk)

Sau khi học, bà Êban về nhà bắt tay xây dựng trại trồng nấm rộng 28m2. Nhờ có cây nấm rơm và nấm linh chi mà gia đình 8 người của bà Êban có công ăn việc làm, thoát cảnh nghèo đói.

Mô hình trồng nấm rơm của anh Đoàn Văn Chương (27 tuổi), tại thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Sau học nghề, anh Chương mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng 6 nhà trại trồng nấm rơm. Khi được học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, nhờ cách dạy “cầm tay chỉ việc”, lấy sản phẩm đánh giá năng lực của các giáo viên, sau gần 2 tháng học, anh Chương đã làm ra hơn 1 tạ nấm.

 Cùng làm, cùng chia sẻ kinh nghiệm

Không chỉ học nghề, làm nghề hăng say, nhiều học viên sau học nghề còn tự tạo các câu lạc bộ. Câu lạc bộ trồng nấm thậm chí còn phát động một cuộc đua thành triệu phú. 

Cận tết, không khí sản xuất ở xã Đray Sáp (huyện Krông Ana) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tổ sản xuất này được hình thành từ đầu năm 2016, hiện có 10 hộ gia đình tham gia sản xuất. Theo ông Y Phen Niê - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đray Sáp, sau học nghề bà con đã mạnh dạn đầu tư sản xuất nấm. Để tăng tính cạnh tranh, tương trợ lẫn nhau trong làm nghề, bà con tự hình thành tổ hợp tác. Bà con tham gia mô hình dựa trên tính chất tự nguyện, không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Hoạt động của tổ hợp tác chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống.

“Cuối năm, các thành viên của tổ hợp tác sẽ ngồi lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, tổng kết hiệu quả. Theo đó, mô hình nào kinh doanh hiệu quả, mô hình nào thu lợi nhuận cao thì sẽ được bầu làm “vua nấm” - ông Y Phen Niê nói.

Bà Đinh Thị Danh-nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, đơn vị thực hiện dạy nghề trồng nấm cho biết, hàng năm trung tâm dạy nghề tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng học viên ngoài huyện, tỉnh, được  tạo điều kiện bằng cách cho mượn nguyên liệu thực hành tạo ra sản phẩm kiếm tiền trang trải chi phí. Trung tâm sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho bất kỳ ai muốn học hỏi mô hình trồng nấm. Hiện nông dân ở huyện Krông Ana đã làm chủ công nghệ, cho nấm ra đúng ngày rằm, dễ tiêu thụ, bán được giá cao. Từ 2015 – 2016, mỗi năm toàn huyện xử lý khoảng 600 tấn rơm đưa vào trồng nấm, thu lợi 2-3 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem