Đó là cuộc gặp gỡ giữa vua cuối cùng của nhà Lê là Lê Mẫn Đế (thường gọi là vua Chiêu Thống), vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc (Thái Đức) và em ông - Nguyễn Huệ, người sẽ trở thành vua Quang Trung chỉ mấy năm sau. Cuộc hội kiến dùng lễ "hai vua gặp nhau", hai bên không ai phải lạy ai.
Cuộc gặp đặc biệt
Sự kiện diễn ra sau chuyến ra Bắc lần thứ nhất của Nguyễn Huệ. Với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh", quân Tây Sơn đánh tan quân của chúa Trịnh Khải. Nguyễn Huệ được vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân và phong làm Nguyên súy Dực chính phù vận Uy quốc công.
Tuy nhiên, khi đó, vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc có lòng nghi kỵ Nguyễn Huệ có ý định chiếm giữ miền Bắc, đã tức tốc dẫn 500 quân từ Tây Sơn (Bình Định) ra Phú Xuân (Huế), rồi điểm thêm 2.000 quân đi gấp ra Thăng Long.
Các sự kiện này đều có chép trong chính sử. Tuy nhiên, đến đời sau, nhà Nguyễn coi nhà Tây Sơn là kẻ thù nên cũng chỉ chép sơ sài. Chỉ có trong tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, tuy không viết theo lối chép sử, thể hiện các sự việc này một cách rất sinh động.
Hoàng Lê nhất thống chí cho biết khi biết tin Nguyễn Nhạc ra Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên vua Chiêu Thống sắp ngọc tỷ ra hàng, lại giục quan trong triều thảo gấp tờ biểu xin hàng. Tuy nhiên, triều thần bàn bạc mấy ngày không ai dám hạ bút trước.
Đến khi vua Thái Đức ra đến nơi, vua Lê thân hành ra đón ở cửa Nam. Nhà vua đứng bên trong cửa ô, sai hoàng thân là Thanh Nguyên hầu quỳ ở bên trái đường để chào và nói thay. Vua Thái Đức cứ thế đi qua cửa ô không đáp lễ, giục ngựa đi thẳng và cho một người quay lại nói rằng:
- Quả nhân thấy nhà vua lễ độ quá, sợ rằng nếu xa giá ở lại chậm trễ, hoặc giả làm phiền cho quý thể, phải quỳ lạy mệt nhọc, rồi quả nhân phải mang tiếng là thất lễ. Bởi thế, quả nhân phải vội vã đi ngay. Xin ngự giá hãy cứ về cung, ngày khác thong thả sẽ cùng gặp nhau.
Vua Lê nghe vậy, biết là vua Tây Sơn còn ưu đãi mình, mới không bàn đến việc đầu hàng nữa.
Ngày hôm sau, mùng sáu tháng tám âm lịch, vua Thái Đức sai bày ở phủ đường của Nguyễn Huệ ba chỗ ngồi. Chính giữa kê sập của vua Thái Đức, bên trái là ghế của vua Chiêu Thống, bên phải là ghế của Nguyễn Huệ.
Khi ngự giá của vua Lê đến cửa phủ, vua Tây Sơn sai viên quan hầu ra đón. Vua Lê đi bộ vào thềm, vua Tây Sơn đang ngồi vội bước xuống đất và đứng sang bên cạnh sập để tỏ ý kính lễ, rồi sai Nguyễn Huệ xuống dưới thềm đón tiếp và mời vua Lê ngồi vào ghế. Khi đã yên vị, vua Tây Sơn hỏi thăm:
- Hoàng thượng năm nay xuân thu độ bao nhiêu?
Viên quan đi theo đáp lời thay vua Lê. Năm đó, vua Chiêu Thống 21 tuổi. Nguyễn Huệ khi đó mới 33 tuổi, còn Nguyễn Nhạc khoảng 40 tuổi (sử không ghi chính xác năm sinh của Nguyễn Nhạc).
Sau khi hỏi han xã giao, viên quan hầu của vua Lê ngỏ ý muốn vua Thái Đức thu nhận một vài quận ấp để làm quà khao quân, nhưng Nguyễn Nhạc từ chối, bày tỏ mong muốn "kết nghĩa láng giềng".
Sau đó, hai vua cùng quốc công Nguyễn Huệ uống trà, rồi vua Chiêu Thống ung dung ra về, vua Thái Đức đứng dậy từ biệt. Nguyễn Huệ tiễn vua Lê xuống thềm, còn vua Thái Đức đi theo một quãng, rồi né mình giật lùi về chỗ, sai viên quan hầu hộ vệ vua Lê ra khỏi phủ, lên kiệu về cung.
Vua Lê về đến cung, sai các quan trong triều tới ra mắt vua Tây Sơn. Vua Thái Đức lần lượt hỏi hết quan chức, họ tên từng người. Các quan ca tụng công đức của vua Thái Đức, xong nói: "Thánh thượng nếu như đã giúp cho nước tôi được còn, xin hãy tạm lưu tại đây, để vua nước chúng tôi nhờ cậy vào oai linh của thánh thượng. Bao giờ bốn phương đều yên, giường mối đã dựng lại, bấy giờ ngự giá hãy về cũng chưa muộn".
Cuộc chia tay trước thời khắc biến động
Đến canh hai đêm 17 tháng tám, vua Thái Đức cho người vào gõ cửa điện, chào từ biệt vua Lê, rồi sáng sớm hôm sau cùng Nguyễn Huệ bất ngờ rút toàn quân về Nam.
Sau chuyến về Nam này của anh em vua Tây Sơn, lịch sử Việt Nam bước vào một giai đoạn hết sức bất ổn. Trong Nam, vua Thái Đức đánh nhau với Nguyễn Huệ. Ngoài Bắc, thế lực Trịnh Bồng nổi lên, vua Chiêu Thống phải nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra đánh dẹp.
Khi biết tin Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền ở ngoài Bắc, Nguyễn Huệ phái Vũ Văn Nhậm ra trừng trị, vua Chiêu Thống sợ hãi chạy sang Trung Quốc. Rồi sau đó đến lượt Nhậm cũng theo chân Chỉnh lộng quyền, Nguyễn Huệ lại ra quân giết luôn Vũ Văn Nhậm.
Cuối năm 1788, khi vua Chiêu Thống dẫn quân Thanh về nước, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung, xuất quân ra Bắc lần thứ ba đánh tan quân xâm lược nhà Thanh trong trận chiến mùa Xuân Kỷ Dậu. Vua Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc lưu vong đến khi chết, nhà Lê chấm dứt, nhà Thanh chính thức công nhận Nguyễn Huệ là vua của nước ta.
Nước ta lúc đó chia làm hai vùng cai trị của vua Quang Trung (từ Phú Xuân ra Bắc) và vua Thái Đức (từ Quảng Nam đến hết vùng Nam trung bộ hiện nay). Vùng đất Nam Bộ lúc đó đang là nơi hoạt động của quân chúa Nguyễn Ánh, là người sẽ thống nhất đất nước và lên ngôi với niên hiệu Gia Long chỉ hơn 10 năm sau đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.