10h30 ngày 9.11.1995 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (phố
Phạm Ngũ Lão, Hà Nội), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Robert McNamarra gặp
nhau.
Đối với giới báo chí thì đây là một cơ hội lịch sử, do vậy phải mất gần
10 phút hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng của cuộc chiến năm xưa mới qua khỏi vòng
vây cuồng nhiệt của những máy ảnh, máy quay phim, micro… và những câu phỏng vấn
tưởng như không bao giờ dứt của giới báo chí quốc tế và Việt Nam.
Phút gặp mặt đầu tiên, hai ông đứng trao đổi với
nhau về việc tập thể dục buổi sáng. Một người đã 85 tuổi, còn một người sắp bước
vào tuổi 80 (ông McNamarra sinh năm 1916) nhưng cả hai đều tỏ ra nhanh nhẹn và
minh mẫn.
Ông McNamarra mở đầu cuộc trao đổi bằng lời bày tỏ về
ý định của Đoàn tiền trạm Hội đồng đối ngoại New York mà ông dẫn đầu sang Việt
Nam lần này để chuẩn bị cho một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam dự kiến sẽ
tổ chức tại Mỹ vào mùa thu năm tới, hy vọng tướng Giáp sẽ nhận lời mời tham dự.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Robert McNamarra gặp
nhau.
Ông McNamarra cũng nhấn mạnh rằng với một cuộc chiến
tranh đã làm hơn ba triệu người Việt Nam và gần sáu vạn người Mỹ bị chết thì việc
rút ra những bài học lịch sử, đặc biệt là bài học về những cơ hội bị bỏ lỡ để
tránh xảy ra chiến tranh là rất có ý nghĩa không chỉ cho hai nước xưa đã từng
tham chiến nay đang hướng tới những quan hệ tốt đẹp mà còn là những bài học bổ
ích cho một thế giới đang đầy rẫy các biến cố và xung đột.
Ông McNamarra cũng kể lại rằng, ngay sau khi thôi giữ
chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng (tháng 3.1968), ông đã trở thành Chủ tịch Ngân hàng
Thế giới (World Bank Group of Institutions) và giữ cương vị đó 13 năm liên tục
cho đến khi nghỉ hưu (tháng 6.1981). Cũng trên cương vị này, năm 1978, Ngân
hàng Thế giới đã cho Việt Nam vay một khoản tín dụng 60 triệu USD cho các dự án
về thủy lợi. Giờ đây mới có dịp sang Việt Nam, ông vừa gặp các quan chức của
Ngân hàng Thế giới và được biết Việt Nam là một quốc gia đã sử dụng hiệu quả
các nguồn tài chính được đầu tư từ bên ngoài, đó là những dấu hiệu khẳng định
tính tự chủ, khả năng vươn lên và phát triển của Việt Nam.
Bước vào chủ đề chính, vị Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
xin hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thưa ngài, quả thực cho đến bây giờ, tôi vẫn
không rõ những gì đã xảy ra trong ngày 4.8.1964?” (đó là một ngày trước khi Tổng
thống Mỹ Johnson mở màn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và trực tiếp đổ
quân Mỹ can thiệp và mở rộng cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Và hành động này được
giải thích bằng việc trả đũa cho sự kiện đã diễn ra trong ngày 4.8.1964 mà theo
báo cáo của phía Mỹ thì chiến hạm Maddox đã bị hải quân Việt Nam tiến công ở
vùng biển quốc tế).
31 năm sau sự kiện đó, McNamarra mới trực tiếp nhận
được một câu trả lời chính xác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Ngày 2.8.1964,
tàu Mỹ xâm phạm hải phận Việt Nam ở khu vực đảo Hòn Mê. Một đơn vị hải quân địa
phương của chúng tôi đã đánh đuổi. Còn ngày 4.8.1964, không có một hoạt động
quân sự nào từ phía Việt Nam được tiến hành trên khu vực này”. Các vị khách Mỹ
nghe rất chăm chú.
Đại tướng nói tiếp: “Nói điều này có thể là công việc
nội bộ của Mỹ, nhưng theo tôi biết thì trước những ngày này ở Mỹ người ta đã soạn
thảo những văn bản để chuẩn bị cho việc mở rộng chiến tranh ở Việt Nam rồi”.
Về vấn đề có những cơ hội nào có thể vãn hồi hòa
bình ở Việt Nam mà đã bị cả hai bên bỏ qua, Đại tướng nói rằng trong khi kiên
quyết chiến đấu chống xâm lược, Việt Nam cũng rất mong muốn kết thúc chiến
tranh. Việt Nam đã theo dõi rất chặt và phân tích mọi nội dung để được đề cập tới
trong những bài diễn văn của Tổng thống Mỹ ở Baltimore về công chức Manila –
Antonio… Nhưng Việt Nam cũng nhận thấy rằng mỗi lần người đứng đầu nước Mỹ nói
đến những sáng kiến hòa bình thì cũng là lúc tăng quân Mỹ ở Việt Nam. Như vậy,
chỉ có thể nghĩ đó là hòa bình giả và chiến tranh thật, hoặc một nền hòa bình
trên sức ép quân sự của Mỹ.
Có thể nói rằng, phía Việt Nam đã không để lỡ một cơ
hội nào vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình hơn ai hết và chiến
tranh sẽ mang lại đau khổ trước hết cho người Việt Nam.
Đại tướng cũng kể cho
các vị khách Mỹ câu chuyện cách đây ngót 50 năm khi ông Paul Mus, một học giả
được Chính phủ Pháp nhờ chuyển một giải pháp hòa bình cho chính phủ kháng chiến
Việt Nam, trong đó có một điều khoản đòi hỏi quân đội Việt Nam phải hạ vũ khí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi lại Paul Mus rằng nếu
như người Đức gửi một tối hậu thư như vậy thì thái độ của những người kháng chiến
Pháp sẽ như thế nào.
Đại tướng cho rằng quan điểm mà ông McNamarra viết
trong cuốn sách Nhìn lại tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam cho rằng một
trong những nguyên nhân Mỹ thua ở Việt Nam là do không hiểu về dân tộc Việt
Nam, và nhất là không hiểu về chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam là hoàn
toàn đúng.
Đại tướng nhấn mạnh rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc mà ý thức
và quyết tâm bảo vệ độc lập đã trở thành một triết lý, bản sắc văn hóa và cũng
là một nguyên tắc không lay chuyển của người Việt Nam. Sai lầm của Mỹ không những
chỉ là không lường được sức chịu đựng và tinh thần quyết tâm của nhân dân Việt
Nam mà còn thể hiện ở chỗ muốn tìm kiếm hòa bình ở Việt Nam bằng những cuộc
thương lượng với các nước lớn khác.
Tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt
Nam không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ chiến tranh mà cả trong công cuộc xây dựng,
đổi mới hiện nay, Việt Nam sẽ đổi mới bằng cách riêng của mình. Những yếu kém về
công nghệ Việt Nam sẽ học tập ở nước ngoài nhưng Việt Nam luôn phải giữ vững
tinh thần độc lập và bản sắc dân tộc.
Đại tướng kể lại rằng có lần, tại Alger nhân tham dự
ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh của Algerie, Brzezinski, người được coi là kiến trúc
sư của chiến lược đánh phá Chủ nghĩa Cộng sản dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và
các nước Đông Âu đã gặp và hỏi Đại tướng rằng: “Chiến lược của Ngài là gì?”.
Câu trả lời: “Chiến lược của tôi là Hòa bình trong Độc lập và Tự do”.
Đại tướng cũng nhắc lại cuộc gặp gỡ mới đây với
A.Thomas và nhóm cựu chiến binh của cơ quan OSS của Mỹ đã từng sát cánh và cùng
các chiến sĩ Việt Minh đánh phát xít Nhật hồi Cách mạng tháng Tám 1945.
Đại tướng nói rằng lúc đó chúng tôi đã nghĩ đến những
bước phát triển tốt đẹp trong mối quan hệ giữa hai nước. Nhưng chính chủ thuyết
Domino và chống Cộng đã dẫn đến những sai lầm của Mỹ ở Việt Nam trong những thập
kỷ vừa qua. Việt Nam là một dân tộc quý trọng nền độc lập của mình nhưng cũng luôn
tôn trọng độc lập của các dân tộc khác. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt
Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dẫn ra câu đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập
Mỹ.
Ông McNamarra bày tỏ sự tán đồng và những ý kiến của
Đại tướng và cả hai vị đều tán thành ý nghĩa và sự bổ ích của cuộc hội thảo dự
định sẽ tổ chức.
Trước chính Ngọ, hai nhân vật của cuộc chiến tranh
năm xưa đã vui vẻ chia tay nhau giữa vòng vây của các nhà báo.
Ngày hôm sau (10.11), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamarra
đã phát biểu trước các nhà báo:
“Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt
Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp
con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều làm tôi thực sự
cảm động là tôi không hề nhận thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt
Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh nhưng quả là đẹp.
Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ không từng đứng vững trong quá
khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi”.
Nói về cuộc gặp gỡ với tướng Giáp, ông McNamarra cho
rằng đó là một cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng.
Dương Trung Quốc
Trích trong "Ở với Người-Ở với Đời" - NXB Thời Đại (Trích trong "Ở với Người-Ở với Đời" - NXB Thời Đại)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.