Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những mùa xuân đáng nhớ

Thứ hai, ngày 27/01/2014 07:15 AM (GMT+7)
Năm 2013 với dấu ấn “đại tang của dân tộc”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Tưởng nhớ Đại tướng, NTNN cùng điểm lại những mùa xuân đáng nhớ trong cuộc đời huyền thoại…
Bình luận 0
Năm 1940 - mùa xuân của tình yêu và lý tưởng

Năm 1940 đến, tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, nên cách mạng Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị phù hợp nhằm tạo tiền đề cho tổng khởi nghĩa cướp chính quyền khi thời cơ đến. Đồng chí Hoàng Văn Thụ- Thường vụ Trung ương Đảng, được chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc đã tới gặp Võ Nguyên Giáp báo lệnh triệu tập gọi anh sang Trung Quốc nhận nhiệm vụ mới.

Chuyến đi theo tiếng gọi của cách mạng lần này, tuy sẽ phải gặp nhiều khó khăn, nhưng mang đến cho anh một cơ hội lớn- được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người mà anh đã biết từ lâu và tâm đắc qua những trang tài liệu kín gửi về nước. Tuy nhiên, chuyến ra đi lần này anh phải vượt qua một tình cảm lớn- để lại người vợ mới cưới (chị Nguyễn Thị Quang Thái) và đứa con gái nhỏ hơn 1 tuổi (bé Hồng Anh).

Hai người kết hôn năm 1935, khi Quang Thái tròn 20 tuổi và Võ Nguyên Giáp 24 tuổi. Tết năm đó họ sống với nhau thật hạnh phúc và tràn ngập một khát khao hoài bão phục vụ cách mạng. Chị Quang Thái cũng là đảng viên năm 1930. Họ không biết đấy là cái tết cuối cùng sống bên nhau.

Các cựu chiến binh tới tiễn biệt người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Các cựu chiến binh tới tiễn biệt người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Một ngày đầu mùa hạ năm 1940, Võ Nguyên Giáp lên xe lửa đi Lào Cai, rồi vượt qua biên giới sang Trung quốc. Chị Thái ôm đứa con nhỏ tiễn anh bên bờ hồ Tây.

Tết chiến thắng đầu tiên

Cuối năm 1944 phong trào cách mạng trong nước có nhiều chuyển biến. Tháng 7.1944 tại Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp đã bàn và triệu tập hội nghị cán bộ để thảo luận tình hình trước mắt. Hội nghị nhất trí rằng điều kiện để phát động chiến tranh du kích đã chín muồi. Hội nghị cũng thành lập ủy ban quân sự để đôn đốc chuẩn bị phát động quần chúng. Đây cũng là thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thoát tù ngục của Tưởng Giới Thạch về nước. Bác cũng đồng ý và thành lập một đội quân giải phóng và đề nghị anh “Văn” làm đội trưởng. Thế là từ giờ phút ấy Võ Nguyên Giáp nhận nhiệm vụ phụ trách quân sự của Đảng và Hồ Chí Minh giao phó.

5 giờ chiều ngày 22.12.1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, đội quân nhân dân cách mạng đầu tiên ra đời và được đặt tên là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong 34 chiến sĩ thì có 22 người quê ở Cao Bằng. Chỉ 1 tháng sau, đúng dịp tết năm đó, đội đã xuất kích đánh thắng 2 trận liên tiếp ở các đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Đây là cái tết chiến thắng đầu tiên của quân đội ta, báo hiệu mùa xuân chiến công bất tận sau này.

Năm 1946- mùa xuân độc lập

Đây là tết độc lập đầu tiên của Nhà nước cộng hòa non trẻ. Có bao nhiêu vấn đề phức tạp gay cấn xảy ra. Tình thế như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nghìn cân treo sợi tóc”.

Khi đó Hồ Chủ tịch đã cực kỳ sáng suốt cử Chu Văn Tấn giữ Bộ Quốc phòng còn Võ Nguyên Giáp chuyển sang giữ Bộ Nội vụ (gồm cả nội chính và công an), đồng thời đảm đương những nhiệm vụ đặc biệt. Tuy nhiên Võ Nguyên Giáp không xa rời hẳn công tác quân sự, ông vẫn kiêm Chủ tịch Quân sự ủy viên hội.

Việc làm đầu tiên của Võ Nguyên Giáp khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ là quyết định thi hành quốc hữu hóa một số dịch vụ công cộng và công nghiệp, đồng thời tự do hóa việc lưu thông lúa gạo trên toàn quốc. Ông thấy cần đặt tất cả dịch vụ dưới quyền kiểm soát của Chính phủ để phục vụ đời sống của nhân dân tốt nhất.

Vị đại tướng vào mùa xuân 37 tuổi

Sau chiến thắng Việt Bắc, ngày 19.1.1948, Hội đồng Chính phủ họp. Bác bàn với Trung ương nhân dịp này, để động viên và đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang, cần thành lập Bộ Tổng Tư lệnh quân đội quốc gia Việt Nam và phong hàm tướng cho một số cán bộ quân đội.

Ngày 20.1.1948, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh đầu tiên phong hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Nó đánh dấu kết quả 2 năm kháng chiến thắng lợi và sự trưởng thành của quân đội ta.

Điện Biên Phủ và quyết định khó khăn nhất

Ngày 5.1.1954, gần Tết Giáp Ngọ từ núi rừng Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Tây Bắc để trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên. Là tướng quân “tại ngoại”, ông được Hồ Chủ tịch trao toàn quyền hành động. Trận đánh này sẽ là một thử thách lớn chưa từng thấy đối với quân đội ta.

Lực lượng của Pháp ở Điện Biên Phủ bao gồm 12 nghìn quân, có sân bay hậu cần và dã chiến, có trọng pháo, tăng thiết giáp ủng hộ trở thành một con nhím không ai đánh bại được. Thêm nữa Phó Tổng thống Mỹ Nixon khi đến thăm mặt trận Nho Quan cũng đã đảm bảo rằng nước Pháp có thể tin tưởng sự giúp đỡ của nước Mỹ.

Sau khi thế trận đã hình thành các đơn vị đã bao vây xung quanh Điện Biên, Đại tướng thâu đêm ngẫm nghĩ rất nhiều và so sánh lực lượng giữa ta và địch để tìm ra cách đánh thích hợp nhất. Phần lớn những sư đoàn của ta đều mới xây dựng sau 7 năm kháng chiến như: Đại đoàn 308, 312, 304, 316, 351… là những vốn liếng quý giá nhưng ít ỏi. Tất cả những người lính đều còn rất trẻ, các chỉ huy đơn vị tuổi từ 20-30. Đại tướng tổng tư lệnh cũng mới 43.

Đêm 25.1.1954, Võ Nguyên Giáp không sao chợp mắt được, ông cảm thấy rõ là không thể đánh nhanh được và như vậy là rất mạo hiểm. Sáng ngày 26.1.1954, trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận trước mặt các cấp chỉ huy, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, Đại tướng đã thông báo quan điểm cá nhân: Cho rằng nếu đánh nhanh là thất bại và chuẩn bị cho phương châm “đánh chắc thắng chắc”. Đây chính là quyết định khó khăn nhất trong đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để tạo ra bước ngoặt giành chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mùa xuân thống nhất đất nước

Mùa xuân của năm 1975 đang đến. Những ngày cuối năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi Cục Quân báo đến họp, ngoài ra có đồng chí Lê Ngọc Hiền- Tổng Tham mưu phó tới dự. Nghe xong báo cáo, Đại tướng kết luận: “Thế là rõ, hướng Tây Nguyên rất yếu, song lại hiểm yếu. Địch tập trung nhiều ở Bắc Tây Nguyên lại sơ hở ở Nam Tây Nguyên…”.

"Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài lớn nhất của mọi thời đại”.
Nhà sử học Mỹ Cecil Currey

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong hồi ký sau này kể lại: “Ngày 9.1.1975 trong khi ra Hà Nội họp Thường trực Quân ủy Trung ương, tôi được Võ Đại tướng mời đến nhà ăn cơm. Những dịp như vậy chúng tôi vẫn làm việc sơ bộ. Quả nhiên sau bữa cơm khi còn hai chúng tôi, Đại tướng cho biết ý định của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu mở một chiến dịch vào Nam Tây Nguyên mùa xuân năm 1975”.

Ngày 31.12.1974, Quân đoàn 4 giải phóng toàn bộ thị xã Phước Long. Ngày 10.3.1975 nổ súng giải phóng Ban Mê Thuột, cánh cửa lớn mở tung. Các quân đoàn thần tốc tiến thẳng Sài Gòn. Chế độ ngụy Sài Gòn kết thúc vào 30.4.1975, nhưng số phận nó được đặt lên bàn từ những ngày giáp tết trong văn phòng của tổng hành dinh.

Nguyễn Thiên Việt (Nguyễn Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem