Cuộc gặp lý thú của vua cam Việt với chúa quýt xứ anh đào

Đăng Thúy Thứ bảy, ngày 14/04/2018 14:00 PM (GMT+7)
Trong hàng loạt cuộc gặp gỡ, giao lưu ngày 13.4,  giữa những siêu nông dân Việt Nam với các chủ trang trại, nhà vườn nổi tiếng của tỉnh Chiba (Nhật Bản) thuộc khuôn khổ chuyến thăm, học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức, có thể nói cuộc gặp giữa ‘vua cam’’ Hàm Yên (Tuyên Quang) Đoàn Văn An với chúa quýt  vùng Shimariyatsu (TP Kisarazu, tỉnh Chi Ba) là thú vị, ấn tượng nhất.
Bình luận 0

Cả hai thật xứng là kỳ phùng địch thủ, người tám lạng, kẻ nửa cân trong lĩnh vực trồng cam, quýt…

img

Chuyến thăm quan, học tập nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản là lần thứ 3 , vua cam Đoàn Xuân An xuất ngoại ra nước ngoài sau chuyến đến Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) trong 2 năm 2016 và 2017. Cả 2 lần trước, ông  đều cố gắng tìm kiếm các mô hình trồng cam, chế biến loại hoa quả này để học hỏi nhưng tất thảy đều không thành công do phía bạn không bố trí được vì đơn giản là hết mùa cam hoặc… giữ bí mật sản xuất.

img

Vua cam Hàm Yên Đoàn Xuân An quan sát tỷ mỉ một cây quýt vừa được ghép cành.

img

Do vậy,  hay tin dù chỉ  được Ban tổ chức bố trí thăm một mô hình … trồng quýt của lão nông Nomura, người có gần 40 năm trồng loại cây này, ông chúa trồng quýt của vùng Shimariyatsu,  ông Đoàn Văn An cũng  hết sức thỏa nguyện và hài lòng. Dễ hiểu thôi, ông nói,  quýt hay cam đều cùng  một họ, đều giống nhau cả về sản xuất, chế biến.

img

Để bạn đọc tiện theo dõi, xin nhắc lại  ông Đoàn Văn An vốn là nông dân Việt Nam xuất sắc 2016, là Giám đốc Công ty Cam Thành Hàm Yên- chuyên trồng, thu mua, chế biến cam và cũng là Chủ tịch Hiệp hội cam Hàm Yên- nơi mỗi năm sản xuất khoảng 150.000 tấn cam.

img

Ông Nomura năm nay 60 tuổi nhưng đã có gần 40 năm kinh nghiệm trồng quýt. 

Trong khi đó, như đã nói ở trên, ông Nomura là người xuất thân trong một gia đình có truyền thống lâu đời trồng quýt ở xứ Shimariyatsu. Từ đời ông, cha và đến đời ông đều chỉ trồng quýt. Ông Nomura hiểu cây quýt như lòng bàn tay mình, cũng dễ lý giải thôi, bởi cây quýt ngoài là nguồn thu chính  còn là cây truyền thống của gia đình ông.

img

Cuộc gặp lý thú giữa vua cam và chúa quýt diễn ra lúc 15 giờ, chiều 13.6. Tháp tùng vua cam  có 2 phó giám đốc là Ngô Quang Vinh và Nguyễn Duy Kiên và đương nhiên chứng kiến còn có nhiều siêu nông dân Việt Nam khác. Phía ‘’chúa’’ quýt, do là ‘sân nhà’ nên chỉ có mỗi mình ông Nomura.

Vua cam Hàm Yên Đoàn Văn An: Tôi năm nay 63 tuổi, còn  ông bao nhiêu?

Chúa quýt Nomura: Tôi mới 60, nhưng đã gần 40 năm trồng quýt ông ạ.

Vua cam: Sao vườn của ông lạ thế, dưới gốc quýt đầy những cây cỏ  dại?

Chúa quýt:  Ông thấy đấy, trong khu vườn này, mọi cây cỏ đều bị cắt ngắn hết và không có cơ hội phát triển. Chỉ có gốc quýt mới có những cây cỏ phổng phao thôi. Cỏ ở gốc quýt sẽ giúp cho gốc cây giữ ẩm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè. Có nó, cây quýt nhanh lớn và bói quả hơn.

Vua cam: Thật  thông minh. Ở Việt Nam, chúng tôi không sử dụng cỏ như ông, nông dân sợ cây cỏ sẽ làm nảy sinh đủ mọi dịch bệnh. Chúng tôi chỉ dùng phân bón để chăm sóc cho cam, quýt thôi.

Chúa quýt: Lạ nhỉ. Trong vườn quýt của chúng tôi không có sâu bệnh, dịch hại vì ngay từ đầu đất đã được xử lý một cách tốt nhất. Chúng tôi cũng không sử dụng phân bón, mà thay vào đó dùng vỏ con hàu- một loại nhuyễn thể rất nhiều ở đây, xay nhỏ, rồi mỗi cây bón khoảng 600gr. Dùng loại này, cây quýt vừa được cung cấp dinh dưỡng, trong khi quả lại rất ngọt.

Vua cam: Vậy cây quýt ở đây sợ nhất điều gì?

Chúa quýt: Sợ nhất là gió. Nên, mỗi cây quýt chúng tôi đều phải chôn cọc để giữ chặt gốc. Điều này không làm cây lung lay, để rễ cây dễ bám vào đất, để hoa và quả không bị rơi rụng.  Và như ông thấy đây, quanh vườn quýt ở vùng này đều được chăng lưới để chống gió. Có thể nói, gió là kẻ thù chính của quýt chứ không phải là dịch hại, sâu bệnh nhơ ở xứ ông.

Vua cam: Mỗi năm, vựa cam của chúng tôi cho sản lượng cỡ khoảng 150.000 tấn cam, còn chỗ ông bao nhiêu?

Chúa quýt: Tôi cũng không biết nữa. Ở đây không tính bằng số lượng mà là chất lượng.  Như gia đình tôi, chỉ biết trồng  4.500 m2 trồng quýt. Mỗi cây cỡ khoảng 70 quả thôi. Tôi nhớ không nhầm thì cứ 13 lá là một quả.

Vua cam: Số lượng như thế thì  chắc thu nhập cũng không lớn nhỉ?

Chúa quýt: Nói thu nhập thế nào là cao, thế nào thấp thật khó. Nhưng chỉ biết rằng, ngoài bán sản phẩm là quả quýt, chúng tôi còn mở cửa cho khách tham quan vườn trồng. Ông biết không, chúng tôi tạo thu nhập từ vườn cam bằng cách kéo khách đến thăm vườn.  Vừa ngắm vườn, du khách còn được thưởng thức mùi vị đặc biệt của vựa quýt này, trong khi chỉ phải đóng có… 60.000 VND cho một lần tới, thì có ai nỡ từ chối không đến?

Vua cam: Chúng tôi đã thấy quả quýt của các ông ở các siêu thị Việt Nam và tại Nhật Bản, sao nó đồng đều và đẹp đẽ thế? Ở chỗ chúng tôi, cam thu hoạch xong có rất nhiều loại quả to, nhỏ khác nhau, không đồng đều…?

Chúa quýt: Tôi biết vì sao rồi. Lúc nãy, phó tướng của ông nói, cây cam của các ông ra hoa, đậu quả thế nào người nông dân cứ để vậy đến khi lớn thì thôi. Còn ở đây chúng tôi không chạy theo số lượng, mỗi chùm quýt ra 3-4 quả, chúng tôi không để như thế hết mà tỉa bớt, chỉ lấy một quả thôi. Một cành chỉ phải nuôi một quả nên quả nào cũng như quả nào, đồng đều và đẹp đẽ cũng là dễ hiểu.

Vua cam: Xin hỏi ông câu hỏi cuối: Sao cây quýt ở đây nhỏ, thấp  mà người trồng đều rất… to và già nhỉ?

Chúa quýt: À, cây nhỏ vì một người nông dân như chúng tôi cả đời chỉ đeo đuổi một loại cây,  cây lớn thì chúng tôi không thể trèo như… lao động Việt. Ông thấy không, làm nông như chúng tôi giờ chỉ có người già, bọn trẻ ra thành phố hết rồi. Thành ra, quýt của chúng tôi đều được hãm chỉ cao bằng người, để cho những người già như chúng tôi  dễ hái thôi  (cười lớn)

Cuộc nói chuyện rất lý thú, với quá nhiều những thông tin và bài học bổ ích về việc chăm sóc, thu hái quả quýt, quả cam, cuối cùng rồi cũng kết thúc.  Trong cái bắt tay thật chặt, vua cam Việt mong sẽ có dịp được quay lại xứ sở hoa anh đào để lại được trò chuyện tiếp về cách làm nông nghiệp thông minh, trong đó có cách trồng cam, quýt của người Nhật Bản. Còn chúa quýt- ông Homura, sau khi tiễn vua cam ra tận xe, cũng chỉ mong, đồng nghiệp bên ấy: Hết ngày khổ tận sẽ đến thời cam lai…

Xứ Phù Tang hôm qua tự nhiên trời lại nắng ấm! Có lẽ, cũng do cuộc gặp và nói chuyện ấy lý thú và vui?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem