Và dĩ nhiên, những nhà nông dù lẫy lừng, xuất sắc của Việt Nam khi chứng kiến sự kỳ diệu mang tên quả trứng, trái cam của nhà nông Nhật Bản vẫn không thốt nên lời.
Một góc trại sản xuất trứng gia cầm của giám đốc Vmehara ở vùng Nano Hana Ekku của tỉnh Chiba (Nhật Bản).
Quả trứng mà biết nói năng…
Trại sản xuất trứng gia cầm, hay gọi là công ty sản xuất, chế biến trứng của giám đốc Vmehara ở vùng Nano Hana Ekku của tỉnh Chiba (Nhật Bản) nhộn nhịp hẳn lên bởi sự xuất hiện của nhiều nhà nông Việt Nam xuất sắc do Báo NTNN/Dân Việt đưa sang Nhật Bản học tập kinh nghiệm. Gọi là nhộn nhịp quả không sai, bởi trại trứng này nằm cách xa thủ phủ của thành phố Kisarazu của tỉnh Chiba chừng 30 phút đi ô tô, nằm khuất ở một góc núi mà nơi đó cư dân hoàn toàn thưa thớt. Rất ít người đảo qua đây, chỉ có con đường chạy qua thi thoảng lả lơi vài chuyến xe lướt tới.
Trại chăn nuôi có 25.000 con gà, mỗi ngày thu chừng 17.000-20.000 quả trứng nhưng chỉ có vỏn vẹn 8 công nhân làm việc. Ảnh: Đăng Thuý
Giám đốc Vmahara là người đàn ông chừng 50 tuổi, niềm nở đón khách. Gương mặt của vị giám đốc này vui hơn thường lệ. Đã lâu, ông không được đón những vị khách từ phương xa đến để chiêm ngưỡng dây chuyền sản xuất trứng của công ty. Cũng dễ hiểu thôi, trại trứng đã hoạt động nhiều năm và dù có công nghệ nổi tiếng, có sản phẩm nổi tiếng người dân không quan tâm cũng là điều dễ hiểu.
Trại chăn nuôi có 25.000 con gà, mỗi ngày thu chừng 17.000-20.000 quả trứng. Những nông dân Việt Nam trong đoàn nói đùa vui rằng, nếu đem tổng số quả trứng này ra SVĐ Mỹ Đình ở Hà Nội xếp như trò dán chữ, chắc hẳn phải hết... nửa sân.
Và, rất ngạc nhiên, để chuyển từng đó quả trứng đến tay người tiêu dùng, đến tận cái gọi là siêu thị… tất tật chỉ có 8 công nhân. Nghĩ mà sợ! Ở nông thôn Việt, nói không quá, một gia đình nuôi đàn gà khoảng 20 con, mỗi ngày đẻ 15 trứng, cả vợ lẫn chồng không đi ra đi vào cả ngày để chăm cho lũ gà đẻ, mới lạ.
Hóa ra, vận hành cho dây chuyền hỗ trợ 25.000 con gà đẻ, ngoài 8 công nhân, lương một người chừng 30 triệu VND/tháng, còn có một hệ thống máy móc, công nghệ giá đến hơn 1 triệu USD. Từ nhặt trứng, rửa trứng, soi trứng, phân loại trứng, rồi xếp trứng, dán mã vạch…, hệ thống máy móc đều làm tuốt. 8 công nhân mỗi người chỉ đứng ở từng công đoạn, chờ máy kêu "tách" một phát là gập lưng cho dụng cụ vào. Thế là xong!
Lạ là, quả trứng gà nào cũng to, trắng, đều tăm tắp. Hỏi ông chủ chỉ nói, thì mỗi con gà nuôi đều có trọng lượng như nhau, khẩu phần thức ăn bằng nhau, 6 công đoạn tuyển chọn trứng như nhau thì không đều mới lạ. Lão nông, được mệnh danh là vua lợn sạch Tô Hiến Thành ở Bắc Giang hỏi câu trên, bị đồng nghiệp cười rộ lên chọc quê. Công nghệ Nhật nó phải kỳ diệu như thế chứ.
Vậy còn sao trại gà hàng chục con mà không có mùi? Tiếng cười của ông Vmechara át cả tiếng máy của dây chuyền trứng: Có gì lạ đâu. Phân của gà sau khi lấy ra đều được sấy khô cho làm phân bón vi sinh. Còn nước thải của gà, nước rửa chuồng gà đều qua máy lọc 3-4 công đoạn nữa, chảy ra ngoài trong như nước suối. Thảo nào, đứng giữa trại gà khủng như thế, cả đoàn thi nhau đưa mũi ngửi, chỉ thấy "hương như là hương cau…".
Bà Ba Huân- nữ hoàng trứng Việt Nam, hay công ty Dabaco gì đó ở Bắc Ninh, có đến đây, chắc cũng chỉ có nước bái phục mà thôi. Ông Tô Hiến Thành nghe chúng tôi đùa thế, cũng bảo: Cái đó thì đã đành!
Trái cam hồi sinh từ thần gió
Không chỉ giỏi công nghệ, máy móc như sản xuất trứng, trồng rau, nông nghiệp Nhật Bản còn làm người ta khâm phục bởi sự thông minh của con người nơi đây. Lão nông Nomiya Noen, 80 tuổi, người có 60 năm trồng cam ở xứ Bososhi, tỉnh Chiba là một ví dụ như thế. Vườn cam của ông rộng chừng 35.000m2, mỗi năm cho sản lượng khoảng 120 tấn. Cả vườn cam là một tác phẩm nghệ thuật, được pha trộn giữa trí tuệ của con người và những gì thiên nhiên ban tặng.
Lão nông Nomiya Noen (bên phải ảnh), 80 tuổi, người có 60 năm trồng cam ở xứ Bososhi, tỉnh Chiba.
Từ thủ phủ của thành phố Kisarazu đến trại cam phải mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, đi qua nhiều làng mạc nông thôn và những cung đường chạy song song với biển cả. Đẹp tuyệt. Đến một góc cua lớn, chỉ cần đánh lái nhẹ là xe trờ tới nơi có 3 quả đồi- được bao bọc bởi màu xanh của đủ loại cây rừng, là đến trại cam của ông lão Nomiya Noen.
Trại cam có hàng ngàn gốc cam, không kể nữa, vì cũng giống ở Việt Nam: về chiều cao, mật độ trồng, màu lá, màu hoa… Nhưng, cái khác biệt nằm ở căn nhà chừng 40m2. Đó chính xác là một nơi bảo quản quả cam, như ông lão nói là có thể để đến 6 tháng. Lạ là kho bảo quản này không cần dùng máy, không dùng điện, tóm lại là không có yếu tố máy móc, công nghệ như trại trứng của giám đốc Vmehara đã nói ở trên.
"Vua cam" Hàm Yên- Tuyên Quang Đoàn Xuân An bên vườn cam của ông lão Nomiya.
Ông lão Nomiya Noen kể nhiều, nhưng tóm tắt thế này: Cách đây 40 năm, gia đình ông trồng cam với diện tích kể trên, sản lượng cũng như đã nói ở trên. Mỗi năm gia đình chỉ bán được cỡ 1/3, còn lại ế phải đem cho hoặc bán với giá rẻ mạt. Đơn giản vì sản lượng lớn quá, ngoài của gia đình thì cả vùng này cũng nhiều nhà trồng cam. Giải quyết vấn đề này chỉ còn cách bảo quản, đem bán dần để khống chế số lượng.
Trong điều kiện không có nhiều tiền để mua máy bảo quản, ông đã nghĩ đến cách khắc chế thần gió để bảo quản cam. Ông xây nhà 40m2, rồi xung quanh dùng gỗ cộng với tấm pro xi măng ở giữa có cách nhiệt bằng mút để bao quanh ngôi nhà. Tiếp đến, ông đào 4 lỗ thông hơi, lấy gió từ giữa đồi để chạy vào 4 vị trí chính giữa của ngôi nhà. Cuối cùng ông lại làm lỗ thông hơi lên trần.
Căn nhà đặc biệt 40m2 này là nơi ông Nomiya làm kho lạnh bảo quản cam từ 6 tháng đến 1 năm hoàn toàn chỉ bằng gió trời.
Chưa hết, mỗi gian nhà ông lại làm các tầng gỗ, mỗi tầng là hàng chục cái ngăn kéo đựng cam. Ông chất vào căn nhà cỡ 20 tấn cam cho vào từng ngăn kéo, rồi lấy gió từ ngoài qua 4 lỗ dẫn để giữ nhiệt, đảm bảo bao giờ cũng duy trì 8-10 độ. Nếu ngoài trời nóng quá, ông lại đóng 4 ống thông gió lại. Quả cam nhờ duy trì nhiệt độ như vậy có thể để dành được 4-6 tháng.
Vậy là chỉ bằng cách khắc chế thần gió, đưa gió vào duy trì nhiệt độ trong căn nhà do mình tự xây dựng, ông đã có thể bảo quản được trái cây của mình mà không nhờ bất cứ loại máy móc nào.
Bên trong nhà lạnh bảo quản cam bằng gió trời.
Tận mặt nhìn kho bảo quản và nguyên lý sử dụng gió cho quả cam, vua cam Hàm Yên- Tuyên Quang Đoàn Xuân An chỉ biết gật đầu thán phục. Còn 2 phó tướng, là 2 giám đốc của ông cũng chỉ biết lặng lẽ ghi chép.
Ông Đoàn Xuân An (bên trái ảnh) và hai 'phó tướng' của mình chụp ảnh kỷ niệm với lão nông Nomiya.
Được hỏi về cảm xúc của mình, vua cam Đoàn Xuân An chỉ nói ngắn gọn: Tôi đi nhiều nước, tìm hiểu nhiều nơi để tìm công nghệ bảo quản cho quả cam Hàm Yên. Nhưng tất thảy đều thất bại. Hoặc là không tìm thấy, hoặc là giá cả quá đắt đỏ. Gặp ông Nomiya Noen hôm nay đã gợi mở cho tôi và người dân Tuyên Quang nhiều hướng đi mới trong bảo quản cho quả cam.
Có thể nói, nền nông nghiệp của xứ Hoa Anh Đào phát triển được như hiện này, có lẽ ngoài việc áp dụng khoa học công nghệ chính còn nhờ những sáng kiến của bản thân mỗi nhà nông, trong đó có ông Nomiya Noen… Sự kỳ diệu của nền nông nghiệp Nhật Bản đến từ những điều giản dị như vậy. Và đó sẽ là điều thôi thúc cho những người làm nông nghiệp Việt Nam phải sớm nghiêm túc học hỏi và tiếp thu…
Lão nông Nomiya cho biết ông đã từng sang Việt Nam và hiểu phần nào về khí hậu ở Việt Nam đối với việc bảo quản cam.
Anh Lê Trung Lâm- Giám đốc Công ty Intrase tháp tùng đoàn cho biết, nhiều năm nay anh vẫn đi đi về về giữa Nhật Bản và Việt Nam, và may mắn thay anh đã đến được nhiều vùng ở nông thôn Nhật Bản, tận mắt chứng kiến sự kỳ diệu của nông nghiệp Nhật Bản.
Để gói gọn về sự thành công của nông dân Nhật, anh Lâm nói, ở đất nước mặt trời mọc này, lòng tự hào dân tộc là thứ vũ khí mạnh mẽ, ăn sâu vào máu, tiềm thức của tất cả người dân Nhật, họ luôn đặt giá trị của thương hiệu quốc gia lên hàng đầu, bởi vậy, người Nhật làm gì cũng có tính kỷ luật, sự tự tin và kiên trì bền bỉ cho đến thành công.
Những ngày ở vùng Kanto, đoàn nông dân xuất sắc đi học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản, do báo Nông Thôn Ngày nay/ Dân Việt tổ chức đã đến thăm hợp tác xã trồng, bảo quản, đóng gói cà chua nữ hoàng; thăm trang trại sản xuất rau sạch; thị sát sàn nông sản của nông dân Chiba; thăm toà thị chính và gặp gỡ thị trưởng thành phố Kisarazu; thăm công ty sản xuất rau thuỷ canh; thăm trang trại trồng lê; ruộng trồng gừng; trang trại quýt; vườn dâu; đồi trồng việt quất của tỷ phú nông dân CLB lions tỉnh Chiba; tìm hiểu cách vận hành chợ nông sản; trang trại trồng cà rốt, củ cải, xà lách; toạ đàm kết nối thị trường Nhật; trại gà và quy trình sản xuất trứng siêu sạch; đồi cam phía nam tỉnh Chiba. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.