Cuộc giao duyên góp phần nâng đẳng cấp cà phê Robusta
Trần Khánh
Thứ bảy, ngày 23/05/2020 15:43 PM (GMT+7)
Việc kết hợp bày bán, thưởng thức cà phê Robusta Specialty ngay trên nhà hàng tàu nổi lớn nhất TP.HCM là cuộc giao duyên góp phần nâng cao đẳng cấp dòng cà phê Robusta Việt Nam.
TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá như thế tại buổi ra mắt sản phẩm cà phê Robusta Cada Specialty của thương hiệu Ông Bầu trên nhà hàng tàu nổi Elisa ở TP.HCM ngày 23/5.
Cà phê Specialty thường được hiểu là dòng cà phê đặc sản, có những tiêu chí đánh giá khắt khe, bao hàm nhiều yếu tố trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ nói về chất lượng một loại cà phê nào đó.
30% chất dinh dưỡng trong mỗi trái cà phê là thành phẩn cốt lõi tạo nên hương vị đặc trưng và nuôi dưỡng mầm hạt cà phê. Chỉ những trái cà phê chín mọng và đều mới được thu hái cẩn thận bằng tay để giữ lớp vỏ nguyên vẹn, đảm bảo độ ngọt của trái luôn ở mức cao nhất.
Trái cà phê chín sau khi rửa sạch, ráo nước được ủ lên men yếm khí, để hương thơm và vị ngọt của trái chín tự nhiên thấm ngược vào hạt cà phê. Tất cả tạo nên sự cân bằng giữa vị đắng, ngọt và chút chua thanh nhẹ nhàng trong hạt.
Cà phê Specialty thường gắn liền với dòng cà phê Arabica. Cà phê Specialty mà Ông Bầu ra mắt lần này lại được tuyển lựa, chế biến từ chính dòng cà phê Robusta phổ biến trong nước hiện nay.
Ông Bầu là thương hiệu cà phê mới trên thị trường, được thành lập bỡi 3 ông bầu: Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Group), Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh- Gia Lai) và Trần Thanh Hải (Nutifood).
TS. Trần Du Lịch cho biết, thổ nhưỡng Việt Nam chỉ trồng được số lượng hạn chế cà phê Arabica. Việc nâng cà phê Robusta lên thành sản phẩm Specialty có ý nghĩa về mặt kinh tế, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê Việt.
"Việc kết hợp thưởng thức cà phê Robusta Specialty ngay trên nhà hàng nổi Elisa – con tàu độc đáo và lớn nhất TP.HCM còn là cuộc giao duyên quý tộc, nâng cao giá trị văn hóa ẩm thực của Việt Nam", TS. Lịch đánh giá.
Theo ông Thái Như Hiệp, chủ sở hữu thương hiệu cà phê hữu cơ L'amant Café, lâu nay, khẩu vị ở châu Âu vẫn chuộng vị chua thanh và đắng nhẹ của Arabica.
Thế giới có thói quen ví Arabica như một cô gái xinh đẹp, sang trọng. Trong khi đó, hương vị đắng đậm của Robusta lại bị xem chỉ như một chiến binh rô bốt.
Ông Hiệp cho rằng đây là một cách ví von không ổn. Tự thân cà phê Robusta đã chứa đựng và có thể tạo ra nhiều hương vị hấp dẫn khác nhau để thỏa mãn khách hàng
"Vấn đề là sự chú tâm vào công nghệ chế biến để tạo nên hương vị riêng, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cho hạt cà phê nói chung và Robusta nói riêng.", ông Hiệp giải thích.
"Trong 5 năm tới, sản lượng xuất khẩu của cà phê Việt Nam có thể không thay đổi nhưng chất lượng chắc chắn sẽ khác", ông Hiệp tin tưởng.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, trước đây, Robusta thường được dùng để pha trộn do giá thấp. Châu Âu vẫn thích vị chua của Arabica hơn là vị đắng của Robusta như thói quen ở Việt Nam và châu Á.
"Tuy nhiên, các sản phẩm cà phê Việt Nam ngày càng đa dạng, chất lượng nâng cao đã làm thế giới có sự nhìn nhận khác về dòng cà phê này", ông Nam chia sẻ.
Ông Võ Quốc Thắng, người đồng sáng lập cà phê Ông Bầu cho biết, thương hiệu này muốn đem lại hương vị thật của những hạt cà phê được trồng từ nông trường Cada tỉnh Đắk Lắk.
Nếu dòng sản phẩm cà phê Ông Bầu hướng đến đối tượng bình dân thì Robusta Cada Specialty lại chọn phân khúc cao cấp hơn vì những kỳ công của nó. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều những điểm chung là nhằm mang đến hương vị thật của cà phê. Và các hoạt động thương mại đều hướng tới mục đích xã hội.
Mỗi ly cà phê Ông Bầu được trích lại 1.000 đồng cho Quỹ phát triển tài năng trẻ do 3 ông bầu sáng lập. Cà phê Robusta Cada Specialty cũng được Chủ tịch Elisa Group cam kết trích lại 10.000 đồng cho Quỹ phát triển võ thuật Vovinam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.