Từ sân nhà văn hoá của xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, ông Lý Văn Día, Trưởng xóm khoát tay như vẽ vào không trung: Hướng này là đồi 400, hướng kia là đồi Yên Ngựa…, từng dãy đồi cao, thấp bám nối nhau bao bọc lấy vùng đất bình yên này.
Bà con người Mông xóm Đồng Tâm đi xem biểu diễn văn nghệ
Mải nghe anh Día kể chuyện, nên lúc trời tối nhọ mặt người chúng tôi mới bảo nhau vào nhà, dùng bữa với bà con. Ai nấy hả hê, vui vẻ, bữa cơm thịnh soạn với khá nhiều món ăn do bà con tự làm, nhưng mèn mén ăn với thắng cố được nhiều người mê nhất.
Ông Dương Văn Phong, Trưởng ban công tác mặt trận xóm cho biết: Mèn mén và thắng cố là món ăn truyền thống của người dân tộc Mông chúng tôi. Song từ ngày bà con ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc, Kạn, Tuyên Quang hạ sơn về đây, do đất ít, nên bà con chuyển đổi đất trồng ngô ăn bắp, sang trồng sắn lấy củ bán cho nhà máy.
Nhờ cây sắn nhiều củ, bán được giá, cuộc sống của bà con ngày càng no ấm, trẻ em không bị thất học. Hiện xóm có 59 hộ, 280 nhân khẩu, hầu hết các hộ đều đã xây dựng được nhà ở, nhà nào cũng có ti vi, có xe máy làm phương tiện đi lại.
Cụ Sầm Thị Chi, 90 tuổi, hiện tại là người cao tuối nhất xóm cho biết: Người Mông Đồng Tâm không còn khổ như ngày xưa nữa. Người già đi chăn trâu, người trẻ đi làm nương đều có điện thoại di động.
Không chỉ là người cao tuổi nhất, cụ Sầm Thị Chi còn là một trong số những người Mông đầu tiên về đây lập nghiệp. Cụ kể: Năm 1990, chúng tôi được Nhà nước vận động về đây tái định cư. Trong năm tháng thiếu thốn ấy, Nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi tiền mua lương thực, tiền làm nhà, làm rẫy, chúng tôi mang ơn Đảng, Nhà nước.
Còn ông Sầm Văn Sì, con trai của cụ Chi cho biết thêm: Cả xóm nằm trong một thung lũng khá bằng phẳng, nhưng khe suối thấp, việc lấy nước lên tưới cho cây trồng không thuận lợi, nên bà con trong xóm bảo nhau trồng cây ngô lấy lương thực ăn trước mắt.
Nhấp chén rượu ngô ủ men lá, ông Lý Văn Páo nhìn vào khoảng trời đêm mênh mông. Tôi biết, ánh mắt ấy gợi cho ông nhớ về những mùa ngô đói nước tưới, bắp nhỏ không đủ hạt nuôi người. Rồi những mùa mía ế ẩm, từng phên đường đen xỉn xếp trong góc nhà chẳng ai muốn mua.
Trong lúc đầu ra của sản phẩm khó khăn, thì nhân viên của Công ty chế biến sắn Thác Giềng (Bắc Kạn) về xóm, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn. Không chỉ tuyên truyền, “họ” còn ứng vốn cho bà con mua hom giống, phân bón, nên ngay năm đầu (2003) các hộ trong xóm hưởng ứng chuyển đổi từ trồng ngô, mía sang chuyên canh cây sắn.
Cụ Chi bảo: Ban đầu bỏ cây ngô, trồng cây sắn cũng thấy lo, cả lúc cây sắn cao ngập đầu người vẫn lo, chỉ sợ cây sắn cũng như cây mía, làm ra chẳng bán được…
Giây lát dừng lời, bà thở phào như tiếng núi vọng về: Thế mà cây sắn lại cho dân chúng tôi nhiều tiền hơn trồng cây ngô, cây mía, nên từ đó đến nay, bà con trong xóm tích cực trồng cây sắn láy củ bán cho nhà máy. Hết bán cho nhà máy sắn Thác Giềng, chuyển sang bán cho Nhà máy Sắn Sơn Lâm, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), nay chúng tôi bán sắn củ cho một số làng nghề ở Hà Nội.
Hơn 70% số hộ ở xóm Đồng Tâm có máy cày mini phục vụ sản xuất
Chuyện trồng sắn, ông Ông Lý Văn Thái phấn khởi nói: Nhờ trồng sắn lấy củ, dân mình đổi đời. Nhà xây, xe máy, ti vi… đều từ củ sắn mà có…
Trong xóm, nhà ông Thái là hộ có nhiều đất trống sắn nhất, hơn 3 ha. Sau đến các hộ Dương Văn Trơ, trồng 3 ha; Thào Thị Mỵ, trồng gần 3 ha; còn lại đều có đất trồng từ 1 đến 2 ha sắn. Cả xóm Đồng Tâm, bà con trồng được gần 50 ha sắn cao sản K94. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây sắn đạt năng suất cao, 30 tấn/ha, sản lượng sắn hằng năm ổn định 1.500 tấn/năm. Với giá bán bình quân 1,6 triệu đồng/tấn, mỗi năm cây sắn mang lại cho người dân xóm Đồng Tâm gần 1,8 tỷ đồng.
Từ khoảng sân rộng trước nhà văn hoá, tiếng khèn gọi bạn cất lên, âm rền tiếng núi, lời suối. Chị Lý Thị Mai, Chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ xóm cho biết: Tối nay bà con trong xóm tổ chức giao lưu văn nghệ, nghe tuyên truyền, phổ biến về Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp... Tiếng khèn cuốn chúng tôi vào cuộc vui. Ở đây, chúng tôi được gặp gỡ bao khuôn mặt tươi tắn, phấn chấn, anh từ miền Thành Đồng ra, chị từ miền Hồng Lê về, tôi miền Tân Chúa đến…, mọi người gặp nhau tay bắt, mặt mừng, hỏi thăm chuyện nhà, chuyện làm ăn, rồi cùng xem chương trình giao lưu văn nghệ, nghe tuyên truyền về bầu cử, về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Được chứng kiến cảnh bà con ngồi trên nền cỏ, ai nấy chăm chú xem từng tiết mục văn nghệ do chính người thân mình biểu diễn, mới thấy những buổi sinh hoạt văn nghệ, tuyên truyền theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng thật hết sức quan trọng đối với đồng bào các dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Bà con đã ngồi theo dõi chương trình cho tới lúc ánh đèn ở khu vực sân khấu tắt, mới í ới gọi nhau về. Và suốt một đêm dài, mọi người trong nhà hể hả kể cho nhau những điều họ được nghe thấy, nhìn thấy. Trong đó có câu chuyện đi bầu cử, mỗi cử tri cầm trên tay một lá phiếu, bầu chọn người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Phạm Ngọc Chuẩn (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.