Cuộc sống mới trên đỉnh Pha Đin

Thứ năm, ngày 05/07/2012 08:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Toả Tình là xã khó khăn nhất của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Nhưng hôm nay, cuộc sống đã khác xưa...
Bình luận 0

Nhịp sống ở Tỏa Tình

Với địa giới hành chính "ôm gọn" con đèo Pha Đin huyền thoại, Toả Tình có 7 bản, 430 hộ với 100% đồng bào là dân tộc Mông. Hơn 10 năm về trước, tỷ lệ đói nghèo và cận nghèo ở đây chiếm tới gần 90%. Đói nghèo luôn đi cùng với lạc hậu, cả xã chẳng có lấy nổi 1 học sinh học hết trung học phổ thông. Học sinh nữ thì chỉ cần hết tiểu học hoặc lên cấp trung học cơ sở là bỏ học để "làm mẹ", làm nương.

img
Vợ chồng anh Mùa Dũng Dua ở bản Lồng, xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên mỗi năm thu hàng chục tấn dưa mèo nhờ thâm canh tốt.

Về với Tỏa Tình hôm nay, dưới cái nắng chói chang của ngày hè, lớp sương mù dần tan đi để lộ những mái nhà lợp ngói, lợp tôn lấp loá. Chủ tịch Hội Nông dân xã Toả Tình, ông Mùa A Lầu cho biết: Hiện đàn gia súc trên địa bàn xã có gần 2.000 con, diện tích gieo trồng lương thực gần 1.000ha, bình quân lương thực 450kg/người/năm, bà con trong các bản không còn chịu cảnh đói ăn, đứt bữa.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn dưới 19%, cận nghèo là gần 4%, nhà tạm không còn nữa. Hơn 80% số hộ trong xã được dùng điện lưới quốc gia từ 12 năm nay.

"Đuổi được cái đói thì lạc hậu cũng mất dần đi. Xã không còn người nghiện ma túy, không ai tái trồng cây thuốc phiện. Trên địa bàn xã đã có 3 ngôi trường của 3 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), tạo điều kiện cho các em trong độ tuổi đi học được đến trường, đến lớp theo đuổi cái chữ" - ông Lầu nói.

Nhiều nông sản thành hàng hóa

Sự đổi thay ở Toả Tình hôm nay thật đáng khích lệ, bởi lẽ đó không chỉ là những thay đổi "dựa dẫm" vào sự đầu tư của Nhà nước mà đã có sự phát huy nội lực rất lớn từ phía người dân.

Nói về ý thức xoá nghèo, làm giàu của người dân trong xã, ông Lầu vừa kể vanh vách hàng chục hộ nông dân giỏi: Mùa Sáy Tồng, Vàng Chứ Dơ (bản Lồng), Vừ Gà Nếnh, Mùa A Gấu (bản Hua Sa B)... với mức thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.

“Cái hay nhất mà mọi người học theo Mùa Dũng Dua là đem cây dưa mèo tự nhiên về trồng với diện tích lớn, chăm bón để dưa cho quả sớm hơn và kết thúc vụ muộn hơn”.

"Điều quan trọng là những mô hình kinh tế này đã được nhân rộng và tạo thành thế mạnh của các nhóm hộ, nhóm bản. Bản Lồng có thế mạnh về trồng sa nhân với diện tích trên 10ha, thu hút gần 100 hộ tham gia. Còn bản Hua Sa B lại có thế mạnh về cây cà phê với tổng diện tích gần 20ha, thu hút trên 90% số hộ. Các bản Hàng Tàu, Chế Á lại có thế mạnh về rừng và chăn nuôi gia súc. Những thế mạnh đó đã làm cho xã chúng tôi bứt phá, vươn lên" - ông Lầu phấn khởi.

Đến bản Lồng để gặp nông dân giỏi Mùa Dũng Dua-người có mô hình sản xuất tổng hợp rất thành công với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Mùa Dũng Dua xua tay, lắc đầu quầy quậy: "Mình đã làm được gì nhiều đâu. Hơn 20 ha rừng thông thì chưa cho thu hoạch. Cây sa nhân của mình thì còn ít hơn của nhà ông Tồng, ông Dơ, bà Dua trong bản. Vườn táo mèo, dưa mèo thì cũng chỉ được hơn 10 tấn quả một năm thôi. Nhưng mình đang nhân đàn gà lôi và chim trĩ đỏ đấy. Sau này thành công thì mình sẽ báo cho cán bộ biết, sẽ bảo cho người khác làm theo".

Ghé vào tai tôi, ông Lầu bảo: Lão Dua còn nhiều cách làm hay lắm. Lão ấy nuôi cả chục con bò, nhân đàn lợn bản tới hàng chục con; nương lúa của lão ấy rộng mấy ha, năm nào cũng thu cả chục tấn thóc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem