Cuộc sống người lao động tật nguyền trong đại dịch Covid-19 (Bài 2): Buôn bán nhờ vào lương tâm khách hàng
Chinh Hoàng
Thứ năm, ngày 11/11/2021 12:06 PM (GMT+7)
Những người lao động nghèo ở TP.HCM không may bị khiếm thị, họ sống dựa vào nghề bán vé số, bán dụng cụ vệ sinh trong nhà. Họ bán hàng theo thói quen của đôi tay và đồng tiền nhận lại phụ thuộc vào lương tâm của khách.
"Đầu năm 1978, trong một lần đi chơi với bạn, không may tôi giẫm phải mìn, cú nổ mạnh khiến tôi sống trong bóng tối cho đến tận bây giờ", ông Đinh Cẩm Vân thành viên sống tại khu trọ số 700, đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân chia sẻ.
Sau dịch buôn bán ế ẩm
Ông Vân cùng vợ đã có hơn 20 năm sống và mưu sinh ở TP.HCM bằng nghề bán vé số, kết hợp bán thêm dụng cụ vệ sinh nhà cửa. Cả ông và vợ đều khiếm thị, nhưng may mắn là 3 người con đều lành lặn.
Khi thành phố hết giãn cách, ông Vân và vợ đã làm việc trở lại từ ngày 22/10. Ông bảo: "Mấy tháng liền chỉ ở một chỗ trong nhà trọ tôi thấy bí bách lắm, hiện tại đã được ra ngoài để kiếm tiền nhưng buôn bán ế vì dịch bệnh vẫn còn phức tạp".
Những địa điểm mà ông thường xuyên đến buôn bán là các khu chợ ở khu vực quận Bình Tân. Vợ chồng ông Vân rời khỏi khu trọ từ sáng sớm, chia ra hai nơi khác nhau "để bán được nhiều hơn".
Ông Vân buôn bán theo thói quen nhận biết bằng đôi bàn tay của mình. Số tiền ông hay vợ nhận lại được thỉnh thoảng vẫn có thể kiểm tra bằng tay, nhưng đối với ông tùy vào lương tâm của khách hàng.
"Họ đưa bao nhiêu thì tôi cầm bấy nhiêu, chứ không thể cứ kiểm tra từng tờ tiền được. Cũng có vài trường hợp, người ta đưa tôi tiền giấy không dùng được rồi bỏ chạy , tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi thôi biết sao giờ", ông cười hiền.
Tiếp tục cuộc trò chuyện, bà Huỳnh Thị Thủy (vợ ông Vân) cho hay, thời gian dịch lên đỉnh điểm bà bị nhiễm Covid-19. Ban đầu bà Thủy tưởng mình chỉ bị sốt nhẹ, vì bà đâu biết dấu hiệu của bệnh Covid-19 như thế nào, cũng không hề theo dõi tin tức.
"Chồng tôi cố gắng liên hệ với y tế phường, nhưng lúc đó chắc nhiều ca mắc bệnh quá nên chúng tôi tự điều trị tại nhà. Khó khăn lắm tôi mới vượt qua được. May mắn hơn khi trong nhà chỉ có tôi nhiễm bệnh, chồng và con cái vẫn bình an", bà Thủy tâm sự.
Không vì buôn bán ế ẩm mà vợ chồng nhà bà Thủy chán nản, hai người luôn cố gắng đi bán sớm và trở về muộn hơn, cố gắng kiếm thêm một ít tiền để dành dụm phòng thân khi lỡ trở trời, đau ốm bệnh tật bất ngờ.
Bà Thủy cùng ông Vân có với nhau 3 đứa con, đứa bé nhất 6 tuổi. Hai vợ chồng không thấy mặt con, chỉ nhận biết chúng mập hay ốm, cao thấp bằng cách dùng đôi bàn tay sờ nắn, ôm con mình vào lòng.
"Tôi chỉ biết mò mò xem mấy đứa mập ốm như thế nào, chứ không biết chúng xấu đẹp trắng đen ra sao cả", bà Thủy kể.
77 tuổi một thân mình tự mưu sinh
Cụ bà Châu Thị Đàn (77 tuổi) sống tại khu nhà trọ gần nơi vợ chồng bà Thủy. Ở tuổi gần đất xa trời, bà Đàn chỉ sống có một mình và phải rảo bộ hàng ngày ở khắp các khu phố bán vé số để sinh.
Bà nói: "Tôi bị mù vĩnh viễn vào năm 12 tuổi sau một cơn bạo bệnh. Tôi cũng có một đứa con trai nhưng nó đã mất rồi". Quê gốc ở Mỹ Tho, năm 20 tuổi bà rời khỏi trại trẻ mồ côi và lên mưu sinh ở TP.HCM cho đến bây giờ.
Bà Đàn bày tỏ vui mừng, khi được đi bán trở lại sau những tháng ngày phải ở yên tại nhà trọ vì dịch Covid-19. Bà kể, hiện mỗi ngày không bán được bao nhiêu vé số nhưng ít ra vẫn có tiền để trang trải, mua thực phẩm để cải thiện bữa ăn thay vì ăn cơm với rau miết trong nhiều tháng qua.
"Tôi cứ đi bán vậy thôi, được chừng nào hay chừng đó. Lâu lâu mới gặp người xấu họ không đưa tiền hoặc ăn cắp vé số của tôi thôi…", bà Đàn bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.