Cuộc sống những đứa trẻ "ăn ngủ" dưới lòng sông Hồng
Cuộc sống lênh đênh của những đứa trẻ "ăn, ngủ" ở bãi giữa sông Hồng
Gia Khiêm
Thứ năm, ngày 01/06/2023 09:45 AM (GMT+7)
Cuộc sống khó khăn, thiếu tình thương của cha mẹ… khiến nhiều đứa trẻ "ăn, ngủ" nơi bãi sông Hồng (Hà Nội) thêm buồn và gần như biệt lập với bên ngoài.
Nỗi lo người bà chăm hai cháu nhỏ dưới bãi sông Hồng
Nằm ẩn mình dưới chân cầu Long Biên, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội, nhiều năm nay là nơi trú ngụ tạm bợ của 30 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu. Bao năm qua, cuộc sống những người dân nơi đây gần như tách biệt hoàn toàn với lối sống ồn ào, sầm uất, đủ đầy của phố thị.
Túp lều tạm bợ được dựng trên bãi đất trống là nơi sinh sống của gia đình bà Đào Thị Phương Nga. Ảnh: Gia Khiêm
Mỗi gia đình trong xóm là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là xa quê, tha hương cầu thực và làm nhiều nghề để mưu sinh. Cũng tại nơi đây, nhiều đứa trẻ cũng lần lượt ra đời nhưng gắn với cuộc sống lênh đênh "ăn ngủ"… dưới lòng sông.
Những ngày cuối tháng 5 trời oi bức, Lê Gia Huy (10 tuổi) cùng em gái 6 tuổi theo chân cha ra khúc sông gần nhà tắm giải nhiệt. Dù ít tuổi nhưng những đứa trẻ này đã quá quen thuộc với việc tắm sông tại nơi cuộc sống gần như biệt lập với bên ngoài.
Bà Nga cùng hai người cháu nội của mình. Ảnh: Gia Khiêm
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Đào Thị Phương Nga (66 tuổi, bà nội Gia Huy) chia sẻ, đã gắn bó với khu vực bãi giữa sông Hồng đến nay 35 năm. Cũng từ đây các con, các cháu của bà đều bám dựa khúc sông này để sống cuộc sống tạm bợ, lênh đênh và mờ mịt tương lai.
"Chồng tôi khi còn sống cũng có chơi bời, cờ bạc nên cuộc sống anh em trong gia đình không hoà thuận. Chúng tôi sau dắt nhau về đây dựng thuyền lều sinh sống. Tôi có 3 đứa con thì hai đứa lớn cũng lấy vợ gả chồng ở dưới sông cách đây 1 đoạn. Tôi thì ở với con trai út tại xóm thuyền này. Đợt vừa rồi thuyền xuống cấp thường xuyên mưa dột, may một hộ dân cho dựng tạm túp lều ven sông này lấy chỗ che mưa nắng để sinh hoạt", bà Nga chia sẻ.
Nơi ở của gia đình bà Nga trước đây là lán thuyền đã xuống cấp nhiều năm nay. Ảnh: Gia Khiêm
Từ khi con dâu bế đứa con thứ 3 bỏ đi hàng ngày bà Nga chăm sóc cho hai cháu nội. Ảnh: Gia Khiêm
Cách đây ít năm, chồng bà Nga qua đời được gia đình chôn cất ngay cạnh nơi vợ con và các cháu sinh sống. Chân tay yếu không làm được việc nặng nên bà chỉ quanh quẩn ở nhà trông các cháu, ai thuê gì làm nấy kiếm sống qua ngày. Ít tháng trước sau khi sinh con thứ 3, người con dâu của bà Nga ôm theo con nhỏ rời đi để lại chồng và 2 đứa con lớn.
Ánh mắt đượm buồn của người cháu nội nơi cuộc sống lênh đênh sông nước. Ảnh: Gia Khiêm
"Cháu thứ 3 giờ cũng hơn 7 tháng tuổi nhưng mẹ con cháu đi đâu tôi không biết và cũng không liên lạc được. Có duy nhất một lần con dâu tôi gọi về, tôi động viên đưa cháu về tôi trông nom, chăm sóc cho mà đi làm nhưng con bảo 'mẹ yên tâm con không về nữa đâu'. Từ đó đến nay không biết mẹ con đi đâu", bà Nga nói rồi thừa nhận con trai út không tu chí làm ăn, cuộc sống lang bạt nên hai cháu nội đang được bà chăm sóc.
"Cũng may hai cháu được chính quyền địa phương tạo điều kiện làm giấy khai sinh để được đến trường. Thằng lớn năm nay chuẩn bị bước sang lớp 6 nhưng không có hộ khẩu nên sắp tới tôi cũng đang lo, không biết xin cho cháu học trường nào. Còn cháu bé thứ 2 năm nay bước chân vào lớp 1. Cuộc sống khó khăn, dù biết tương lai các cháu mờ mịt nhưng cũng không có cách nào khác", bà Nga tâm sự.
Mẹ 15 tuổi sinh con rồi bỏ đi biệt
Cách khu lán của bà Nga là túp lều nhỏ dựng tạm trên sông của bà Nguyễn Thị Oanh (60 tuổi, quê ở Nghệ An) cùng ngoại Nguyễn Tiến Hiếu (8 tuổi) sinh sống. Bà Oanh là một trong những người đầu tiên bám trụ nơi xóm Phao này hơn 20 năm qua.
Những túp lều tạm bợ trên sông của những người dân xóm ngụ cư. Ảnh: Gia Khiêm
"Tôi cùng chồng và hai con gái lang bạt đủ nghề rồi bám trụ nơi đây sinh sống. Sau này, khu xóm này mới dần đông như bây giờ. Hồi mới ra đây, hàng ngày tôi đi nhặt rác, đi buôn đồng nát để kiếm sống. Giờ thì vẫn gắn bó với công việc này với ai thuê gì làm nấy", bà Oanh kể và cho hay, con gái lớn lấy chồng ở Hải Phòng, còn người con gái thứ 2 năm nay 23 tuổi để lại cháu ngoại cho bà đi làm ăn xa.
Kể từ ngày bỏ con ra đi, con gái thứ hai của bà Oanh có về nhà một lần, nhưng vẫn là bản tính ham chơi, lười làm như xưa nên bà cũng đành bó tay và chấp nhận là "mẹ" của đứa cháu ngoại.
Bà kể rằng, con gái bà có bầu từ năm 14 tuổi. Ở cái xóm Phao toàn người ngụ cư, họ còn gọi đây là "xóm liều" thì bố đứa trẻ là ai chỉ có mẹ nó mới biết. Thế nhưng, đến nay bố đứa trẻ là ai đó vẫn là một dấu hỏi. Sang tuổi 15, con gái bà Oanh chuyển dạ sinh cháu Hiếu, khi đó bà tự đỡ đẻ cho con gái ở dưới nhà phao ẩm thấp và chật chội. Ấy vậy mà may mắn cả hai mẹ con chẳng làm sao. "Ở cái xóm này dường như đứa trẻ nào cũng được sinh ra tại chỗ, người thân chính là người đỡ đẻ luôn cho các cháu", bà Oanh tâm sự đã nuôi nấng, chăm bẵm cho tới hôm nay.
Nhiều năm nay, bà Oanh chăm sóc cho cháu ngoại, sống cuộc sống trên sông nước. Ảnh: Gia Khiêm
"Do mẹ cháu sinh lúc chưa đủ tuổi nên chưa làm được giấy khai sinh cho cháu. Do không có giấy khai sinh nên cháu đang học tại trường tư và do một tổ chức từ thiện xã hội thấy hoàn cảnh đứng ra hỗ trợ tiền học phí hàng tháng", bà Oanh nói.
Sống ở trên bè lâu năm cũng thành quen nên giờ mưa gió, bão bùng đối với bà cũng không thành vấn đề. Trước đây, mỗi lần mưa to gió lớn, sợ bè lật ngang, bà Oanh mặc áo mưa cõng cô con gái chạy lên bụi chuối trên bãi bồi đứng co ro. Chờ mưa tạnh, bà mới dám cõng con gái quay trở lại bè. Kể lại một kỷ niệm, có lần mưa to, nước ngập cả vào trong bè, bà Oanh phải cõng con gái chui qua cửa sổ. Lúc nước ngập ngang cổ rất sâu, bà tưởng đã chết vì không biết bơi. Khi bò lên được tới bờ mới dám tin là hai mẹ con còn sống. Chia sẻ với hoàn cảnh của bà cách đây 1 năm mọi người gom góp dựng tạm cho hai bà cháu túp lều che mưa nắng.
Bà cũng thừa nhận, lo cho tương lai của cháu sau này, tuy nhiên cuộc sống khó khăn nên không còn lựa chọn nào khác. Hàng ngày, những lúc bà đi làm thuê thì bé Hiếu tự chơi ở nhà và kè kè với chiếc điện thoại.
"Giờ tôi chỉ mong sao cuộc sống của cháu mình sau này bớt khổ. Cuộc đời mình đã lênh đênh rồi không muốn các cháu mãi gắn bó với nơi này mãi mãi", bà Oanh tâm sự.
Ông Nguyễn Đăng Được, trưởng xóm Phao, phường Ngọc Thuỵ cho biết, nơi đây có khoảng 30 hộ dân sinh sống với hơn 100 nhân khẩu nhưng trong đó trường hợp của gia đình bà Nga và bà Oanh là hoàn cảnh nhất khi bà phải chăm sóc cho các cháu.
Theo ông Được, các hộ dân sinh sống tại đây luôn được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đối với trẻ nhỏ được tạo điều kiện làm các giấy tờ để các cháu được tới trường và tặng quà ngày 1/6 cũng như các ngày lễ, Tết trong năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.